Tạo điều kiện để nhà ở “đến” với dân nghèo

Năm 2014 ghi dấu sự phát triển mạnh mẽ của nhà ở xã hội (NƠXH) với những chính sách, khung pháp lý mới, mở ra cơ hội sở hữu nhà ở cho người có TNT.


Những nỗ lực của Chính phủ, cơ quan quản lý, các địa phương trong việc tạo lập quỹ NƠXH đã được ghi nhận, nhưng để đạt được mục tiêu thì vẫn còn một chặng đường dài. Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (ảnh bên) về câu chuyện nhà ở cho người TNT và những dự liệu cho năm 2015.


NƠXH đã trở thành phân khúc quan trọng trong thị trường bất động sản (BĐS) nhưng cung vẫn chưa đáp ứng đủ cầu, nhất là tại các đô thị lớn. Người có TNT đang kỳ vọng vào sự chuyển mình của quá trình xây dựng quỹ nhà ở này. Xin Bộ trưởng cho biết về lộ trình tạo lập quỹ NƠXH?


– Với quan điểm giải quyết nhu cầu nhà ở cho Nhân dân là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và từng người dân, trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và đã hỗ trợ cho hàng trăm ngàn hộ gia đình nghèo, người có công với cách mạng… trên cả nước. Đặc biệt, thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan đã nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển NƠXH cho người có TNT cả ở đô thị và nông thôn. Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị định 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý NƠXH đã tác động tích cực đến thị trường BĐS nói chung và NƠXH nói riêng. Một số địa phương đã tích cực triển khai xây dựng NƠXH, giúp hàng chục ngàn người có TNT tại khu vực đô thị, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) có nhà ở. Tuy nhiên vẫn còn nhiều gia đình có khó khăn về nhà ở, nhất là các đối tượng có TNT tại khu vực đô thị, công nhân tại các KCN tập trung. Ước tính từ nay đến năm 2020, nhu cầu về NƠXH tại đô thị và các KCN vào khoảng hơn một triệu căn hộ.


Phải nói rằng, Chương trình phát triển NƠXH theo cách tiếp cận mới chỉ bắt đầu khi Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2011. Những quan điểm mới trong phát triển NƠXH được nêu trong Hiến pháp 2013, Nghị quyết của Đảng, được thể chế hóa trong Luật Nhà ở (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua và các Nghị định, chính sách vừa được Chính phủ và các bộ, ngành ban hành. Những chính sách mới này được triển khai trong năm 2015 giúp Chương trình phát triển NƠXH phát triển mạnh hơn và nhu cầu về NƠXH của người dân sẽ được giải quyết.

Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã dành hẳn một chương về NƠXH. Theo Bộ trưởng, việc thực thi Luật sẽ tạo ra được những thay đổi cơ bản nào?


– Luật Nhà ở (sửa đổi) cùng với Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) là công cụ, cơ sở pháp lý tạo điều kiện để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Nhà ở xã hội Khu đô thị Đặng Xá II, huyện Gia Lâm. Ảnh: Thanh Hải

Riêng Luật Nhà ở mới sẽ là cơ sở để thực hiện mục tiêu nhà ở phải đến được với người dân, đặc biệt là người có TNT. Luật đã dành một chương riêng để quy định chính sách NƠXH nhằm đẩy mạnh cũng như xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong phát triển NƠXH. Ví dụ việc quy định phải dành quỹ đất 20% tại các khu đô thị để làm NƠXH là quy định mới rất tiến bộ. Một mặt giúp tăng nguồn cung NƠXH,mặt khác giúp người TNT được hưởng dịch vụ, hạ tầng tiện ích chung nhưng giá nhà vẫn rẻ, tiết kiệm được chi phí, nâng cao chất lượng cuộc sống…


Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng là một “công cụ” quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và giúp nhiều người có TNT biến giấc mơ nhà ở thành hiện thực. Tuy nhiên sau 2 năm triển khai, tốc độ giải ngân gói tín dụng này vẫn chậm. Trong năm 2015, liệu tiến độ giải ngân có được đẩy nhanh, thưa Bộ trưởng?


– Chính sách kích cầu qua gói 30.000 tỷ đồng đến nay đã khẳng định được tính đúng đắn. Tính đến 15/12/2014, tổng số tiền mà các ngân hàng đã ký hợp đồng cho vay là 9.416,6 tỷ đồng, với tổng dư nợ là 4.882 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ cho vay còn chậm do một số nguyên nhân. Thứ nhất, do mới thực hiện lần đầu nên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Thứ hai, hiện vẫn có rất ít NƠXH, NƠTM có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán thấp hơn 15 triệu đồng/m2 để bán, nên người dân chưa thể vay vốn. Thứ ba, dù lãi suất vay có thấp hơn lãi suất thương mại, nhưng người dân cũng phải cân nhắc, tính toán khả năng trả nợ mới ký hợp đồng vay vốn. Thứ tư, phía ngân hàng khi cho vay cũng phải bảo đảm khả năng thu hồi nợ.

Để đẩy nhanh tiến độ cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8/2014 về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, thời gian hỗ trợ được kéo dài từ 10 năm lên thành 15 năm, bổ sung một số đối tượng được vay vốn khi mua nhà ở, xây dựng hoặc cải tạo nhà ở của mình, xây dựng hoặc cải tạo NƠXH… Các địa phương đang tiếp tục rà soát các DA BĐS để phân loại các DA được tiếp tục triển khai, những DA cần phải điều chỉnh, chuyển đổi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh việc phát triển NƠXH; tạo điều kiện rút ngắn thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt DA phát triển NƠXH, các DA NƠTM chuyển đổi sang NƠXH và điều chỉnh cơ cấu căn hộ.


Những chính sách, biện pháp này giúp cho tốc độ giải ngân của gói tín dụng trong mấy tháng gần đây được cải thiện, thị trường BĐS đã có dấu hiệu hồi phục, dần ấm lên, niềm tin của người dân đối với thị trường được củng cố.


Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Để lại một bình luận

0913.756.339