Phí bảo trì chung cư: Mâu thuẫn nối dài

Theo quy định tại Nghị định 71/2010, hợp đồng mua bán căn hộ được ký sau 1-7-2006 (ngày Luật Nhà ở có hiệu lực) phải thể hiện về khoản phí bảo trì chung cư. Cụ thể, phí bảo trì là do khách hàng nộp với mức 2% trên giá bán căn hộ, khoản phí này đã được tính trong giá mua bán mà bên mua đóng cho chủ đầu tư. Số tiền này sẽ được chủ đầu tư lập tài khoản tiền gửi phí bảo trì cho từng nhà chung cư tại ngân hàng, với lãi suất không thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Sau khi hình thành BQT tòa chung cư, quỹ bảo trì nhà chung cư sẽ được chủ đầu tư chuyển sang cho BQT tòa nhà quản lý.
Tuy nhiên, thời gian qua, quy định này đã gây ra không ít mâu thuẫn giữa chủ đầu tư với ban quản trị chung cư, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người mua nhà… Nhiều người dân ở các khu chung cư tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho biết, khi mua nhà thì không có khoản phí này, đùng một cái lại thấy chủ đầu tư yêu cầu nộp phí bảo trì chung cư lên tới 30-35 triệu đồng (2% trên tổng giá trị căn hộ). Đơn cử như trường hợp của một số hộ dân ở khu nhà N08-B (khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã từng lên tiếng với báo chí khi họ bị chủ đầu tư thu khoản phí bảo trì chung cư trong khi hợp đồng mua nhà trước đó đã hoàn thành và tiền đã trả đủ (từ năm 2009). Trường hợp nói trên chỉ là một ví dụ trong số hàng loạt các vụ việc mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư về khoản phí này.
khu nhà N08-B
Theo quy định, tại mỗi tòa nhà chung cư, sau khi hình thành BQT tòa nhà, việc quản lý vận hành tòa nhà đó sẽ được chủ đầu tư chuyển giao dần cho ban quản trị, trong đó có tiền bảo trì. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư cố tình lờ quy định này dù BQT đã đi vào hoạt động, hoặc cố tình trì hoãn không thành lập BQT chung cư. Theo tính toán, với 2% tổng giá trị căn hộ, tại những khu chung cư cao cấp số tiền bảo trì có thể lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng, tại nhiều tòa chung cư cao cấp, đã từng xảy ra tình trạng các chủ đầu tư sau khi thu phí bảo trì đã trì hoãn việc chuyển giao cho BQT tòa nhà.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nhiều nước trên thế giới đều có quy định về khoản phí này; trong khi đó, nhà chung cư hiện đại có rất nhiều thiết bị như thang máy, hệ thống báo cháy, hệ thống cung cấp điện nước…, nếu không bảo trì tốt sẽ dẫn đến chung cư xuống cấp nhanh. Chính vì vậy, Nhà nước quy định khi mua nhà, phần quỹ bảo trì 2% sẽ do người mua nhà đóng cho chủ đầu tư. Ông Hà nhấn mạnh, nếu chủ đầu tư nào không bàn giao, có nghĩa chủ đầu tư đó vi phạm pháp luật về nhà ở. Và người dân hoàn toàn có quyền kiện chủ đầu tư nếu như không thực hiện hoặc thực hiện sai quy định này. Chủ đầu tư nào vi phạm thì đã có pháp luật xử lý.
Không phủ nhận những tiện ích của loại quỹ này, song nhiều chuyên gia ngành địa ốc cho rằng, Luật quy định mức đóng phí bảo trì 2% như hiện nay vẫn là quá lớn so với người dân. Chưa kể, nếu chủ đầu tư không chịu bàn giao số tiền đó thì rõ ràng người dân sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi. Bởi vậy, rất cần phải xem xét lại mức phí này nếu không vô tình Luật lại đang gây khó khăn cho người dân còn chủ đầu tư được lợi.

Minh Phương (Đại Đoàn Kết)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

0913.756.339