Hàng chục nông dân xã Tu Tra và Đạ Ròn (Huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) mới đây đã đem sữa bò đổ ngay trạm thu mua của Công ty CP sữa Đà Lạt (Dalat Milk) để phản đối vì cho rằng đơn vị này ép người chăn nuôi khi hạn chế lượng mua và giảm giá. Tình trạng đổ bỏ này cho đến hôm nay vẫn tiếp diễn ở một số nơi.
Bà Trần Thị Liễu, thôn Suối Thông B cho biết, năm 2013 gia đình vay tiền mua 2 con bò giống với giá gần 200 triệu đồng, nay bò cho mỗi ngày gần 50 lít sữa nhưng không ký được hợp đồng bán cho các công ty, cả nhà phải thay nhau đi bán lẻ từng lít với giá chỉ 10.000 đồng, bán không hết thì tìm tới những nơi làm sữa chua thu mua giá 6.000 đồng một lít, bằng một nửa giá bán cho công ty.
Còn ông Trịnh Văn Trọng ở thôn 2, xã Đạ Ròn đã phát triển được 10 bò sữa, dù may mắn hơn bà Liễu là mới chỉ có 50% số bò cho sữa và có hợp đồng với Công ty thu mua là Dalat Milk, nhưng lại bị áp dụng chính sách hạn chế sản lượng mà người dân nơi đây gọi là “thắt vú bò”.
Nông dân đổ sữa bò trước cửa Công ty Dalat Milk. Ảnh: QD |
Ông Nguyễn Hồng Nhật, Chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra cho biết địa phương có 180 hộ đang ký hợp đồng bán sữa cho Dalat Milk, nhưng công ty mới đây bất ngờ đưa ra chính sách khống chế sản lượng mỗi con bò chỉ 16 lít một ngày để hạn chế tình trạng nông dân có hợp đồng nhưng đưa sữa của người nuôi tự phát vào tiêu thụ.
“Hợp đồng của chúng tôi với bên thu mua là tiêu thụ hết lượng sữa và thực tế mỗi bò ở vùng này cho sữa từ 20 đến 25 lít mỗi ngày, nên họ hoàn toàn có thể biết đâu là sữa ký hợp đồng, đâu là sữa tự phát”, ông Nhật nói.
Ngoài chính sách khống chế sản lượng, giá sữa cũng giảm 2.000 mỗi kg, xuống mức 12.000-13.000 đồng một kg tùy chữ sữa. Sau khi Dalat Milk ra thông báo bắt đầu áp dụng từ ngày 7/1, nhiều hộ quá bức xúc đã đưa số sữa “bị thừa’’ đổ ngay trước trạm thu mua để phản đối. Thậm chí một số nông dân chán nản đã bắt đầu rao bán bò với giá con giống chỉ bằng một nửa so với khi đầu tư mua giống ban đầu.
So với Ba Vì hay các huyện ngoại thành của TP HCM, tổng đàn bò sữa của Lâm Đồng còn thua khá xa, quy mô nuôi của từng nông hộ cũng nhỏ hơn. Nhưng từ 5 năm trở lại đây, các công ty sữa bắt đầu chú trọng phát triển nguyên liệu sữa tại đây, do thuận lợi về đồng cỏ, khí hậu thích hợp nên chất lượng sữa tốt hơn và sản lượng cũng cao hơn các nơi khác.
Ban đầu chỉ có một số nông dân vùng Tu Tra, Đạ Ròn huyện Đơn Dương và Bồng Lai huyện Đức Trọng bỏ canh tác cây cà chua, lay ơn và rau màu lấy đất trồng bắp, trồng cỏ nuôi bò sữa bán cho các công ty, sau vài năm đã giàu lên thấy rõ. Thời điểm năm 2013 và nửa đầu năm 2014, giá sữa thu mua tại Lâm Đồng luôn ở mức 14.000-15. 500 đồng một kg, trừ chi phí thức ăn, công chăm sóc, mỗi bò sữa cho lãi từ 6 đến 7 triệu đồng mỗi tháng.
Theo UBND xã Đạ Ròn, quy hoạch đàn bò sữa của xã đến năm 2015 là 1.500 con và tới năm 2020 là 2.000 con. Thế nhưng, mới chỉ giữa năm 2013, tổng đàn bò sữa của xã đã lên tới 1.800 con và hiện nay là trên 2.000 con.
Sau khi người trồng hoa lay ơn phải cắt bỏ cho bò ăn vì giá thấp kỷ lục hồi đầu năm, thì giờ đây đến lượt người nuôi bò phải đổ bỏ sữa vì không có nơi tiêu thụ. Ảnh: QD. |
Trước tình trạng này, đại diện Công ty Dalat Milk (nay thuộc quản lý của Công ty TH True Milk) cho rằng, sở dĩ đưa ra chính sách khống chế sản lượng là để tránh tình trạng người bán sữa đưa thêm nguồn sữa bên ngoài chưa có hợp đồng vào bán cho công ty.
“Nếu phát hiện những trường hợp như thế, chúng tôi sẽ cắt hợp đồng. Ngoài ra, năng lực các bồn chứa của công ty đã quá tải vì lượng sữa tăng quá nhiều, nếu tăng dung tích các bồn chứa thì không thể làm ngay tức khắc mà cần có thời gian”, đại diện này nói.
Trong khi đó, 2 đơn vị thu mua còn lại là Vinamilk và FrieslandCampina Việt Nam không hạn chế mức mua như Dalat Milk, nhưng cũng không ký thêm hợp đồng mua.
Ông Trần Duy Việt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngay sau khi bên thu mua sữa đưa ra chính sách khống chế sản lượng sữa của người nuôi, Hội đã phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương làm việc với các công ty thu mua để can thiệp cho nông dân. Hai bên thống nhất cam kết thu mua hết sữa của những người nuôi có hợp đồng tiêu thụ. Phía công ty sẽ cho người đi kiểm tra, khảo sát từng con bò, đồng thời sẽ tiến hành tăng dung tích bồn chứa để sớm giải quyết tình trạng sữa nguyên liệu dôi thừa như hiện nay.
Theo ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện tổng đàn bò sữa toàn tỉnh khoảng 13.000 con và chỉ mới 50% số bò đang khai thác sữa, với sản lượng 100 tấn mỗi ngày. Thống kê năm 2014, sản lượng sữa bò nguyên liệu của Lâm Đồng là 35.000 tấn, đây là con số không lớn của ngành sữa trong nước.
“Việc công ty thu mua sữa ra chính sách hạn chế sản lượng sữa trên từng con bò, hoặc không ký thêm hợp đồng thu mua có thể xuất phát từ việc nhận thấy đàn bò sữa của Lâm Đồng phát triển quá nhanh, trong khi họ cần phải có kế hoạch tiêu thụ lâu dài. Nhưng cánh làm của các công ty không tế nhị với người nuôi”, ông Lê Văn Minh nhận định.
Không đến mức bi đát như Lâm Đồng, nhưng các hộ nuôi bò sữa ở một số địa phương khác cũng đang trong tình cảnh rất khó khăn.
Theo Chi cục thú y huyện Đức Hòa, Long An, trong năm vừa qua đã có gần 100 hộ nuôi mới trên địa bàn toàn huyện với tổng số bò nuôi mới trên 500 con, nâng tổng số bò của huyện lên 5.800 con. Do số lượng bò mới vượt quá kế hoạch thu mua sữa của các công ty chế biến sữa nên các trường hợp này đều chưa có hợp đồng. Để giải quyết tình thế, các hộ nuôi này phải nhờ những hộ có hợp đồng với các công ty bán sữa hộ hoặc bán cho các thương lái tại địa phương để chế biến sữa tại chỗ.
Còn từ tháng 12/2014 đến nay, nông dân ở xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) đang thấp thỏm lo lắng với tương lai đầu ra cho sản phẩm sữa. Các nông dân tại đây cho biết, một tháng trở lại đây, các công ty đột nhiên siết chặt việc mua sữa, không mua sữa thừa sản lượng, khiến nhiều nông dân phải chạy ngược xuôi, có lúc ra quốc lộ bán với giá rẻ mà vẫn không hết, buộc người nuôi bò nơi đây phải cho sữa vào tủ bảo ôn trong vòng một tuần. Nhưng biện pháp này chỉ là cấp bách vì tủ chứa ngày càng đầy mà sữa thừa ngày một nhiều thêm.
Quốc Dũng – Phước Vĩnh