Người Nga đối phó với khủng hoảng tiền tệ

Sergey Kyuregyan – quản lý 35 tuổi của một hãng năng lượng tại Moscow (Nga) đã hủy kế hoạch đi trượt tuyết tại châu Âu mùa đông này để tới Biển Đen. “Tôi muốn nghỉ ngơi ở Nga, chắc là sẽ đi trượt tuyết tại Sochi thôi”, anh cho biết. Những kỳ nghỉ trước, Kyuregyan đã từng đến Thụy Sĩ, Áo và Italy.

Chính phủ Nga khuyến khích người dân du lịch trong nước và đồng rouble lao dốc đã khiến người Nga ở tại khách sạn Thụy Sĩ giảm mạnh năm 2014. Những năm trước, điểm đến phổ biến của khách thượng lưu Nga là thị trấn Alpine tại khu nghỉ dưỡng St. Moritz (Thụy Sĩ) – nơi tổ chức Olympic mùa đông năm 1928 và 1948.

Nhưng năm nay, tại khách sạn 126 phòng – Kulm, lượng khách đặt từ Nga trong mùa đông này đã giảm 8-10%. “Chúng tôi còn chẳng có danh sách khách chờ như những năm trước nữa”, CEO Kulm – Heinz Hunkeler cho biết trên Bloomberg.

Nga-6795-1421384954.jpg

Khu nghỉ dưỡng St. Moritz (Thụy Sĩ) vốn rất thu hút khách Nga, nhưng năm nay lượng khách đến đây đã giảm sút. Ảnh: Bloomberg

Trong mùa trượt tuyết, lượng khách Nga chiếm khoảng 13% tổng số khách hàng. “Đồng rouble cũng có ảnh hưởng nhất định. Và dù nhiều khách hàng của chúng tôi có tiền ngoài Nga, chúng ta cũng không nên đánh giá thấp lời kêu gọi du lịch nội địa của Tổng thống Putin”, CEO này nói.

Kyuregyan cho biết mình không ra nước ngoài vì “lý do chính trị”, chứ không phải tiền bạc. “Trượt tuyết tại Sochi không rẻ hơn nhưng cũng chẳng đắt hơn so với châu Âu”, anh nói.

Corinne Denzler – CEO công ty sở hữu khách sạn 5 sao Carlton gần đó cho biết mùa đông năm nay đã mang lại nhiều thách thức mới, do sự thay đổi chính trị và kinh tế ở Nga và các nước lân cận.

Từ năm 2005 đến 2013, lượng khách du lịch Nga đến Thụy Sĩ đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên, từ sau khi họ sáp nhập Crimea năm ngoái, số người Nga đến nghỉ ở các khách sạn của Thụy Sĩ đã giảm một phần mười chỉ trong 5 tháng.

Một số người Nga đã chọn không đi du lịch nước ngoài sau khi Liên minh châu Âu áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt lên nước này. Đồng rouble mất giá 40% so với euro năm ngoái cũng đẩy chi phí các kỳ nghỉ nước ngoài lên cao và kéo theo sự sụp đổ của rất nhiều hãng du lịch Nga.

“Tôi hủy kỳ nghỉ tại châu Âu vì lý do cá nhân và tình hình tài chính khó khăn hiện tại cho thấy quyết định của tôi là đúng đắn. Trước đó, tôi đã lên kế hoạch đi nghỉ ở Prague, Vienna và Budapest”, Dmitry Panov (27 tuổi) cho biết.

Dù Nga chỉ đứng thứ mười trong tổng số du khách đến Thụy Sĩ vào năm 2013, họ lại là những người mua sắm mạnh tay hơn cả. Mỗi người Nga chi tới 230 franc một ngày, cao hơn trung bình của người nước ngoài là 180 franc, theo số liệu của Tổng cục Du lịch Thụy Sĩ.

Cơ quan quản lý du lịch St. Moritz dự kiến sẽ có sự suy giảm về số lượng khách Nga trong mùa đông này. Tuy nhiên, họ cho biết rất khó dự đoán mức độ suy giảm sẽ lớn như thế nào.

Các nước khác cũng chứng kiến tình trạng tương tự. Khách Nga tới Riviera (Pháp) vào mùa hè này đã giảm. Trong khi ở Phần Lan, lượng người Nga qua đây để mua sắm ngày càng ít.

Tuy nhiên, tình hình cũng không quá ảm đạm với St. Moritz. Trên đỉnh khu trượt tuyết Corviglia, nhà hàng La Marmite đang kinh doanh khá tốt. “Môi trường và tình hình kinh doanh ở đây rất tốt. Người Nga đang ở đây và tôi chẳng thấy sự suy giảm nào cả”, chủ nhà hàng – ông Reto Mathis cho biết.

Natalya Novikova, một giám đốc công ty 34 tuổi cho biết đã đến St. Moritz trong suốt 7 năm qua. Nhưng đồng rouble mất giá khiến cô không thể gặp một số bạn bè năm nay và nhiều người khác phải sắp xếp nơi ăn nghỉ có giá rẻ hơn. Dù vậy, đa phần họ vẫn giữ nguyên kế hoạch.

“Chúng tôi khó có thể hình dung được việc không đến đó, dù cho bất cứ điều gì xảy ra. Đó là một trong những nơi yêu thích của chúng tôi trên thế giới”, Novikova cho biết.

Ngọc Anh

Trả lời

0913.756.339