– Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định 60, trong đó nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Động thái này sẽ tác động thế nào đến thị trường chứng khoán?
– Thị trường Việt Nam trước đây luôn bị đánh giá có thanh khoản thấp hơn so với khu vực từ 25-35%. Một trong những rào cản chính là nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế tham gia các công ty niêm yết. Do đó, việc Chính phủ quyết định nâng trần sở hữu cho khối ngoại từ ngày 1/9 tới là tín hiệu rất tốt, phản ánh Việt Nam ngày càng hội nhập với thế giới và trở nên cạnh canh, dễ tiếp cận và có môi trường đầu tư thân thiện hơn.
Đối với thị trường chứng khoán, việc nới room sẽ khiến thanh khoản cải thiện và hạn chế được những biến động thất thường do bất ổn tâm lý tạo ra. Theo thống kê, do những quy định về hạn chế tỷ lệ, nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ tham gia được 15% giá trị giao dịch mỗi phiên, số còn lại phụ thuộc lớn vào các nhà đầu tư trong nước, vốn chủ yếu dùng vốn vay ký quỹ (margin) để đầu tư. Khi dòng tiền ký quỹ thay đổi, nhà đầu tư sẽ có những phản ứng tiêu cực, tác động lên thị trường. Tuy nhiên, nếu chúng tôi được hiện diện nhiều hơn, những mặt trái trên sẽ bị hạn chế.
Về dài hạn, chứng khoán Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn bởi mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài là một trong những tiêu chí quan trọng để MSCI nâng hạng thị trường từ Frontier Market (thị trường sơ khai) lên Emerging Market (thị trường mới nổi), tạo tiền đề cho thu hút thêm nhiều dòng tiền từ các công ty quản lý quỹ toàn cầu.
Hiện tại, VinaCapital tin rằng việc nới room sẽ ngay lập tức làm cho Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất châu Á.
– Tuy nhiên, Nghị định mới chỉ quy định khung pháp lý chung, vẫn cần những Thông tư hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp. Ông có đề xuất gì cho quá trình xây dựng những văn bản pháp lý hướng dẫn cho Nghị định 60 hay không?
– Nghị định 60 dựa trên quan điểm nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào công ty đại chúng, nhưng thực tế chỉ mở tại những công ty không hoạt động trong những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Do đó, chúng tôi hy vọng đến ngày 1/9, Chính phủ sẽ có một danh mục rõ ràng, cụ thể cho nhà đầu tư được biết những lĩnh vực nào có thể sở hữu 100%, lĩnh vực nào tiếp tục bị hạn chế.
Ngoài ra, Nghị định cũng cho phép các công ty có thể quy định trong điều lệ về tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư ngoại. Vì vậy, văn bản hướng dẫn cần làm rõ cơ sở để các công ty lựa chọn sẽ cho nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ bao nhiêu.
– Theo ông, nới room sẽ tác động thế nào đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam?
– Thời gian qua, chính phủ Việt Nam đã có nhiều động thái đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa như thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết trên sàn, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, tạo điều kiện cho các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A), đặc biệt là trong các lĩnh vực tăng trưởng cao như thực phẩm đồ uống, cơ sở hạ tầng…
Do đó, khi thanh khoản của thị trường tăng, nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội nắm cổ phần chi phối để tham gia sâu hơn vào quản trị công ty, chúng tôi trông đợi sẽ có nhiều sự đột phá trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
– Là một công ty quản lý quỹ ngoại đầu tư lâu năm ở thị trường chứng khoán Việt Nam và trông chờ Nghị định nới room đã lâu, VinaCapital sẽ có những động thái gì khi room chính thức mở?
– Khi nới room, chiến lược của VinaCapital là tạo cơ hội cho nhà đầu tư mua các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và hoạt động tốt hơn nếu nắm được cổ phần chi phối. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tham gia quá trình cổ phần hóa và đầu tư vào những doanh nghiệp chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trong tương lai, tôi tin rằng các quỹ mở của VinaCapital hay các quỹ mở của nước ngoài sẽ có cơ hội đầu tư nhiều hơn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Phương Linh
Cho con cơ hội được thất bại
Ông Đỗ Trần Bình Minh – CEO đơn vị tổ chức khoá học “Tôi tài giỏi! Bạn cũng thế!” tin tưởng rằng: “Tất cả trẻ em đều tài giỏi.