Quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài: Cần những điều kiện mở hơn trong chuyển nhượng

Giải quyết đầu ra cho thị trường BĐS

Luật Nhà ở sửa đổi mở rộng cho nhiều đối tượng người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam là phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như chủ trương của Đảng, Nhà nước và tình hình kinh tế đất nước. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: Từ năm 2008, Nghị quyết 19/2008/NQ-QH12 (về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam) ra đời, việc cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam quy định rất chặt, chỉ có 5 loại đối tượng được mua. Sau 5 năm thực hiện, mới bán được khoảng 200 trường hợp, trong đó nhiều người là Việt kiều cũng mua nhà theo diện là người nước ngoài.

Liên quan đến sở hữu nhà ở của người nước ngoài, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở sửa đổi quy định khá chi tiết và cụ thể 2 vấn đề. Thứ nhất, khi cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở trong 50 năm, nhưng nếu trong thời gian còn sở hữu, người nước ngoài muốn chuyển nhượng cho người khác thì người kế tiếp đó sẽ được sở hữu lâu dài khi là người Việt Nam, còn khi là người nước ngoài thì thời gian sở hữu vẫn theo thời hạn mua nhà lần đầu của chủ sở hữu đầu tiên.

Thứ hai, Dự thảo cũng định nghĩa rõ thế nào là dự án khi người nước ngoài mua nhà tại các dự án, với mục đích chỉ cho phép người nước ngoài mua nhà của chủ đầu tư. Hay nói cách khác, là nhằm mục đích không cho người nước ngoài mua nhà trực tiếp từ người dân.

Khó khăn là hiện hữu

Ông Lê Ánh (Bộ Ngoại giao) cho biết: Bán nhà cho đối tượng là người nước ngoài là một chủ trương mới. Việc gặp khó khăn là điều không tránh khỏi, bởi pháp luật quốc tế, nhất là của những nước phát triển đã hoàn thiện và chặt chẽ hơn pháp luật của Việt Nam. Khi có tranh chấp xảy ra, họ sẽ dễ dàng thắng kiện. Đặc biệt, khi các DN, Sở Xây dựng của Việt Nam là những cơ quan chưa nắm rõ được luật pháp quốc tế, được giao nhiệm vụ quản lý nhà ở của nhóm đối tượng này trên địa bàn tỉnh, TP.

Ông Ánh cũng đặt ra vấn đề về những tranh chấp trong quyền thừa kế, ai sẽ là người điều chỉnh? Pháp luật về nhà ở của Việt Nam cần làm rõ, bởi đây là vấn đề mà người nước ngoài ái ngại khi đầu tư vào thị trường nhà ở Việt Nam.

Một số nước trên thế giới thường khuyến khích người nước ngoài mua nhà với các chương trình khuyến mãi như được cấp thẻ xanh, được gia hạn cư trú thêm, được cấp giấy nhập khẩu ôtô miễn thuế… Tuy nhiên, khi người nước ngoài mua BĐS, họ thường mua bảo hiểm quyền sở hữu BĐS. Loại hình bảo hiểm này phải bồi thường cho người sở hữu BĐS trong tương lai khi có những tranh chấp và khi người sở hữu tài sản đó phải chịu thiệt hại.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, bất kỳ người nước ngoài nào muốn sở hữu BĐS ở Việt Nam đều rất quan tâm đến loại hình bảo hiểm BĐS, trừ những trường hợp liều lĩnh, không hiểu biết. Chính vì thế, ở Mỹ, các ngân hàng sẽ không bao giờ cho vay khi khách hàng không bỏ tiền ra mua bảo hiểm kèm theo tài sản đó.

Ông Hiếu cũng cho biết: Hiện không có một hãng bảo hiểm nào trên thế giới hay của Việt Nam có thể bảo hiểm nhà ở cho người dân tại Việt Nam, vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, cá nhân người dân không có quyền sở hữu đất. Do đó, sẽ có không ít người nước ngoài không dám mua BĐS tại Việt Nam.

Như vậy, kỳ vọng giải quyết đầu ra cho thị trường BĐS trên cơ sở mở rộng đối tượng người nước ngoài mua nhà, chỉ có thể đạt được khi chúng ta có những điều kiện mở hơn trong việc chuyển nhượng hay cho thuê quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài. Bên cạnh đó, cần có một cơ quan quốc gia về đăng ký giao dịch, bảo đảm liên quan đến quyền sở hữu đất đai, nhà ở trên toàn quốc, đặc biệt là những giao dịch liên quan đến người nước ngoài.

Sau 5 năm thực hiện, mới bán được khoảng 200 trường hợp, trong đó nhiều người là Việt kiều cũng mua nhà theo diện là người nước ngoài.

Cao Thanh Nga (Báo Xây dựng)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339