Ngân hàng vẫn hưởng chênh lệch lãi suất cao

Tại buổi làm việc giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố chiều 13/10, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố đặt lại vấn đề, lãi suất huy động thời gian qua giảm nhanh liệu cho vay đã thực sự giảm tương xứng.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA) cho biết, lãi suất cho vay mức thấp 6-7% chỉ dành cho một vài doanh nghiệp tốt. Còn thực tế thì phần lớn các doanh nghiệp vẫn vay với lãi suất ít nhất là 10%. “Với mức này, lãi suất của Việt Nam thuộc loại cao so với các nước trong khu vực. Liệu rằng chúng ta có nên giảm thêm 1-2% nữa để giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường”, ông nói.

ngan-hang-12-aq500-6302-139398-4937-8681

Margin thời gian tới có thể giảm 1% để giúp hạ lãi suất cho vay.

Đề nghị của ông Hưng cũng là điều hợp lý, bởi hiện nay margin (chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay) của các ngân hàng vẫn khá lớn. Tại ACB, biên lợi nhuận là 4,2% khi lãi suất huy động bình quân được Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn cho biết chỉ dao động 5,74%, còn cho vay lên 9,79%. Tương tự, mức chênh lệch này tại Sacombank khoảng 4%, còn Eximbank cũng xoay quanh 3,5-4%.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, mức lãi suất cho vay hiện nay còn cao, nhất là với trung và dài hạn (trên 11% cao so với lạm phát và chỉ số tăng giá hiện nay) là quá khả năng của doanh nghiệp. Do đó, ông kiến nghị, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước làm sao dùng công cụ điều hành để giảm lãi suất trung và dài hạn xuống, nhằm giúp doanh nghiệp có thể tập trung đầu tư sản suất, góp phần đắc lực cho công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế.

Đồng thời, theo ông Lịch, các ngân hàng thương mại cần cố gắng giảm mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay phổ biến 3,5-4% hiện nay xuống còn 2,5-3% để tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho vay.

Bên cạnh yếu tố lãi suất, nhu cầu thị trường yếu cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không mặn mà vay vốn. Theo ông Phạm Ngọc Hưng, chưa bao giờ việc vay vốn lại bị các doanh nghiệp “thờ ơ” như hiện nay. Khảo sát của HUBA với hàng nghìn doanh nghiệp về nhu cầu vay vốn ngân hàng được đưa ra, nhưng chỉ thu được khoảng 10-20 ý kiến của doanh nghiệp muốn vay. Số còn lại không đủ điều kiện hoặc không dám vay vì chẳng biết vay để làm gì”, ông chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho rằng, tính đến thời điểm hiện nay, điều quan trọng nhất của các doanh nghiệp là hiệu quả kinh tế. Do khó khăn chung về thị trường và sức mua sụt giảm, nên các doanh nghiệp tỏ ra ngần ngại vay vốn mở rộng sản xuất – kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng tự nhận thấy mình không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn vì thế không quan tâm tới lời chào mời của ngân hàng.

Thực tế này được các ngân hàng chứng minh bằng số liệu cụ thể. Ông Đỗ Duy Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) cho hay, từ đầu năm đến nay, dư nợ của ngân hàng ông đạt khoảng 11.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ cho vay doanh nghiệp chỉ chiếm dưới 20%. “Hiện ngân hàng đã cấp hạn mức tín dụng cho nhiều doanh nghiệp, nhưng vẫn còn khoảng hơn 2.400 tỷ đồng không được các doanh nghiệp sử dụng đến”, ông thông tin.

Tình trạng tắc nghẽn tín dụng khiến cho con số tăng trưởng dư nợ trên địa bàn thành phố cũng không mấy khả quan. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ tín dụng đạt hơn một triệu tỷ đồng, tăng 6,05% so với cuối năm ngoái. Trong đó, dư nợ bằng VND tăng 4,65% và dư nợ bằng ngoại tệ tăng 13,48%. Tuy đã qua 3/4 thời gian, tín dụng chỉ mới tăng được nửa chỉ tiêu nhưng ông Minh kỳ vọng, khả năng cuối năm nay, tín dụng trên địa bàn TP HCM sẽ đạt 11%.

Lệ Thanh

Để lại một bình luận

0913.756.339