Thanh Nhàn là nhân viên phòng thẻ của một ngân hàng cổ phần có trụ sở ở Hà Nội. Hàng quý đơn vị cô áp chỉ tiêu về số lượng thẻ tín dụng mở mới cho từng người. “Nếu không đủ số lượng được giao, có thể bị trừ lương, giảm thưởng, thậm chí hạ mức đánh giá xếp loại nhân viên cuối năm”, cô chia sẻ.
Với danh sách khách hàng trong tay, hàng ngày cô gọi hàng chục cuộc để chào mời mở thẻ, nhưng có hôm chẳng mời được ai. Nhàn còn phải lập fanpage, gửi mail khắp nơi để tìm khách. “Có đợt sắp hết quý mà chỉ tiêu chưa đạt, tôi rất lo lắng. Đêm về ngủ, tôi mơ thấy cảnh mình đang gọi điện thoại mời khách mở thẻ”, Nhàn bộc bạch.
Không nên cho mượn, chụp lại thẻ tín dụng. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, Thu Lan, nhân viên của một ngân hàng ngoại tâm sự, dù biết việc gọi điện thoại liên tục cho khách để mời mở thẻ là rất phiền nhiễu, nhưng vì tính chất công việc nên buộc cô phải làm. “Nhớ lại một buổi sáng đầu tuần, tôi gọi điện đến một vị khách bằng những lời lẽ ngọt ngào. Thế nhưng, đáp lại từ người ấy là những câu nói rất nặng nề”, Lan buồn bã kể.
Một số ngân hàng còn giao cả chỉ tiêu thẻ tín dụng cho nhân viên các bộ phận khác. Như trường hợp Thu Mai, đang thuộc bộ phận truyền thông của một ngân hàng cổ phần phía nam cũng bị áp định mức 10 thẻ một năm. “Loay hoay mãi, cuối cùng tôi chỉ biết mời bạn bè, người thân ủng hộ chứ không mời được khách hàng nào”, Mai bộc bạch.
Ngân hàng ANZ còn tổ chức một đội ngũ bán thẻ tín dụng không thông qua chi nhánh. Theo ông Sanjoy Sen, Giám đốc phụ trách khối Ngân hàng Bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ANZ có đội ngũ gần 1.000 người đảm nhận công việc này, tiếp cận khách hàng theo mô hình “đến tận nơi và gặp trực tiếp”.
Phó tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Phan Huy Khang cũng cho hay, nhà băng rất chú trọng đến mảng dịch vụ thẻ và đạt mức tăng trưởng hàng chục phần trăm mỗi năm.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đánh giá cao việc các ngân hàng đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ, đặc biệt là thẻ tín dụng vì cho rằng đây là xu hướng phù hợp với định hướng thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và Nhà nước. Mặt khác, thu nhập từ mảng thẻ của các ngân hàng cũng đang có sự gia tăng đáng kể trong thời gian qua.
Nhận định tiềm năng thị trường thẻ ở Việt Nam hiện nay là rất lớn, nhưng ông Hiếu cũng cảnh báo về tình trạng “thẻ ảo” khi các ngân hàng đẩy mạnh phát triển số lượng nhanh và nóng.
Thông tin từ ông Nguyễn Phát Vĩnh Lợi, Trưởng Văn phòng Banknet.vn tại TP HCM, đến hết năm 2013, Việt Nam có hơn 72 triệu thẻ ATM đã phát hành (đến 31/8/2014 đạt trên 74 triệu thẻ, trong đó thẻ ghi nợ chiếm gần 92%, còn lại là thẻ tín dụng gần 4% và thẻ trả trước trên 4%). Nhưng thực tế, chỉ có khoảng 50% số thẻ này là có người sử dụng thực.
Ông Hiếu cho rằng đây là điều dễ hiểu vì hiện nay các ngân hàng đều giao chỉ tiêu số lượng thẻ cho từng đơn vị thực hiện. Vào các ngày lễ, Tết, các ngân hàng đều thiết kế ra các chương trình tương ứng để tặng thẻ nhằm đạt được chỉ tiêu về số lượng.
“Tăng trưởng thị phần thẻ là cần thiết, nhưng việc mở thẻ làm sao cho đúng với nhu cầu của người dân để tất cả thẻ đều được sử dụng trên thực tế lại càng quan trọng”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Tổng giám đốc Sacombank cho rằng, số thẻ thực dùng tại nhà băng khá cao, còn lượng thẻ đã mở nhưng chưa kích hoạt hoặc là đã kích hoạt nhưng chỉ dùng trong thời gian ngắn rồi tạm dừng thì chiếm tỷ lệ không đáng kể. “Ngân hàng sẽ cố gắng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để khuyến khích người dân sử dụng thẻ”, ông nói.
Song song đó, Tiến sĩ Hiếu cũng lưu ý rủi ro về nợ xấu đối với các loại thẻ tín dụng. Theo ông, trên thế giới hiện nay ngân hàng các nước căn cứ vào trung tâm xếp hạng tín nhiệm cá nhân để cấp tín dụng cá nhân. Trong khi đó, ở Việt Nam mặc dù đã có trung tâm xếp hạng tín nhiệm CIC nhưng thông tin về khách hàng cá nhân còn hạn chế. Do đó, bản thân mỗi ngân hàng nên tự xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm cá nhân riêng để giảm thiểu rủi ro.
Ông Sanjoy Sen thừa nhận đây là thách thức của tất cả các ngân hàng, vì về bản chất thì hoạt động ngân hàng là liên quan tới rủi ro. Để giảm thiểu tổn thất trong quá trình phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ, ông cho rằng các nhà băng cần tập trung vào nhóm khách hàng có thu nhập ổn định làm việc trong các lĩnh vực có tiềm năng phát triển. Xây dựng các quy trình và hệ thống quản trị rủi ro hoàn chỉnh. Hình thành đội ngũ chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp giúp khách hàng kinh doanh sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng linh hoạt hiệu quả.
“Chẳng hạn ở ANZ, khi mở ra đội ngũ bán thẻ tín dụng ngoài chi nhánh, chúng tôi lập ra ngay một ban kiểm soát, để bảm bảo làm sao không mở rộng quá đà và luôn trong tầm kiểm soát”, ông nhấn mạnh.
Lệ Chi