Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Kiên – Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội bên lề phiên họp sáng 24/10 của kỳ họp thứ 8 – Quốc hội khóa XIII.
Vốn để thực hiện dự án sân bay Long Thành là một trong những vẫn đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá như thế nào về tính cấp bách của dự án?
Hiện chúng ta đã có Nghị quyết 49 của Quốc hội về các chương trình trọng diểm quốc gia. Tại kỳ họp thứ 7 chúng ta cũng đã thông qua luật Đầu tư công nên vấn đề hiện giờ là phải làm theo đúng quy trình của luật. Hiện giờ luật chưa nói đến câu chuyện vốn mà mới chỉ là câu chuyện quyết định chủ trương đầu tư, tức là nói đến việc thực hiện sân bay Long Thành là có cấp bách hay không.
Chúng tôi đánh giá dự án chưa phải là cấp bách nhưng là cần thiết bởi Việt Nam cần một sân bay tầm cỡ xứng với tầm vóc, vị thế của đất nước. Hiện nay, Việt Nam chưa có một sân bay tương đương với vị thế của đất nước trong khu vực. Bởi vậy, đây vẫn là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của nhiệm kỳ này mà cả nhiệm kỳ sau. Xây dựng sân bay Long Thành không phải là ngày hôm nay mới đề cập đến mà đã được bàn đến từ những năm 1998-1999 và hiện giờ là thực hiện quy hoạch sân bay thế nào, ở thời điểm nào, theo phương án nào để hiệu quả nhất với đồng vốn từ ngân sách nhà nước.
Tôi nhấn mạnh dự án này cần thiết chứ không phải cấp thiết. Cấp thiết là khi không có nó thì toàn bộ nền kinh tế đình trệ nhưng hiện nay chúng ta vẫn đang vận hành hệ thống sân bay hiện có. Nhiệm vụ đặt ra là phải rà soát lại những vấn đề về khả năng đáp ứng của sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế Cần Thơ, Cam Ranh cũng như với tổng thế quy hoạch phát triển GTVT Việt Nam để xem ngành hàng không chiếm tỷ trọng được bao nhiêu trong vận tải hành khách, vận tải hàng hoá. Sau đó chúng ta mới tính ra mức độ tổng đầu tư nội địa với tổng dân cư. Khi ấy mới có thể biết ngoài vận tải nội địa thì vận tải quốc tế, khách quốc tế là bao nhiêu và đảm bảo xương sống cho vận tải hành khách quốc tế.
Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của hệ thống sân bay Việt Nam hiện nay so với các nước trong khu vực?
Hiện các sân bay của chúng ta đang sử dụng hết công suất rồi. Còn về hiệu quả kinh tế thì phải xem xét mục đích đó là đơn vị công ích hay đơn vị kinh doanh. Việc này thì cần xem lại quyết định thành lập các sân bay và các cảng hàng không thì mới biết DN đó là loại hình gì. Nếu cứ đem sân bay của Việt Nam đi so với quốc tế thì rất khác nhau. Sân bay quốc tế của các nước đều làm kinh doanh trong khi sân bay ở Việt Nam vừa phải làm nhiệm vụ kinh doanh vừa để đảm bảo an ninh quốc phòng.
Vậy Ủy ban Kinh tế Quốc hội có yêu cầu Bộ GTVT giải trình thêm các nội dung liên quan đến dự án sân bay này trong tờ trình đưa ra Quốc hội vào phiên họp ngày 29/10 tới?
Rất nhiều vấn đề sẽ đưa vào trong tờ trình đưa ra Quốc hội ngày 29/10 tới. Đầu tiên là phải rà soát lại quy hoạch tổng thể ngành GTVT, trong bối cảnh các sân bay quốc tế của chúng ta hiện có ở khu vực này.
Nếu đưa Cam Ranh lên thành sân bay quốc tế thì luồng hành khách từ Nga thay đổi, tác động lên việc khai thác sân bay Tân Sơn Nhất thế nào. Hiện sân bay Cam Ranh hiện đang khai thác kiểu mua thuê chuyến còn nếu nâng lên thành đường bay thường xuyên của các hãng hàng không thì tính chất lại thanh đổi. Do đó cũng phải tính toán lại xem nó sẽ chia sẻ khách với sân bay Tân Sơn Nhất như thế nào. Nếu sân bay Cần Thơ đưa công suất lên nữa thì tác động ra sao. Cùng đó, sân bay Phú Quốc dự kiến tới đây chắc chắn cũng hút lượng khách nhất định. Vấn đề ở đây là các sân bay lân cận sẽ chia sẻ dòng khách của Tân Sơn Nhất như thế nào. Với nghiên cứu hiện tại thì chúng ta chưa trả lời được câu hỏi đó. Vậy nên chúng ta phải tiếp tục đề nghị cơ quan soạn thảo được Chính phủ giao phải làm rõ thêm nội dung này.
Ông Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: Internet
Ngoài ra, chúng ta đang tiến hành cải thiện hệ thống giao thông vận tải đường thuỷ khu vực Nam Bộ, đang đầu tư tuyến đường cao tốc Trung Lương đi Cần Thơ, nếu cho phép chạy tốc độ 120km/h thì thời gian đi từ Cần Thơ đến TPHCM và đi các tỉnh lân cận sẽ khác, phân luồng hành khách sẽ khác. Những yếu tố này cũng chưa được xét đến. Bài toán này đã được các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia của Hội đồng thẩm định nhà nước và các cán bộ của Bộ GTVT trao đổi, bàn rất kỹ. Mục tiêu đặt ra là sẽ làm hết sức để đáp ứng được mong mỏi của người dân.
Những lình xình xung quanh câu chuyện vốn đầu tư dự án sân bay Long Thanh, ông có ý kiến gì?
Vốn cũng là một nội dung được đề cập đến nhưng chưa phải là nội dung cấp bách mà theo Nghị quyết 49 của Quốc hội cũng như luật Đầu tư công. Yếu tố vốn chưa được đề cập đến trong giai đoạn này. Nguyên tắc là nếu với các phân tích chỉ số kinh tế mà thấy hợp lý thì chúng ta sẽ có nhiều biện pháp huy động vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng sân bay này. Nếu khẳng định được hiệu quả kinh tế của dự án tốt thì chúng ta sẽ nhường cho các thành phần kinh tế khác chứ không phải nhà nước đầu tư nữa. Thời điểm này vẫn chưa đến lúc cần quyết về vấn đề vốn.
PV