Theo The Information, 50 kỹ sư phần lớn là người Nga của Google sẽ được lựa chọn rời công ty, hoặc chấp nhận chuyển qua nước khác làm việc. Tuy nhiên, Google sẽ vẫn duy trì đội ngũ marketing và kinh doanh tại đây. Các dịch vụ vẫn được cung cấp bình thường. Thậm chí, nhiều nguồn tin cho biết hãng còn định tăng đầu tư vào Nga năm tới.
Luật mới của Nga lẽ ra có hiệu lực năm 2016, nhưng đã được đẩy sớm lên ngày 1/1/2015. Theo đó, tất cả dữ liệu của các công ty Internet về công dân Nga đều phải được lưu trữ trong nước. Việc này đã khiến nhiều doanh nhân khởi nghiệp và kỹ sư Nga cân nhắc rời khỏi quê hương, Financial Times cho biết.
Google không có máy chủ tại Nga. Vì vậy, chỉ chưa đầy 3 tuần nữa, hãng sẽ rơi vào tình trạng phạm pháp. Và không lâu sau đó, dịch vụ của họ sẽ bị khóa.
Các sản phẩm chạy hệ điều hành Android của Google đang chiếm 85% thị phần Nga, theo IDC. Ảnh: Bloomberg |
Để duy trì hoạt động, họ sẽ phải chuyển phần lớn kỹ sư ra khỏi Nga. Hoặc hy vọng đạt thỏa thuận ngừng áp dụng luật với giới chức. Tuy nhiên, tờ Vedomosti của Nga trích lời một nguồn tin thân cận với lãnh đạo Google cho biết việc rời đi của họ “không liên quan đến một đạo luật cụ thể, mà là kết quả khi đánh giá chung tình hình, đặc biệt khi cân nhắc tất cả quy định liên quan đến Internet hiện nay và mối quan hệ nguội lạnh giữa Nga và Mỹ”.
Các kỹ sư có thể làm việc ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Trong khi đó, nhân viên marketing và bán hàng cần phải trụ lại Nga. Với động thái này, Google có thể giảm thiểu rủi ro gián đoạn hoạt động nếu sau này phải rút khỏi đây, dù vì luật pháp Nga hay vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Google không phải hãng công nghệ phương Tây đầu tiên rút chân khỏi Nga. Hồi tháng 9, Adobe Systems cũng đã đóng cửa văn phòng tại đây, với lý do lo ngại về luật dữ liệu và các biện pháp trừng phạt. Dù vậy, hãng vẫn duy trì dịch vụ bán hàng online.
Những lệnh cấm vận, cùng giá dầu lao dốc, đang giáng mạnh vào nền kinh tế Nga. Cách đây vài ngày, Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất lần thứ 5 trong năm, nhằm đối phó lạm phát.
Những năm gần đây, Nga đã thông qua nhiều luật tăng kiểm soát Internet và mạng xã hội. Hồi tháng 9, giới chức nước này còn yêu cầu Google, Facebook và Twitter đăng ký hoạt động với vai trò “hãng quản lý việc phân phối thông tin”, đồng thời phải tuân thủ các luật về lưu trữ dữ liệu với hạn chót là cuối năm nay.
Việc này cũng có nghĩa nhiều công ty khác có thể nối gót Adobe và Google rời bỏ Nga. Khi đó, nhiều nhà khởi nghiệp Nga sẽ cảm thấy khá hài lòng. Trên Vedomosti, một lãnh đạo Yandex – đối thủ chính của Google tại Nga đã chỉ trích các mánh khóe giành thị phần của gã khổng lồ tìm kiếm.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết: “Chúng tôi luôn ủng hộ cạnh tranh thực sự. Nếu không có Google, sẽ chẳng ai chịu làm việc cả. Nếu không có chất lượng, các thị trường khác sẽ không gật đầu với công ty anh đâu. Trong khi chúng tôi thì muốn trở thành một doanh nghiệp toàn cầu”.
Hà Thu