Ông Nguyễn Đình Cung: ‘Không nên thách đố để tăng giá điện’

Câu chuyện đề xuất tăng giá điện mới đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương đã được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) “cập nhập” vào báo kinh tế vĩ mô quý IV và được các chuyên gia thảo luận sôi nổi tại hội thảo công bố ngày 11/2.

Trước đó đã có những tuyên bố “nói hộ” doanh nghiệp từ cơ quan điều hành, như “không tăng giá điện thì EVN sẽ phá sản”… Theo Viện trưởng Nguyễn Đình Cung, trật tự và kỷ luật của thị trường là vấn đề rất cần quan tâm trong cải cách thể chế mà mối quan hệ giữa Bộ Công thương – EVN và giá điện là điều rất đáng suy nghĩ.

Nguyendinhcung-7575-1423640593.jpg

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng cơ quan điều hành trước hết cần bảo vệ lợi ích của người dân.

“Vấn đề không phải là tăng giá bao nhiêu mà là cách thức tăng giá. Vì đáng ra phải bảo vệ lợi ích người dân thì Bộ chủ quản lại đi bảo vệ đề xuất thay cho doanh nghiệp”, ông Cung nói.

Theo Viện trưởng CIEM, cách thức hợp lý trước mắt là Bộ Công thương cần rà soát, đánh giá chi phí sản xuất điện xem đã hợp lý chưa. Thêm vào đó. cơ quan điều hành cần tham vấn chuyên gia, người tiêu dùng, qua đó kiểm soát giá điện. “Thế nhưng ở đây lãnh đạo Bộ lại có những tuyên bố mang tính thách đố và mặc cả như không tăng giá thì EVN sẽ phá sản, ngành điện sẽ sụp đổ”, ông nhận xét.

“Thay vì bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, cơ quan quản lý lại bắt người dân phải gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN”, ông nói thêm.

Trong khi đó, chuyên gia Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, muốn có thị trường hay những chính sách thúc đẩy cạnh tranh thì cơ quan quản lý lĩnh vực này là Cục Quản lý cạnh tranh phải có vị thế độc lập. “Chứ như hiện nay, Cục trưởng tại đây lại dưới quyền một Thứ trưởng, mà vị này lại là người từng được điều về EVN thì làm sao mà khách quan được”, Tiến sĩ Doanh bày tỏ.

Hướng về phía phía cựu Bộ trưởng Thương mại, ông Doanh đề nghị ông Trương Đình Tuyển nói rõ vì sao lại không để cơ quan này ra riêng để có vị thế độc lập.

Đáp lại, ông Tuyển thừa nhận, khi còn đương chức, ông từng nhìn ra hạn chế của Cục Quản lý cạnh tranh khi đặt tại Bộ Thương mại. “Nhưng tại thời điểm đó, chính sách của Chính phủ là hạn chế mở thêm tổng cục, thêm bộ mới. Hiện tại, tôi đồng ý là nên có một cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập”, ông Tuyền nói.

Chí Hiếu

Trả lời

0913.756.339