Sacomreal: Tài chính thiếu lành mạnh và tương lai vẫn màu xám

Tình hình tài chính của Sacomreal cũng thiếu lành mạnh khi đang chịu gánh nặng nợ vay lớn, danh mục đầu tư thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó, Công ty cũng không để lại nhiều dấu ấn trên thị trường bất động sản khi nhiều dự án không thành công như mong đợi.

Kết quả kinh doanh đáng thất vọng

Nếu ai đầu tư vào cổ phiếu Sacomreal (SCR) ắt hẳn giờ này có thể mỉm cười khi cổ phiếu này đã tăng gần 40% kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, đối với những người mua cổ phiếu này trên thị trường OTC hay ngay từ những ngày đầu giao dịch vào cuối năm 2011 thì thật là thảm họa vì nó đã mất giá hơn 50% (sau khi điều chỉnh chia cổ tức, quyền phát mua cổ phiếu phát hành thêm).

Trên báo cáo tài chính của Sacomreal cũng thể hiện một kết quả kinh doanh đáng thất vọng. Thậm chí như năm 2011, 2013 và trong 9 tháng đầu năm 2014 lợi nhuận Công ty chỉ đạt chưa đến 20 tỷ đồng. Đây là một con số quá nhỏ so với số vốn chủ sở hữu hơn 2.000 tỷ đồng.

Tài chính của Sacomreal thiếu lành mạnh khi đang chịu gánh nặng nợ vay lớn, danh mục đầu tư thiếu hiệu quả.

Cụ thể, năm 2010, Sacomreal đạt được lợi nhuận sau thuế lên đến 426 tỷ đồng và trở thành một “ngôi sao sáng” trong ngành bất động sản. Tuy nhiên, soi vào bản chất lợi nhuận của Công ty thì có nhiều điều đáng lo ngại về tính bền vững vì lợi nhuận lại chủ yếu từ việc chuyển nhượng dự án và hoạt động đầu tư tài chính. Thực tế, 3 năm sau đó năm 2011, 2012 và 2013 doanh thu và lợi nhuận của Công ty đã sụt giảm mạnh.

Năm 2013, công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.149 tỷ đồng, nhưng kết quả thực hiện chỉ đạt 61%. Trong khi đó lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 92 tỷ đồng và cũng chỉ đạt 61% kế hoạch. Theo lý giải từ phía Sacomreal, nguyên nhân chưa hoàn thành kế hoạch là do chưa thể ghi nhận doanh thu dự án Belleza do chưa hoàn thành các thủ tục để bán căn hộ chuyển đổi từ sàn thương mại và dự án 66 Phó Đức Chính còn vướng các thủ tục pháp lý của đối tác liên doanh.

Trong khi đó theo báo cáo tài chính hợp nhất thì Sacomreal đạt được doanh thu lên tới 1.093 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ có 7,28 tỷ đồng. Nguyên nhân là lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt mức khá thấp trong khi đó chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng lại ở mức rất cao. Thêm vào đó trong báo cáo tài chính hợp nhất Sacomreal cũng phải chịu khoản thua lỗ gần 20 tỷ đồng từ các công ty liên doanh liên kết.

Trong 9 tháng đầu năm 2014, tình hình kinh doanh của Sacomreal cũng chưa được cải thiện là mấy khi lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ mới đạt 26 tỷ đồng, còn doanh thu chỉ đạt 197 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất tình trạng cũng không khá hơn khi doanh thu chỉ đạt 570 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế 18 tỷ đồng. Đây được xem là kết quả “may mắn” của Sacomreal vì lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn lỗ, lợi nhuận sau thuế dương là do “lợi nhuận khác” mang lại.

Tình hình tài chính thiếu lành mạnh

Cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản, Sacomreal cũng mắc các “căn bệnh” hàng tồn kho cao, nợ vay lớn và các dự án thì triển khai kém hiệu quả. Ngoài ra, Sacomreal còn mắc một căn bệnh ít phổ biến hơn nhưng không kém phần trầm trọng là danh mục đầu tư dài hạn lên đến hơn 1.500 tỷ đồng vào các công ty con và công ty liên doanh liên kết kém hiệu quả.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2014, hiện tại hàng tồn kho của Sacomreal lên đến 2.580 tỷ đồng, chỉ giảm gần 70 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, khoản mục lớn nhất là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang lên tới 2.551 tỷ đồng. Theo thuyết minh thì khoản tiền này bao gồm lãi được vốn hóa, chi phí giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng dự án như KDC Phú Thuận, Carrilon, Arista, Tàu Quốc… Trong đó chỉ riêng KDC Phú Thuận (Jamona City, thuộc công ty mẹ) lên tới 1.670 tỷ đồng.

Hình phối cảnh dự án Jamona City do Sacomreal làm chủ đầu tư

Sacomreal không chỉ mắc kẹt một lượng vốn rất lớn đang nằm kẹt tại các dự án bất động sản mà còn mắc kẹt trong danh mục đầu tư dàn trải của mình. Theo báo cáo tài chính hợp nhất thì hiện tại Sacomreal có khoảng gần 1.000 tỷ đồng đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết. Trong số đó không ít doanh nghiệp kém hiệu quả và chi phí vốn đầu tư ban đầu rất cao.

Cụ thể, Sacomreal đang sở hữu 3,2 triệu cổ phiếu Đầu tư Tín Việt với giá khoảng gần 100 tỷ đồng, 3,2 triệu cổ phiếu Thành Ngọc giá 86 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty cũng chôn một phần vốn lớn vào các khoản đầu tư hợp tác kinh doanh như tại Dịch vụ Hoa Đông, Hai Thành…. Chính những khoản đầu tư kém sinh lời này, thậm chí có thể đã thua lỗ làm cho sức khỏe tài chính của Sacomreal thiếu lành mạnh.

Hiện tại, Sacomreal cũng phải chịu một gánh nặng nợ rất lớn. Theo báo cáo tài chính hợp nhất tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm 30/09/2014 là 1,33 lần. Nếu so với những doanh nghiệp bất động sản khác thì đây là một tỷ lệ không cao nhưng nhìn vào bản chất thì lại khá rủi ro.

Nợ ngắn hạn của Công ty đến thời điểm cuối quý 3 lên tới 615 tỷ đồng. Với khoản nợ này tất nhiên với dòng tiền tạo ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh khó trả kịp nên việc Công ty phải liên tục đảo nợ là điều tất yếu. Tuy nhiên, phần lớn khoản nợ vay này là nợ một số doanh nghiệp “anh em” nên việc đảo nợ có lẽ cũng không quá khó khăn.

Bên cạnh nợ ngắn hạn Sacomreal công ty cũng có các khoản nợ dài hạn lên tới 1.683 tỷ đồng. Cũng rất may cho Công ty là hơn 73% nợ này là nợ các cá nhân. Do đó áp lực về nợ vay cũng được giảm bớt phần nào so với nợ ngân hàng.

Triển vọng vẫn khó khăn

Có lẽ nhận ra những vấn đề khó khăn đó, tại đại hội cổ đông mới đây, lãnh đạo Công ty đặt trọng tâm trong chiến lược phát triển công ty là quá trình tại cấu trúc và đặt ra một kế hoạch cũng khá khiêm tốn so với trước đó. Trong đó điểm đáng chú ý là Công ty xác định việc tái cấu trúc tài chính, giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu xuống dưới 1 lần. Bên cạnh đó, Công ty cũng đặt trọng tâm tái cấu trúc bộ máy thông qua việc giảm chi phí nhân sự, bộ máy quản lý để hoạt động hiệu quả hơn.

Sacomreal cũng chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận khá khiêm tốn cho những năm sắp tới. Chẳng hạn, kế hoạch lợi nhuận năm 2014 chỉ có 55 tỷ đồng, năm 2015 là 75 tỷ đồng và đến năm 2018 cũng chỉ có 180 tỷ đồng. Mục tiêu cũng chỉ hướng tới “củng cố an toàn và ổn định”. Sacomreal không còn đặt các kế hoạch phát triển “hoành tráng” như trước đây nữa.

Dù với kế hoạch khiêm tốn đó, nhiều người vẫn cho rằng Công ty khó đạt được và vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng kém lành mạnh hiện nay trong một sớm một chiều. Sacomreal đã không chứng tỏ được nhiều năng lực trong thời gian qua khi số dự án thực sự phát triển được vốn chỉ ở mức khiêm tốn. Dự án chôn phần lớn vốn của Công ty là Jamona City có tại Quận 7 với quy mô 105.953 m2 và tổng giá trị đầu tư là 9.864 tỷ đồng là một thử thách không nhỏ để có thể thành công. Việc tái cơ cấu danh mục đầu tư lên cả nghìn tỷ đồng sao cho có hiệu quả là một câu chuyện vô cùng gian nan. Trong khi đó sức ép tài chính chi phí lãi vay hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng là một sức ép khủng khiếp đối với Sacomreal.

Song Long

Để lại một bình luận

0913.756.339