1.Vưu Lệ Quyên – ái nữ ông chủ Biti’s mê thời trang
Thuộc thế hệ 8x, sau một thời gian du học ở Canada, năm 2004, Vưu Lệ Quyên trở về nước đảm nhận chức vụ Phó tổng giám đốc Kỹ thuật và Kinh doanh của Công ty Biti’s do doanh nhân Vưu Khải Thành sáng lập.
Dù chịu áp lực khá lớn từ cái bóng của người cha nhưng với nỗ lực và sáng tạo trong công việc, Quyên không những giúp Biti’s tăng trưởng doanh thu qua từng năm mà còn đưa thương hiệu này lên một tầm mới.
Dấu ấn rõ nét nhất của ái nữ này là nhanh chóng khẳng định tên tuổi của mình thông qua quyết định xây dựng hệ thống cửa hàng phân phối trực tiếp cho Biti’s tại thị trường trong nước, đồng thời xây dựng riêng thương hiệu thời trang Gosto.
Cô giải thích ý nghĩa của thương hiệu Gosto: “Chữ S là hình ảnh Việt Nam, GO TO là hướng ra thế giới, và ước mơ của mình sẽ có một ngày Trung tâm Thời trang Gosto xuất hiện ngay tại kinh đô thời trang của Italy, Pháp và nhiều quốc gia khác”.
Xác định đây là thương hiệu thời trang cao cấp với các mặt hàng đa dạng như quần áo, giày dép, túi xách, Quyên đã mạnh dạn xây dựng mô hình cửa hàng Gosto thật sang trọng, trưng bày đẹp, mẫu mã độc đáo, chất lượng cao và dịch vụ bán hàng tốt.
Đến nay ngoài chu toàn công việc tại Biti’s, Quyên còn đang lên kế hoạch xây dựng thị trường mới ở nước ngoài cho thương hiệu thời trang riêng của mình. Tại Việt Nam, Quyên có 2 cửa hàng Gosto ở Hà Nội và 3 chi nhánh tại TP HCM.
2. Trịnh Chí Cường – xây dựng vương triều mới cho nhựa Đại Đồng Tiến
Là con trai của doanh nhân gốc hoa Trịnh Đồng, người nổi tiếng với thương hiệu nhựa gia dụng Đại Đồng Tiến ở thị trường Việt Nam. Sinh năm 1982, là con trai cả trong gia đình, lại được học hành bài bản nên sau 7 năm du học và làm việc ở Singapore, Cường về nước và bắt tay ngay vào công việc quản lý công ty của cha khi chỉ mới 26 tuổi. Tiếp nhận công việc được vài tháng, cha Cường bất ngờ gặp cơn tai biến và qua đời ở tuổi 50 nên vị doanh nhân trẻ này đã phải thay cha một mình điều hành công ty.
Với lối quản lý hiện đại, chỉ sau khi tiếp nhận công việc được vài tháng, Cường tiến hành khá nhiều thay đổi quan trọng trong chiến lược marketing cho tới nghiên cứu sản phẩm và nhân sự.
Đối với việc xoay vòng dòng tiền, thay vì áp dụng phương pháp bán hàng cho các đại lý theo kiểu gối đầu, tức là phải bán được hàng mới trả tiền cho nhà sản xuất thì Cường chuyển sang phân phối như ngành hàng tiêu dùng nhanh. Công ty đưa ra mức chiết khấu cao, ngược lại, đại lý phải trả tiền ngay. Nhờ vậy công ty đã không bị phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng như trước đây. Ngoài ra, vị tổng giám đốc trẻ này còn luôn thực hiện khảo sát thị trường để tìm đại lý tốt. Nhờ vậy doanh thu tăng qua các năm từ 7% năm 2008 lên 15% của 2009 và lên tới 40% vào 2010 vượt trên 880 tỷ đồng. Tới nay, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng 2014 công ty vẫn kinh doanh hiệu quả.
Hiện nay ngoài cung cấp cho thị trường trong nước, sản phẩm của công ty còn được xuất sang Australia, châu Âu và Trung Đông.
3. Đặng Huỳnh Ức My – nữ hoàng mía đường mới nhà họ Đặng
Sinh năm 1981, là con gái út của doanh nhân Đặng Văn Thành, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank và bà Huỳnh Bích Ngọc, người được mệnh danh là “nữ hoàng mía đường”, Ức My cùng anh trai Đặng Hồng Anh đã tạo được tiếng tăm khá sớm trên thương trường. Tuy nhiên, so với anh trai vốn đi theo con đường chơi thể thao trước rồi sau đó mới tham gia vào lĩnh vực địa ốc với vai trò điều hành Công ty Sacomreal, Ức My chọn con đường học hành bài bản khi tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh tài chính tại New Zealand. Sau khi hoàn thành khóa học cô về nước và làm việc tại Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh với vai trò là thành viên Hội đồng quản trị. Đến 4/2012 Ức My chính thức nắm giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty này.
Ngoài ra, trước đó, cô từng đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Thành Công, đơn vị hàng đầu trong ngành mía đường tại Việt Nam do mẹ cô – bà Huỳnh Bích Ngọc lèo lái suốt một thời gian dài.
Hiện nay, ngoài nắm giữ hơn 7 triệu cổ phiếu SBT với trị giá 86 tỷ đồng, ái nữ này còn sở hữu 3 triệu cổ phiếu đường Biên Hòa (Mã CK: BHS), tương đương 34,4 tỷ đồng và 52.500 cổ phiếu Công ty địa ốc Sài Gòn Thương tín, với giá trị 435,7 triệu đồng tính đến ngày 31/12. Như vậy, Đặng Huỳnh Ức My đang nắm trong tay tổng tài sản 185 tỷ đồng.
4. Lý Huy Sáng – người kế thừa sáng giá của gốm sứ Minh Long
Sinh năm 1975, là con trai trưởng của ông chủ gốm sứ Minh Long Lý Ngọc Minh, Lý Minh Sáng từng bước thoát khỏi cái bóng của người cha và là nhà quản trị thận trọng và không kém phần sắc sảo.
Khi đang còn học lớp 11, Sáng đã được gia đình cho đi du học ở Canada, sau đó tiếp tục trải qua 4 năm học đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh ở City University và thêm 3 năm để lấy bằng thạc sĩ.
Hoàn thành các khóa học, năm 2003 Lý Huy Sáng về nước và bắt đầu làm việc tại công ty của cha mình như một nhân viên bình thường. Anh mất 3 năm làm công nhân trong xưởng, không nhận lương sau đó mới chính thức được tiếp nhận vị trí quản lý các vấn đề liên quan đến sản xuất và tổ chức vận hành.
Cũng chính từ việc tiếp xúc với thực tế, con trai của ông chủ Minh Long đã tìm ra nhiều bất cập trong bộ máy vận hành cũng như hoạt động của công nhân. Vì thế, anh đã thiết lập cách quản lý mới để trình lên ban giám đốc, rồi tự thân đi vận động quản lý các bộ phận để họ chấp nhận thay đổi và tiếp thu cái mới. Mặt khác, vì là người say mê công nghệ nên ông Sáng rất thích áp dụng công nghệ vào kỹ năng quản trị.
Chính những nỗ lực làm việc hăng say và tạo lòng tin cho nhân viên, Sáng được đề cử lên vị trí Phó tổng giám đốc. Hiện nay, các sản phẩm Minh Long I đã được tiêu thụ mạnh và xuất khẩu sang các nước Đức, Pháp, Nhật, Hà Lan, Tiệp Khắc và Mỹ. Giai đoạn khủng hoảng kinh tế kéo dài suốt 6 năm qua khiến nhiều công ty gốm sứ, đặc biệt là các công ty chuyên làm hàng xuất khẩu điêu đứng, thậm chí lỗ nặng nhưng Minh Long vẫn kinh doanh hiệu quả.
Hồng Châu