Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh
Mới đây, Phó thủ tướng đã có chuyến thăm Mỹ để thảo luận về việc gia nhập TPP. Xin ông cho biết những thông tin cập nhật về tiến trình này của Việt Nam?
Đối với TPP, vì công việc đàm phán vẫn đang diễn ra nên cá nhân tôi chưa thể nói nhiều.
Tuy nhiên, điều mà ai cũng thấy là hội nhập nói chung, TPP nói riêng đã và đang đưa tới những áp lực cải cách từ bên trong của Việt Nam.
Tham gia hiệp định TPP cũng vậy, yêu cầu rất cao và trình độ giữa các nước tham gia đàm phán TPP cách nhau rất xa, đơn cử như so với Mỹ thì chúng ta kém quá xa về trình độ khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế…
Với riêng Mỹ, hiện nay quá trình đàm phán đang diễn ra thế nào và đâu là những vướng mắc chủ yếu nhất?
Khi đàm phán các hiệp định thương mại, cái khó nhất là làm sao bảo vệ được lợi ích quốc gia trong khi phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ các nước.
Đúng là hiện nay trong đàm phán đang có những trở ngại nhất định và do đó các bên phải tiếp tục đàm phán để có thể đạt được các thỏa thuận cho từng lĩnh vực cụ thể.
Như với lĩnh vực dệt may chẳng hạn, các bên cũng đã có những “bước lùi”.
Nhưng về tổng thể, tiến trình đàm phán đang diễn ra tích cực.
Trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ đã “tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh”. Cho đến nay, ông đánh giá thế nào về các kết quả cổ phần hoá đã đạt được?
Có thể nói rằng tiến trình cổ phần hóa đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ vì hiện nay về cơ bản chủ trương đã rõ ràng, về chính sách thì cơ bản Chính phủ đã tháo gỡ hết về mặt chính sách rồi, không còn vướng mắc gì cả.
Lâu nay phức tạp nhất là khâu định giá doanh nghiệp, đó là khâu khó nhất, đặc biệt là những tồn tại về mặt tài chính nhưng cơ bản hiện nay cũng có hướng khắc phục cho nên lộ trình cổ phần hóa hết cho đến hết năm 2015 là khả thi.
Sắp tới, có nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn hơn sẽ thực hiện bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, và vì đây là những doanh nghiệp có quy mô lớn nên quá trình định giá, xử lý tồn tại về tài chính… sẽ mất nhiều thời gian hơn chứ cũng không phải là do có nhiều khó khăn, vướng mắc gì về chính sách cả.
Một điểm thuận lợi là nền kinh tế cũng đã có sự khởi sắc và các nhà đầu tư nói chung cũng đã quan tâm đến mua, bán cổ phiếu các doanh nghiệp này. Hầu hết các doanh nghiệp sau cổ phần hóa cũng làm ăn hiệu quả lên.
Như bạn thấy trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cũng đã đề cập, năm 2013, tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã tăng hơn 10% so với năm 2012, các chỉ số kinh tế khác cũng tăng trưởng tích cực. Báo cáo các bộ gửi về cũng đã cho thấy những tín hiệu tích cực trong công tác này.
Trong các cuộc gặp và làm việc của lãnh đạo Chính phủ với các nhà đầu tư nước ngoài, sự quan tâm của họ đối với tiến trình cổ phần hóa là khá rõ ràng. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Phải nói rằng nhà đầu tư nước ngoài họ rất quan tâm đến tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Tất nhiên cũng tùy từng lĩnh vực, mức độ quan tâm khác nhau.
Nhưng điều họ quan tâm nhất vẫn là vấn đề “mở room” trong từng lĩnh vực cụ thể để họ tham gia.
Về chủ trương “mở room”, Chính phủ đã thống nhất là có lĩnh vực nhà nước khi cần có sự can thiệp thì mở có mức độ nhưng cơ bản là chúng ta sẽ đi theo hướng mở rộng, có lĩnh vực mở tối đa.
Ngay cả lĩnh vực ngân hàng, mình cũng đã cho thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Tùy tính chất ngành nghề, nếu thấy mở được thì mở tối đa, không nhất thiết nhà nước phải nắm giữ.
Hoàng Anh Minh (VnEconomy)