Tâm lý phải xài cho hết tiền ngân sách đã giao

Đó là một trong những biểu hiện của tình trạng thiếu kỷ cương trong chi tiêu ngân sách – vấn đề mà nhiều đại biểu lo ngại nhất khi thảo luận về dự Luật Ngân sách Nhà nước chiều 25/11.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phản ánh, tâm lý xin ngân sách năm sau cao hơn năm trước có ở hầu hết các ngành, địa phương dù nhu cầu thực tế không phải năm nào cũng vậy. Mà muốn năm tới được trung ương cấp nhiều hơn thì năm nay phải tiêu cho hết phần đã được giao. “Sự thật có nơi năm nay chỉ cần chi 80 đồng là đủ, nhưng đã xin được 100 đồng rồi nên phải cố tiêu hết. Vì lo rằng tiêu không hết thì năm sau sẽ bị cắt”, ông Nghĩa nói. Vị luật sư tin rằng, nếu phá vỡ thói quen “xài cho kỳ hết” thì ngân sách sẽ tiết kiệm được rất nhiều. “Làm sao có quy định xài không hết nhưng năm sau vẫn có thể được cấp nhiều hơn nếu nhu cầu đó là cấp thiết”, ông đề nghị.

nghi-8999-1416914845.jpg

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa Ảnh:VPQH

“Kỷ luật ngân sách của chúng ta mềm đến độ… tùy tiện”, đại biểu Trần Du Lịch nhận xét. Quốc hội là cơ quan quyết ngân sách song theo ông Lịch, có nhiều khoản Chính phủ đi vay về rồi cho vay lại nhưng cơ quan quyền lực cao nhất không biết. Chỉ đến khi trả nợ thì mới đưa ra Quốc hội. 

Đại biểu Lê Văn Tân cho rằng đối với các khoản Chính phủ vay về rồi cho vay lại hoặc Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay thì theo quy định sẽ do doanh nghiệp trả, song thực tế cho thấy đã có trường hợp không như vậy. “Như thế cho thấy Quốc hội mới kiểm soát được khoản chi vay trong khi thu vay thì chưa”, ông Tân lo ngại và đề nghị dự luật cần có điều quy định trao cho Quốc hội quyền kiểm soát các khoản thu từ đi vay.

Để kiểm soát được vấn đề thu chi, cũng là tăng cường kỷ luật ngân sách, đại biểu Bùi Đức Thụ đề xuất xây dựng ngân sách hàng năm theo hai bước. Ở giai đoạn đầu (kỳ họp giữa năm) Chính phủ cần có một khung cứng với các yếu tố cơ bản như tổng thu, tổng chi, cơ cấu thu chi, định hướng một số lĩnh vực chính báo cáo ra Quốc hội. Đến kỳ cuối năm, cơ quan điều hành sẽ báo cáo lại dự toán thu chi, việc phân bổ cụ thể để Quốc hội xem xét. “Có như vậy mới đảm bảo được thực quyền Quốc hội quyết định các vấn đề thu chi ngân sách, tránh việc Quốc hội chạy theo quyết cái đã rồi”, ông Thụ nói.

Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị ở giai đoạn đầu cần đưa dự toán ra thảo luận công khai ở Quốc hội, xem địa phương nào cần cái gì, ở đâu nên ưu tiên. Đến kỳ cuối năm Quốc hội nhìn vào khung dự toán ấy xem đã đúng chỗ chưa, nếu đúng thì mới thông qua. Theo ông Lịch, làm được như vậy sẽ từng bước minh bạch, khuyến khích địa phương chủ động được ngân sách và không có chuyện chạy chọt.

Bấm nút phát biểu lần thứ hai, ông Thụ cũng cảnh báo về nội dung ứng trước dự toán. Theo ông, một khi luật đã giao cho Chính phủ được sử dụng dự phòng cộng thêm một số quỹ dự trữ tài chính thì việc cho phép ứng trước dự toán sẽ khiến Quốc hội quyết bội chi ngân sách không còn nhiều ý nghĩa, chỉ mang tính hình thức.

Bên cạnh đó, quy định bội chi ngân sách hiện không tính phần bội chi của địa phương cũng khiến chuyên gia này băn khoăn. “Hệ thông ngân sách gồm cả trung ương và địa phương, vậy nên hiện quy định chỉ tính bội chi ngân sách trung ương mà bỏ qua bội chi ở địa phương là không đúng bản chất”, ông Thụ nhìn nhận. Theo đó, ông đề nghị nếu đã giao Quốc hội quyết định bội chi thì cũng cần trao quyền để hội đồng nhân dân ấn định mức bội chi ở địa phương.

Chí Hiếu

Để lại một bình luận

0913.756.339