Phú Mỹ Hưng: Bản lĩnh người tiên phong

Từ “đầm lầy” đi lên

Ngày nay, nhìn khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đại, văn minh, sạch đẹp nếu không phải là người trong cuộc hay nghe chính người trong cuộc kể lại thì ít ai có thể hình dung được những người đặt nền móng đầu tiên cho khu đô thị này phải vượt qua thử thách thế nào. “Niên niên nan quá, niên niên quá. Sự sự bất thông, sự sự thông”, những từ Hán Việt này được ông Phan Chánh Dưỡng – người tham gia xây dựng khu đô thị này ngay từ đầu và cũng đại diện Việt Nam ký hợp đồng liên doanh thành lập Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng mô tả về quá trình xây dựng khu đô thị này vô cùng gian nan trong nhiều năm liên tiếp. Một khu đô thị được xây dựng trên đầm lầy, cơ sở hạ tầng ở đây gần như là con số không. Đặc biệt, cái khó khăn lớn nhất mà họ phải vượt qua, đó chính là cơ chế.

Tổng thể Phú Mỹ Hưng trên đại lộ Nguyễn Văn Linh

Ngược lại lịch sử cách đây 20 năm, khi mà khu đô thị Phú Mỹ Hưng mới hình thành, đây cũng là những năm đầu tiên của quá trình đổi mới đất nước. Lúc đó vẫn còn nhiều cái nhìn thiếu thiện cảm với nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa đây là một khu đô thị đi tiên phong ở Việt Nam sau đổi mới nên tất cả đều rất mới mẻ. Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nguyên Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định: “Vào thời điểm đó, cơ chế liên quan đến đất đai chưa hoàn chỉnh, ngay cả Luật Đất đai cũng chưa hoàn thiện. Do vậy, cơ chế còn nhiều vướng mắc. Điểm chung của cơ chế này là quá nhiêu khê, không theo kịp và làm chậm lại sự phát triển kinh tế xã hội”.

Một khó khăn lớn khác mà những người xây dựng khu đô thị này phải vượt qua là làm thế nào để xây dựng những khu nhà chọc trời, con đường rộng đến 12 làn xe trên khu vực đầm lầy. Không ít ý kiến phản đối khi khu vực này được chọn để xây dựng đô thị vì chi phí quá tốn kém và rủi ro. Tuy nhiên, giờ đây nhìn lại mọi người phải thán phục về tầm nhìn của những người đã chọn vùng đất này để phát triển đô thị. Sự ra đời Phú Mỹ Hưng không những nhằm thực hiện mục tiêu “thành phố hướng ra biển Đông” mà còn đánh thức vùng đất hoang sơ, nghèo nàn phía Nam TP.HCM trở thành một vùng phát triển thịnh vượng. Từ một “vùng đất chết” mọc lên một khu đô thị “đáng sống bậc nhất” Việt Nam.

“Trên vùng đất chua mặn mà từ xưa đến nay chưa được khai phá, có một tốp người bỏ tâm lực suốt nhiều năm để tạo dựng nên khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng và trên cơ sở nhiều dự án đã hình thành quy mô của ngày hôm nay, vẫn có một tốp người khác đang tiếp tục cố gắng cho một phương hướng lớn hơn là phát triển thành phố hướng ra biển Đông” – ông Lawrence S. Ting – Cố Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng chia sẻ.

Trung tâm Sài Gòn thứ hai

Hiện nay, cụm đô thị đầu tiên Trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng (khu A) được hình thành, thu hút một lượng lớn cư dân đến đây sinh sống, trong đó có không ít người nước ngoài. Nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước chọn Phú Mỹ Hưng làm “thủ phủ” ở Việt Nam. Chẳng hạn, các tập đoàn đa quốc gia Manulife, Unilever và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước như Petro Vietnam, Vinamilk… Ngoài ra, hiện hầu hết ngân hàng lớn ở Việt Nam cũng hoạt động tại khu đô thị này.

Biệt thự lâu đài Chateau – dự án cao cấp nhất về nhà ở tại Phú Mỹ Hưng

Cơ sở hạ tầng xã hội tại đây cũng phát triển đồng bộ với bệnh viện, trường học các cấp từ mẫu giáo đến đại học. Đặc biệt với mật độ xây dựng khu vực này khá thấp, có hệ thống giao thông nội bộ tốt, yên tĩnh, Phú Mỹ Hưng đã làm thay đổi nhận thức của nhiều người về ngôi nhà. Một ngôi nhà “tiêu chuẩn” không chỉ là phía trong 4 bức tường, nơi che mưa che nắng mà còn có cả không gian và tiện ích khi bước ra khỏi cánh cửa.

Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng được thành lập năm 1993 dựa trên liên doanh giữa Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (góp 30% vốn bằng quyền sử dụng đất) và Tập đoàn Central Trading & Development của Đài Loan (CT&D – góp 70% vốn).

Toàn bộ khu đô thị Phú Mỹ Hưng được quy hoạch trên diện tích 2.600 ha tọa lạc song song với TP.HCM về phía Nam nằm dọc theo Đại lộ Nguyễn Văn Linh. Hiện tại, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đang khai thác và phát triển 5 cụm đô thị với tổng diện tích hơn 600 ha. Bao gồm, khu A – Trung tâm đô thị mới có diện tích 409 ha; Khu B (95ha) – Khu Làng Đại học; Khu C (46ha) – Khu Trung tâm Kỹ thuật cao; Khu D (85ha).

Những khu còn lại đang chuẩn bị khai thác là Làng đại học (Khu B), Trung tâm kỹ thuật cao (Khu C), Trung tâm Lưu thông Hàng hóa II (Khu E) và Trung tâm Lưu thông Hàng hóa I (Khu D).

Ngày nay, Phú Mỹ Hưng được xem là một trung tâm Sài Gòn thứ hai. Quy hoạch tổng thể của khu đô thị này đáp ứng được tất cả nhu cầu của một cuộc sống, làm việc hiện đại. Hiện nhiều dự án khu trung tâm văn hóa, thương mại và tài chính của khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã hoàn thành hoặc đang trong quá trình xây dựng. Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn do Saigontourist và Công ty Phú Mỹ Hưng được đầu tư hơn 200 triệu USD đã hoàn thiện. Đây được đánh giá là trung tâm hội chợ lớn nhất và hiện đại nhất ở các tỉnh phía Nam gồm 4 sảnh triển lãm với tổng diện tích 40.000m2, một trung tâm hội nghị quốc tế có sức chứa 2.000 người, một tòa cao ốc văn phòng 35 tầng, hai khách sạn 4 và 5 sao với tổng số 1.000 phòng.

Ngoài ra, Phú Mỹ Hưng còn phát triển các dự án như văn phòng cho thuê, các cửa hàng thương mại, rạp chiếu phim với trang thiết bị hiện đại, trung tâm mua sắm và căn hộ mang dáng dấp kiến trúc châu Âu. Nơi đây cũng nổi tiếng với các công trình như Hồ Bán nguyệt, kênh đào nhân tạo. Xung quanh những công trình này là khu phố đi bộ, cao ốc có kiến trúc hiện đại. Bên cạnh đó, Phú Mỹ Hưng còn có sân golf 9 lỗ, sân tập golf và sắp tới sẽ có sân golf 36 lỗ.

Những bước tiến vững chắc

Là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn và ra đời sớm nhất ở Việt Nam, tuy nhiên, đến nay Phú Mỹ Hưng mới chỉ phát triển các dự án trong quy hoạch cách đây hàng chục năm. Trong khi đó, những doanh nghiệp mới ra đời như Novaland, Vingroup, Tân Hoàng Minh… phát triển ồ ạt trong vùng và trên cả nước. Điều này khiến nhiều người có cảm giác Phú Mỹ Hưng khá chậm chạp và kém năng động.

Nhưng theo đại diện doanh nghiệp, hàng năm Phú Mỹ Hưng đều đặn đưa ra thị trường khoảng 1.000 sản phẩm. Các sản phẩm này đều nằm trong khu Trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng (khu A). Theo công bố của công ty, hầu hết sản phẩm đưa ra thị trường trong thời gian gần đây như Nam Viên, Green Valley, Scenic Valley… đều nhanh chóng bán hết hàng. Thậm chí, mới đây khách hàng phải bốc thăm để mua căn hộ tại Scenic Valley vì có quá nhiều người đăng ký.

Lý giải về sự thành công này, đại diện phía DN cho biết là do Công ty tính toán kỹ thời điểm bán hàng và các dòng sản phẩm đều được định giá hợp lý. Điều này cùng với “đẳng cấp”, thương hiệu của Phú Mỹ Hưng thu hút được rất nhiều khách hàng tìm về một nơi an cư. Trong số khách hàng mua nhà tại khu đô thị này có cả những khách hàng đang sinh sống tại Phú Mỹ Hưng. Họ mua để dành cho con cái họ sinh sống và thường được gọi là “thế hệ thứ hai”. Đây là điều Phú Mỹ Hưng luôn cảm thấy tự hào vì tạo ra được một khu đô thị “đáng sống”.

Áp lực ngày càng lớn

Để có một khu đô thị được quy hoạch hợp lý và văn minh như hiện nay, Phú Mỹ Hưng được thiết kế bởi những công ty quy mô và uy tín hàng đầu thế giới. Cụ thể, Công ty Skidmore, Owings and Merrill của Mỹ làm quy hoạch tổng thể 2.600 ha. Công ty KenzoTange Associates của Nhật làm quy hoạch chi tiết cho từng phân khu chức năng. Năm 1997, thiết kế của Phú Mỹ Hưng nhận được giải thưởng Danh dự của Viện Kiến trúc Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên một đô thị ở châu Á đạt giải thưởng về quy hoạch xuất sắc.

Dù Phú Mỹ Hưng xứng đáng với rất nhiều mỹ từ khi miêu tả nhưng hiện nay xuất hiện một số dấu hiệu đáng quan ngại. Nhiều dự án thương mại và tài chính cũng làm một số cư dân ở đây lo ngại khi mật độ dân số và phương tiện giao thông ngày càng cao. Đặc biệt hiện trong khu vực này mọc lên rất nhiều dự án bất động sản của doanh nghiệp khác với quy mô lớn. Điều này làm cho áp lực cơ sở hạ tầng ngày càng lớn. Giờ đây di chuyển đến Phú Mỹ Hưng người đi không còn cảm giác đi trên những con đường thênh thang rộng lớn. Thay vào đó một số tuyến đường đến đây đã bị ách tắc trong giờ cao điểm, mật độ khói bụi ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, con đường Nguyễn Văn Linh là trục xương sống của khu đô thị cũng đã không còn yên tĩnh như trước. Thay vào đó, nhiều xe tải chạy vào khu nhà ở, phá vỡ sự yên tĩnh vốn có. Nhiều người sợ rằng khi nơi đây biến thành “trung tâm Sài Gòn thứ hai” thì cũng là lúc khu đô thị này mất đi sự thoáng đãng, yên tĩnh. Điều đó đồng nghĩa với việc nơi đây không còn là nơi “đáng sống” của nhiều người.

Bá Tình

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339