Thời gian gần đây, sau nhiều thông tin rau có chất tăng trưởng, chị Hoa (quận 3, TP HCM) rất hạn chế mua rau ở chợ mà thường xuyên đặt hàng rau tại Đà Lạt chuyển xuống. Chị đặc biệt hứng thú với các loại rau củ tí hon hay còn gọi là “baby”. Trọng lượng của các sản phẩm này nhỏ hơn rất nhiều so với những loại củ quả thông thường. Bí ngô chỉ vài gram và nằm gọn lòng bàn tay, còn cà rốt như ngón tay cái.
Củ cà rốt tí hon có hàm lượng chất dinh dưỡng tương đương loại bình thường. Ảnh: V. H. |
“Mặc dù giá có hơi đắt nhưng tôi vẫn nhờ người quen trong gia đình đặt hàng mua cho bằng được. Loại rau này rất được trẻ nhỏ ưa chuộng vì nó đẹp mắt, nhiều hình dạng, màu sắc mà dinh dưỡng lại cao”, chị Hoa nói.
Tuy nhiên, chị Hoa cho hay, dù có người thân quen mua giùm nhưng có tháng chị Hoa không mua được kg nào vì mặt hàng này rất hút khách, trong khi số lượng lại ít. Nhiều khi chủ trang trại không đủ số lượng giao cho đầu mối lớn nên không bán lẻ thêm cho khách.
Là người đầu tiên góp công trong việc mang giống sản phẩm “tí hon” về trồng, Tiến sĩ Sinh học Nguyễn Bá Hùng, Tổng giám đốc một doanh nghiệp thực phẩm tại Đà Lạt cho hay, hiện nay sản phẩm rau củ quả tí hon tại trang trại đang “cháy hàng”. Mỗi tháng ông cung cấp cho khách sạn, nhà hàng 4-5 sao ở Đà Lạt, Phan Thiết, Đà Nẵng, Hà Nội và đại lý, hãng hàng không khoảng 3-4 tấn. Nhiều khi số lượng đặt hàng tăng mạnh, không đủ để cung cấp.
Bí ngô mini chỉ nhỏ vừa lòng bàn tay. Ảnh: V.H. |
“Rất nhiều đối tác ở Singapore, Thái Lan sang đặt hàng nhưng không có nguồn hàng để xuất khẩu. Dù muốn canh tác thêm nhưng hiện tôi chưa có đất để trồng”, ông Hùng nói. Theo vị này, để tìm được đất còn chất, có vị trí phong thủy tốt, đáp ứng yêu cầu khắt khe của việc trồng rau sạch là rất khó khi đất nông nghiệp ở Đà Lạt không còn được như xưa, sau quá trình canh tác lạm dụng phân bón hóa học suốt nhiều năm.
Ông cho hay, loại rau củ này không xa lạ gì đối với các nước châu Âu, nhưng sản lượng để cung cấp cho thị trường luôn thiếu. Do trọng lượng nhỏ nên năng suất đạt được so với các sản phẩm thông thường thấp nên nhiều nông dân ngại trồng và chăm sóc. Tuy nhiên, sản phẩm này có lợi thế là hàm lượng vitamin và độ dinh dưỡng cao, tương đương với rau củ cùng loại thông thường, vì vậy giá bán cũng cao hơn 20-25%. Cụ thể, cà rốt có giá 40.000 đồng một kg, cà chua bi 35.000 đồng, cà tím 35.000 đồng…
“Mặc dù giá cao nhưng loại này hút hàng là nhờ đặc tính “sạch”. Chúng được gieo trồng theo quy trình nghiêm ngặt. Khi thu hoạch, rau củ còn được đưa vào máy rửa xử lý ozone, máy sấy ly tâm nên đảm bảo chất lượng”, ông Hùng nói thêm.
Hạt giống dưa hấu tí hon đang được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: V.H. |
Quy mô không lớn như doanh nghiệp của ông Hùng, song cô Cúc – chủ một trang trại tại Đà Lạt cũng đầu tư trồng thêm rau củ tí hon vài năm gần đây khi nhận thấy nhu cầu. Hiện nay, trang trại đang có các sản phẩm tí hon như cà chua, dưa leo, củ Radish (củ cải đỏ) được phân phối ở một số hệ thống siêu thị lớn TP HCM.
“Hiện nay cà chua bi đang đứt hàng, chỉ còn củ cải đỏ và dưa leo. Củ cải một tháng cung cấp ra thị trường khoảng một tấn, riêng dưa leo thì số lượng nhiều hơn. Tuy nhiên, lượng hàng trên vẫn không đủ nhu cầu của khách, thậm chí có thời điểm không có để bán”, cô Cúc nói.
Cô Cúc cũng chia sẻ, dù nhu cầu loại thực phẩm này đang tăng nhưng cô vẫn chưa dám trồng thêm vì sản phẩm này khó chăm sóc, giá thành lại cao nên người bình dân vẫn còn e ngại trong tiêu thụ.
Không sản xuất như hai đơn vị trên, chỉ nhận làm đại lý tiêu thụ, nhưng chị Vân Anh, quản lý một cửa hàng thực phẩm hữu cơ tại Hà Nội cũng thừa nhận sản phẩm tí hon này đang có cầu vượt quá cung.
“Rất nhiều bà mẹ cũng như các đơn vị kinh doanh ăn uống đặt hàng sản phẩm này, nhưng nguồn cung rất hạn hẹp. Mỗi tháng chúng tôi chỉ cung cấp cho các đầu mối 20-30kg. Thậm chí, có tháng sản phẩm này trên Đà Lạt đứt hàng thì lại phải thất hứa với khách”, chị Anh nói. Hiện, dưa hấu, cà chua, cà rốt tại cửa hàng của chị là những sản phẩm đắt khách nhất. Giá các sản phẩm tại đây dao động quanh mức 30.000-40.000 đồng một kg.
Bên cạnh các sản phẩm rau củ tí hon thành phẩm hút khách, việc kinh doanh các hạt giống loại này cũng đang được khách hàng hưởng ứng. Từ Nam tới Bắc có cả chục đơn vị nhập hạt giống về bán. Chị Hương, chủ cửa hàng chuyên bán hạt giống ở Hà Nội cho biết, dù mới bán hạt được 3 tháng nhưng lượng khách đặt mua tăng cao. Mỗi tháng chị cũng thu được vài triệu đồng từ bán các loại hạt này.
Đặc biệt, dưa hấu tí hon dù chưa đến vụ trồng nhưng khách hàng vẫn “đòi” mua dù giá dao động 20.000-35.000 đồng một hạt. Sắp tới, để đáp ứng nhu cầu khách hàng, chị sẽ nhập thêm hàng với số lượng lớn và mở rộng mô hình thử nghiệm để người mua được tận mắt nhìn thấy thành phẩm.
Thi Hà