Tính cả năm 2014, nền kinh tế tăng trưởng 5,98%, vượt mức dự kiến của chính phủ là 5,8%. Năm 2015, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,2%. Các chuyên gia kinh tế đưa ra những nhận định lạc quan về mức tăng trưởng này, song cũng khuyến cáo Chính phủ cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp để đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong năm tới.
Xuất khẩu – động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế
Năm 2014 là một năm thành công với tăng trưởng vượt bậc của kim ngạch xuất khẩu khi đạt mốc 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013. Một số dự báo cho thấy, năm 2015 mặc dù kinh tế thế giới cũng như trong nước còn không ít khó khăn, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể vẫn đạt mức tăng trưởng hơn 10% so với năm 2014. Xuất khẩu vẫn sẽ là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế.
Tiến sỹ Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại – Bộ Công Thương cho rằng: “Năm 2015, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam mạnh mẽ hơn năm 2014″ (ảnh: KT)
Tiến sỹ Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại – Bộ Công Thương cho rằng: “Năm 2015, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam mạnh mẽ hơn năm 2014″ (ảnh: KT)
Tính đến năm 2014, ngoài Hiệp định đa phương WTO, Việt Nam đã trở thành thành viên của 7 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các đối tác quan trọng.
Trong năm 2015, Việt Nam sẽ sớm thực hiện các cam kết theo các Hiệp định mới ký kết gồm: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan. Đồng thời, tiếp tục đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Theo chuyên gia kinh tế, việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng GDP trong năm 2015.
Tiến sỹ Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại – Bộ Công Thương cho rằng: “Năm 2015, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam mạnh mẽ hơn năm 2014. Vì những Hiệp định Thương mại tự do đã ký với một số đối tác và dự báo trong quý 1/2015, Hiệp định TPP có thể sẽ được ký kết. Tất cả những điều này sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tiến thêm một bước mới. Tuy nhiên, việc tận dụng được cơ hội đó hay không còn phụ thuộc vào hoạch định chính sách tạo ra môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế.”
Lạm phát trong tầm kiểm soát, tăng niềm tin của nhà đầu tư
Một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 là kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định. Theo đó, lạm phát trong năm 2015 được dự báo vẫn ở mức thấp, khoảng 4%, sẽ đảm bảo cho các cân đối kinh tế ổn định và tạo điều kiện tốt để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế.
Đây cũng là cơ hội tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Dự báo, tăng trưởng của vốn đầu tư nước ngoài FDI có thể tăng lượng vốn giải ngân lên đến trên 17 tỷ USD, do nhu cầu nhập máy móc thiết bị tăng trong năm 2015.
Với việc giải ngân số vốn FDI này, tăng trưởng các năm sau của Việt Nam sẽ được cải thiện rõ rệt. TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính, Học viện Tài chính nhận định: “Khi lạm phát thấp, nền kinh tế vĩ mô ổn định, tạo ra môi trường đầu tư tốt cộng với độ mở của nền kinh tế ngày càng thực hiện tiến trình hội nhập rộng mở nữa, khả năng thu hút đầu tư vốn trực tiếp nước ngoài năm 2015 càng tăng lên. Chúng tôi đánh giá vốn FDI trong 5 năm tới là nguồn chủ lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Lạm phát thấp đảm bảo cân đối vĩ mô ổn định, tạo điều kiện cho tái cấu trúc nền kinh tế, tạo niềm tin cho nhà đầu tư quay trở lại”.
Khả năng hạ lãi suất, tăng tín dụng, cải cách môi trường kinh doanh
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp, lãi suất ngân hàng trong năm 2015 có khả năng tiếp tục được điều chỉnh giảm.
Dự báo nếu lãi suất cho vay giảm 1%, sẽ có tác động tổng hợp đến nền kinh tế, làm GDP năm 2015 tăng thêm khoảng 0,45%. Ngân hàng Nhà nước cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%. Đồng thời đạt mục tiêu đến hết năm 2015, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tín dụng sẽ giảm xuống dưới 3%, làm tan cục máu đông tắc nghẽn nguồn vốn.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, muốn đạt tăng trưởng kinh tế 6,2%, cao hơn mức của năm 2014, trong điều kiện lạm phát thấp, thì cần nới lỏng ở một mức độ nhất định với chính sách tiền tệ. Đây là những điều kiện thuận lợi để khơi thông dòng vốn, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Chính điều này cũng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn.
Một điểm thuận lợi nữa là trong năm 2015, nhiều dự án Luật sửa đổi được đưa vào thực thi. Cụ thể là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, Luật Hải quan, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… sẽ tác động lớn đến môi trường kinh doanh nói chung, cũng như cơ hội để thu hút dòng vốn đầu tư nói riêng. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, các quy định pháp lý chỉ là một phần, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực tế và rõ nét hơn, phải thông qua các biện pháp cụ thể.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích: “Tăng trưởng năm sau thuận lợi từ 5%-6% còn mục tiêu 6,2% trong năm 2015 phải nỗ lực mới đạt được. Đó là Chính phủ phải đẩy mạnh công cuộc cải cách, giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp, doanh nghiệp mới có thể đẩy mạnh kinh doanh. Nếu không cải cách và có hành động cụ thể, mục tiêu tăng trưởng 6,2% không phải dễ dàng đạt được vì tình hình kinh tế thế giới còn nhiều biến động khó lường. Điều quan trọng là phải tiếp tục cải cách để ngăn chặn tham nhũng, giảm bớt các thủ tục rườm rà…Như vậy, doanh nghiệp mới có thể cạnh tranh được. Vì năm 2015 – năm hội nhập, các doanh nghiệp phải cạnh tranh mạnh mẽ mới giữ vững được thị trường”.
Theo ý kiến của các chuyên gia, con số tăng trưởng kinh tế cao là điểm tích cực của nền kinh tế. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận thực tế thời gian qua, kinh tế Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào vốn đầu tư, sử dụng lao động giá rẻ, năng suất thấp và khai thác tài nguyên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn có thể đạt được trong ngắn hạn. Việt Nam cần chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới, đó là dựa vào năng suất lao động và giá trị gia tăng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu để tăng trưởng kinh tế bền vững hơn trong tương lai./.