Nhiều đại gia thủy sản bội thu trong năm 2014

Thống kê của VnExpress.net cho thấy, trong gần 20 doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên sàn đã báo cáo tài chính hợp nhất quý IV cho thấy, hơn 80% doanh nghiệp có lãi tăng so với 2013, trên 10% lợi nhuận ổn định và lãi giảm nhẹ. Chỉ có khoảng trên 5% ngược chiều, đặc biệt có mức lỗ rất lớn.

Là doanh nghiệp có thị phần lớn trên sàn, năm nay Công ty cổ phần Hùng Vương (Mã CK: HVG) lãi tăng mạnh. Báo cáo tài chính quý IV/2014 của doanh nghiệp này cho thấy cả năm doanh thu đạt 15.043 tỷ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của đơn vị này cũng đạt 450 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ.

ts-5628-1424939565.jpg

Doanh nghiệp thủy sản với nhiều tên tuổi lớn đã đạt lợi nhuận cao trong 2014. Ảnh: Phúc Hưng.

Lãnh đạo đơn vị này cho biết, sở dĩ công ty đạt tăng trưởng tốt là nhờ đã ổn định và chủ động được sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu gặp nhiều thuận lợi, mảng thức ăn chăn nuôi tăng.

Chưa công bố chính thức báo cáo tài chính hợp nhất, nhưng Công ty thủy sản Minh Phú (Mã MPC) cũng không đứng ngoài bức tranh sáng này khi Chủ tịch Hội đồng quả trị Lê Văn Quang cho biết, năm 2014 công ty có doanh thu và lợi nhuận tăng vọt.

Cụ thể, 2014 Minh Phú đạt doanh thu thuần gần 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.057 tỷ đồng. Con số này vượt 36% kế hoạch doanh thu và 2,17 lần kế hoạch lợi nhuận trước thuế đặt ra trước đó. Cũng nhờ tốc độ tăng trưởng đột biến mà giá trị cổ phiếu của đơn vị này trong năm qua đã tăng trên 300%.

Theo lý giải của lãnh đạo đơn vị này, việc công ty có kết quả tốt nguyên nhân là do năm qua thị trường xuất khẩu tôm gặp nhiều thuận lợi, bên cạnh đó, đơn vị này lại xây dựng được mối quan hệ bền chặt với người nuôi tôm nên có được nguồn cung nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng.

Cũng có mức tăng trưởng ngoạn mục là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Mã CK: VHC). Báo cáo của công ty cho thấy, doanh thu đạt 6.307 tỷ đồng, tăng 23,5%, còn lợi nhuận sau thuế 440,7 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, xét về các khoản nợ tại công ty này đang có chiều hướng gia tăng. Cuối năm 2014, nợ vay ngắn hạn của Vĩnh Hoàn tăng từ 512 tỷ đồng đầu năm lên tới 2.025 tỷ đồng. Trong đó, đáng kể nhất là khoản vay VCB trị giá 1.788 tỷ đồng, được bảo đảm bằng việc cầm cố một số tài khoản tiền gửi có kỳ hạn, thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản cố định. Hết 2014, tổng tài sản của VHC đạt 4.571 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với số dư đầu năm.

Bên cạnh các doanh nghiệp trên, hiện nay còn rất nhiều doanh nghiệp có lãi tăng đột biết như Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Mã CK: FMC), Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (Mã CK: ACL)… Hầu hết đều có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trên 30%.

Theo báo cáo tài chính quý IV của Sao Ta, hết năm đơn vị này đạt doanh thu 2.900 tỷ và lợi nhuận sau thuế 57,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 32,7% và 75% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là giá nguyên liệu ít biến động, giá xuất khẩu tăng cao đồng thời có sự hỗ trợ từ khách hàng truyền thống.

Đánh giá về tình hình hoạt động của doanh nghiệp một năm qua, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, 2014 thị trường xuất khẩu của Việt Nam có mức tăng trưởng tốt, các doanh nghiệp xuất khẩu đã ứng phó kịp thời với nhiều biến cố của thị trường.

“Năm 2014 mặt hàng tôm gặp nhiều thuận lợi, nguồn hàng cũng dồi dào nên có mức tăng mạnh nhất. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng ăn nên làm ra hơn so với mọi năm. Các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, EU đều khả quan”, ông Hòe nói.

Tuy nhiên, Tổng thư ký của VASEP cũng cho biết thêm, 2015, thủy sản sẽ còn phải nỗ lực hơn nhiều khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Những doanh nghiệp nào không đủ sức chống chọi với sức cạnh tranh gay gắt trên thị trường cũng sẽ bị đào thải. Hiện, quý I tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang gặp khó vì nguồn nguyên liệu chế biến thiếu hụt.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2014, xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt 8 tỷ USD, tăng 18% so với 2013. Trong đó, tôm là mặt hàng đóng góp kết quả lớn nhất trong số những nhóm xuất khẩu. Còn cá tra và cá ngừ, sản lượng xuất khẩu năm 2014 giảm mạnh.

Hồng Châu

Trả lời

0913.756.339