Rộ mốt kinh doanh flycam

Chuẩn bị cho lễ khánh thành đưa vào sử dụng tuyến đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, ban quản lý dự án quyết định thực hiện một bộ ảnh ấn tượng về công trình từ trên cao với khoảng cách vài trăm mét. Sau khi tìm hiểu, ban quản lý được tư vấn sử dụng thiết bị flycam (mô hình máy bay có gắn máy ảnh, quay phim) để ghi hình.

Kết quả, dưới tác nghiệp của một ê kíp chuyên nghiệp, ban quản lý dự án đã có được những bức hình toàn cảnh rất rõ nét. Chi phí cho gói dịch vụ này khoảng 40 triệu đồng, nhưng vẫn quá rẻ so với việc thuê máy bay trực thăng để chụp hình như cách làm lâu nay.

sly-8890-1423119219.jpg

Máy bay có gắn thiết bị ghi hình. 

Không chỉ những dự án giao thông lớn, gần đây chủ đầu tư các công trình xây dựng nhà ở, khu nghỉ dưỡng… cũng chuộng phương thức ghi hình này để phục vụ cho việc quảng bá. Nắm rõ nhu cầu trên, nhiều đơn vị, cá nhân cũng đã nhanh chóng gia nhập lĩnh vực kinh doanh dịch vụ này.

Anh Nguyễn Chí Trung, trưởng nhóm FlyCamera ở quận 3, TP HCM cho biết, trước đây anh có tham gia câu lạc bộ máy bay mô hình, đồng thời biết chút ít về flycam. Sau một thời gian tìm hiểu, anh nhận thấy nhu cầu về chụp ảnh và ghi hình trên cao tăng nhanh nên quyết định lập nhóm vào đầu năm 2014 để kinh doanh dịch vụ này.

“Tiền đầu tư trang thiết bị khá cao nhưng vì đam mê và nhận thấy nhu cầu trên thị trường lớn nên tôi quyết định bỏ ra vài trăm triệu để đầu tư”, anh Trung chia sẻ.

Hiện tại nhóm anh Trung đầu tư 3 loại máy, mỗi loại có tốc độ bay khác nhau, tùy từng dự án mà sử dụng thiết bị phù hợp. Các thiết bị chụp hình trên không này không chỉ chụp các khu công nghiệp, dự án xây dựng, resort mà còn tham gia làm MV ca nhạc, quảng cáo. “Những tháng đầu khách hàng chưa biết đến, khó khăn lắm mới tìm được 1-2 hợp đồng. Tới nay nhu cầu tăng mạnh, mỗi tháng cũng nhận 5-6 dự án”, anh nói.

Theo anh Trung, giá chụp và quay mỗi dự án dao động quanh mức 10-50 triệu đồng. Riêng với những dự án quảng cáo, độ khó cao thì có thể lên tới 100 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí, tỷ lệ sinh lời của dịch vụ này khoảng 50% trên tổng doanh thu.

dau-7838-1423119220.jpg

Cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây được chụp bằng flycam.

Có mức đầu tư lớn hơn anh Trung, ông Công, chủ đơn vị cung cấp flycam tại quận 10 (TP HCM) cho biết, trước đó, ông chỉ bán thiết bị điều khiển nhưng từ khi thấy thị trường chuộng flycam nên đầu 2011 cũng tranh thủ bỏ ra vài tỷ để kinh doanh loại thiết bị này, đồng thời cung cấp thêm cả dịch vụ. Hiện, mỗi máy bay mô hình có gắn camera tại cửa hàng ông có mức giá từ 40 đến 300 triệu đồng. Riêng dịch vụ flycam, mỗi dự án công ty sẽ thu 20-40 triệu đồng. “Hiện nay, mỗi tháng công ty có khoảng 6 hợp đồng. Tỷ lệ sinh lời của dịch vụ này lên tới 40%, tuy nhiên độ rủi ro rất cao”, ông Công cho biết.

Không chú trọng kinh doanh như những đơn vị trên nhưng nhờ tận dụng lợi thế biết quay phim và dựng phim, ông Nguyễn Trường, ở TP HCM đã nhanh nhạy nắm bắt xu hướng và lập nhóm flyaround để cung cấp dịch vụ quay phóng sự, clip trên không với vốn đầu tư ban đầu là 30.000 USD (tương đương 531 triệu đồng). Tất cả số tiền này dùng để mua 4 thiết bị bao gồm 3 máy bay nhỏ nặng trên một kg và một máy lớn nặng khoảng 10kg. Ngoài ra, pin dùng cho loại máy này cũng lên tới 5 triệu đồng.

Theo ông Trường, máy nhỏ dùng để quay ở trong đô thị, còn máy lớn quay ở môi trường thiên nhiên, phong cảnh. Thông thường nhóm của ông một tuần đi quay khoảng 4 ngày, giá mỗi lần quay thay vì tính theo dự án thì được tính theo view (một góc nhìn). Điển hình như quay cầu Sài Gòn được tính là một góc nhìn, giá một view dao động 3-50 triệu đồng. Đối với các nội dung quảng cáo, giá trung bình 1.000-2.000 USD, nếu quay máy chuyên dụng có thể lên đến 4.000 USD.

Ông Trường cho biết, để có thể quay được thước phim đẹp không hề đơn giản, phải biết về các góc máy, điều khiển các thiết bị, khả năng thẩm mỹ… Ngoài ra, người kinh doanh phải kiên trì vì độ rủi ro cao, thiết bị có thể bị hỏng và mất tích khi đang hoạt động trên không.

Ông Trường kể, cách đây không lâu ông có quay một thước phim về phong cảnh, có nạp pin đầy đủ và căn thời gian cẩn thận. Tuy nhiên, vì ham cảnh đẹp ông cố quay thêm, máy bay không đủ pin để đáp đúng vị trí nên rơi ngay xuống vũng bùn khiến camera bị hỏng. Lần đó ông mất trắng toàn bộ thước phim cùng thiết bị, buộc phải thay thế cái khác và làm lại từ đầu.

“Không chỉ gặp sự số chủ quan, đôi khi đang bay, trời gió mạnh hoặc đột ngột mưa thì thiết bị cũng hỏng luôn. Có những cái mới quay được 2-3 lần chưa hoàn vốn đã phải bỏ hoặc mất tích”, ông Trường nói thêm.

Không chỉ nhóm của ông Trường gặp rủi ro khi phát triển dịch vụ này, mà nhiều đơn vị cá nhân khác cũng cho biết đây là loại hình không dễ kinh doanh. Tuy nhiên, vì mức sinh lời hấp dẫn nên rất nhiều cá nhân vẫn tham gia. Hiện nay, không chỉ ở TP HCM, Hà Nội mà ngay cả các tỉnh thành như Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… cũng đang rộ lên dịch vụ kinh doanh này.

Flycam là thiết bị bay điều khiển từ xa dùng để chụp ảnh và quay phim trên không. Để điều khiển thuần thục flycam, người có khiếu nhanh nhất cũng mất một năm, còn trung bình từ hai năm trở lên. Điều khiển flycam thường gồm một ê kíp 2-3 người, trong đó, một người điều khiển thiết bị quay, một người quan sát bằng mắt thường để thông báo cho người điều khiển biết vị trí và hướng thật của flycam.

Hồng Châu

Trả lời

0913.756.339