Sếp cũ Metro Việt Nam chuyển nghề cho thuê máy giặt

Sau khi tốt nghiệp MBA tại Anh năm 2009, ông Nguyễn Quốc Tuấn ở TP HCM chọn làm việc tại một công ty dịch vụ. Làm được 3 năm, cảm thấy công việc không có nhiều tiến triển, ông quyết định tìm điểm đến mới. Đầu năm 2012, ứng tuyển vào khá nhiều vị trí cao tại các doanh nghiệp bán lẻ và được mời chào nồng nhiệt, nhưng cuối cùng ông chọn làm việc cho Metro Việt Nam với vị trí giám đốc chiến lược. 

“Cứ ngỡ tập đoàn lớn sẽ cho mình cơ hội thỏa sức sáng tạo và môi trường làm việc tốt, tuy nhiên, công việc lại khá gò bó, cường độ làm việc cao. Ngày nào cũng làm việc trên 10 tiếng, có ngày phải đi họp tới 5 lần, khiến tôi cảm thấy mệt mỏi dù mức lương khá cao”, ông Tuấn nói. 

Từ những áp lực trong công việc, lại không thoải mái sáng tạo, ông Tuấn nghĩ chỉ có làm chủ thì mới mong thực hiện được ước mơ và đam mê của mình. Chính vì thế, đầu 2014, ông quyết định bỏ vị trí giám đốc chiến lược để ra kinh doanh riêng.

image-7148-1421332643.jpg

Hệ thống máy giặt tại cửa hàng của ông Tuấn.

Khá thận trọng trong kinh doanh, ông Tuấn xác định chọn mô hình có mức đầu tư không quá lớn. Bỏ ra nhiều thời gian tìm hiểu trong nước và thế giới, ông Tuấn chợt nhớ lại khi du học ở Anh, tại đây có mô hình cho thuê máy giặt được sinh viên, người đi làm hưởng ứng khá nhiệt tình, trong khi chi phí đầu vào chỉ ở mức bình dân. Ngoài ra, mô hình này có khả năng thu hồi vốn nhanh.

“Ở Việt Nam, tôi thấy mô hình này chưa được phát triển, nếu có cũng chỉ là hình thức giặt ủi thông thường hoặc thiếu bài bản. Nhiều chủ tiệm gom quần áo của khách vào giặt chung khiến không đảm bảo chất lượng… Để tạo sự khác biệt, tôi quyết tâm mở ra mô hình này chỉ sau khi nghĩ ra ý tưởng một tuần trước đó”, ông  nói.

Với 180 triệu đồng, ông Tuấn dùng 70% số tiền để đầu tư hơn 10 máy giặt và máy sấy cùng với  thuê mặt bằng rộng 25-30m2. 30% số tiền còn lại dùng để chuẩn bị những thiết bị cần thiết cho hệ thống và một vài chi phí khác như nhân viên, điện nước, bột giặt… 

Để nhắm trúng đối tượng khách hàng là sinh viên, người bận rộn và ở trọ thiếu thốn máy giặt nên ông Tuấn chọn địa điểm tại quận Gò Vấp (TP HCM), nơi mà những đối tượng này ở khá đông.

Ông cho hay, đối với dịch vụ này, khách hàng mang quần áo đến cửa hàng có trang bị máy giặt và máy sấy. Nếu rảnh rỗi, khách hàng sẽ tự phân loại đồ rồi bỏ vào máy giặt, tự chọn cách thức giặt, loại bột giặt, nước xả. Sau khi giặt xong sẽ chuyển đồ sang máy sấy khô tại chỗ, sấy xong là có thể dùng được ngay mà không cần phơi… Còn nếu quá bận rộn, khi mang quần áo đến khách hàng có thể nhờ nhân viên giặt và ghé lại lấy sau.

Điểm khác biệt ở mô hình này so với giặt ủi thông thường là yêu cầu cao về chất lượng quần áo. Mỗi khách hàng sẽ được giặt ở máy tùy chọn chứ không chung đụng với đồ của người khác. Trong khoảng thời gian ngồi chờ giặt, khách  có thể ngồi xem tivi, lướt web với wifi miễn phí. Tại tiệm của ông Tuấn, quần áo dưới 7kg có giá 25.000 đồng một lần giặt, cộng thêm 6.000 đồng bột giặt và nước xả vải, tiền sấy tính riêng. Ngoài ra, để tạo tiện lợi cho khách, ông còn bán theo hình thức combo. Cụ thể, đối với gói đồ dưới 5kg, nếu giặt cộng sấy sẽ có giá 45.000 đồng một lượt, còn trên 7kg có giá 55.000 đồng. Bên cạnh đó, của hàng còn cung cấp thêm 3 loại thẻ cho khách hàng là VIP, Gold (vàng), Silver (bạc). Mỗi loại thẻ sẽ phù hợp với từng đối tượng khách hàng khác nhau.  

Chia sẻ về khó khăn của buổi đầu áp dụng mô hình mới, ông Tuấn cho hay, nhiều người còn bỡ ngỡ vì họ không hiểu thế nào là hình thức cho thuê máy giặt. Có người còn tưởng là được mang máy giặt về nhà. Chính vì thế tuần đầu tiên ông Tuấn và nhân viên liên tục phải thuyết phục và giải thích cho khách. Để tiếp thị mô hình đến với khách hàng mục tiêu, ông cho in gần 200 thẻ sử dụng dịch vụ miễn phí để phát cho khách.

“Bởi tôi nghĩ đây là mô hình còn xa lạ, chỉ có ưu đãi miễn phí khách hàng mới biết đến mình nhanh hơn”, ông Tuấn nói. Nhờ vậy doanh thu qua mỗi ngày của ông Tuấn tăng lên đều đặn. Nếu thời gian đầu, mỗi ngày cửa hàng chỉ đạt doanh thu khoảng 500.000 đồng thì hiện đã tăng lên 1-1,5 triệu đồng, sau khi trừ chi phí mức lợi nhuận đạt được chiếm từ 40-60% trên tổng doanh thu. Ngoài ra, ông còn đang hợp tác với cơ sở cho thuê áo dài. Mỗi tháng giặt khoảng 3.000 bộ.

Ông Tuấn cho hay, hiện nay khách hàng của ông đang bị hạn chế ở bán kính dưới 10km, do vậy, để tiếp tục tăng doanh thu ông đang lên kế hoạch mở thêm 2 trung tâm ở quận Bình Thạnh và khu sân bay tại quận Tân Bình. Bên cạnh đó, ông chủ trương lập một website nhận giặt ủi qua mạng để tiếp nhận những đơn đặt hàng từ khách hàng ở xa và không có thời gian đem đồ đến.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng đánh giá, việc áp dụng giặt ủi online bước đầu khá rủi ro vì phải chuẩn bị kỹ từ khâu nhận hàng cho tới giao, tốn khá nhiều chi phí liên quan và nhân sự. Thời gian đầu có thể lỗ trong vòng 3-6 tháng, thậm chí một năm. Mặc dù vậy, đây là xu hướng nên nếu không đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng thì mô hình khó mở rộng. “Do vậy, đối với hạng mục này tôi sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng và sớm thực hiện trong thời gian tới”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Hồng Châu

Trả lời

0913.756.339