Nhà ở cho công nhân: Cần ưu tiên từ thủ tục đến nguồn vốn

Với số lượng người trên sẽ có khoảng 4,2 triệu công nhân, lao động tại các khu công nghiệp cả nước có nhu cầu về chỗ ở, tương đương với 33,6 triệu m2 nhà ở. Vì vậy, phát triển nhà ở cho công nhân là một chính sách đúng hướng nhằm ổn định và nâng cao chất lượng nguồn lao động phục vụ sản xuất kinh doanh.

Để phục vụ cho các khu công nghiệp, hiện có trên 2,2 triệu công nhân lao động trực tiếp đang làm việc. Trong số này, lao động Việt Nam gần 2,16 triệu người – chiếm 98,5%, lao động nước ngoài là 33.700 người – chiếm 1,5%. Tuy nhiên, trên thực tế, tại các khu công nghiệp hiện mới chỉ có khoảng 20% công nhân lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm. Đa số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp trên cả nước đều phải thuê nhà trọ của tư nhân với giá thuê từ 200.000-300.000 đồng/người/tháng. Các phòng trọ thuê của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân từ 2-3m2/người), điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo.

Trong khi đó, mức thu nhập bình quân hàng tháng của công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp còn thấp, bình quân chỉ từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Chỗ ở tạm bợ, không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của công nhân và làm xáo trộn tình hình trật tự, an toàn xã hội tại nhiều khu công nghiệp. Chính vì vậy, việc giải quyết đáp ứng chỗ ở ổn định cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp là rất cấp bách và cần thiết.

Sau gần năm năm triển khai phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 64 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 20.277 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 4.440 tỷ đồng. Hiện còn 59 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp đang tiếp tục được triển khai với quy mô xây dựng khoảng 66.753 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.100 tỷ đồng. Chủ trương phát triển nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp đã nhận được được sự đồng thuận cao, tuy nhiên kết quả đạt được chưa như mong đợi.

Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản Nguyễn Mạnh Hà cho biết nguyên nhân khiến việc phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp chưa được như kỳ vọng là do thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng tại vị trí thuận lợi. Nhiều khu công nghiệp hình thành nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân. Mặt khác, đầu tư nhà ở cho công nhân thuê đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và dài hạn, trong khi lãi suất vay để đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn dài nên các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư.

Trên thực tế, một số cơ chế ưu đãi như hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án và hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương… chưa được quan tâm đúng mức. Mức độ ưu đãi phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương nên chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Mặc dù đã có các quy định liên quan đến việc đơn giản hóa và rút gọn trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng và dự án đầu tư cũng như thủ tục chấp thuận đầu tư, cho phép chuyển đổi cơ cấu dự án… nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện ở một số địa phương còn chậm; chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai dự án mới cũng như thực hiện việc chuyển đổi, cơ cấu lại dự án.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 188 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, chủ đầu tư các dự án, kể cả các hộ gia đình cá nhân tham gia phát triển nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với công nhân đều được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở cho công nhân; được vay vốn tín dụng ưu đãi hoặc được bù lãi suất theo quy định; được cung cấp miễn phí các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình; được hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào (hoặc trong hàng rào) dự án…

Ngoài ra, Nghị định 188 cũng đã bổ sung quy định công nhân, người lao động tại khu công nghiệp được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thay vì chỉ được thuê như những các quy định trước.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần đẩy mạnh việc phát triển và tạo điều kiện rút ngắn thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án phát triển nhà ở xã hội, kể cả dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội và dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại để đáp ứng nguồn cung.

Hiện việc bổ sung đối tượng được vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02 đối với hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy quỹ nhà này phát triển./.

Thu Hằng (TTXVN)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339