Ngoài lãi suất cao, các nhà băng Trung Quốc còn tìm cách hấp dẫn khách hàng bằng nhiều quà tặng, từ iPhone 6, Mercedes-Benz, hoàn tiền, du lịch nước ngoài, thậm chí cả rau miễn phí. Cuộc cạnh tranh được đánh giá đang ngày một đắt đỏ.
“Các ngân hàng Trung Quốc đang bị chảy máu tiền gửi. Chẳng có cách nào khắc phục được việc này đâu. Tất cả những nỗ lực họ đang làm để giành lại khách hàng sẽ chỉ làm tăng chi phí thôi. Tức là dù gì họ cũng vẫn thua”, Rainy Yuan – nhà phân tích tại Masterlink cho biết.
Lợi nhuận cao từ hệ thống ngân hàng ngầm, cùng thị trường chứng khoán tăng vọt đã khiến các nhà băng Trung Quốc dần mất khách. Chỉ trong quý III, các nhà băng đã mất tổng cộng 950 tỷ NDT (154 tỷ USD) tiền gửi. Đây là quý đầu tiên số liệu này giảm kể từ năm 1999. Trong 11 tháng đầu năm, tiền gửi mới thấp hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết.
Ngân hàng Citic giao trứng và rau hàng ngày cho khách hàng lớn tuổi. Ảnh: Bloomberg |
Chiến dịch tặng iPhone được Ping An Bank khởi xướng hồi tháng 10 tại một chi nhánh ở Bắc Kinh. Theo đó, thay vì tiền lãi, họ sẽ tặng người gửi một chiếc iPhone 6 Plus 128Gb với mỗi 38.000 USD tiền gửi trong 5 năm. Còn nếu gửi 903.000 USD trong cùng kỳ, họ sẽ được chọn một trong bốn mẫu Mercedes-Benz. Món quà này tương đương nhận lãi suất gần 7% mỗi năm. Trong khi lãi suất cơ bản ở nước này vào khoảng 4% đến 5%.
Ở Sơn Tây, Ngân hàng Công nghiệp tặng dây chuyền vàng cho mỗi khoản tiền gửi 10.000 NDT trong một năm. Còn Ngân hàng Citic nhận giao trứng và rau hàng ngày cho khách hàng lớn tuổi trong 3 tuần với các khoản tiền gửi 10.000 NDT.
Hồi tháng 9, cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc (PBRC) đã cấm các hoạt động thu hút tiền gửi “mập mờ”, như tặng quà hay hoàn tiền trên khoản tiền gửi. Các nhà băng vi phạm có thể bị phạt. Tuy nhiên, quy định lại không nói rõ liệu tặng quà thay tiền lãi có được xếp vào nhóm này hay không.
Nhà đầu tư Trung Quốc đang đổ tiền vào các quỹ quản lý tiền tệ online, như Yu’E Bao của Alibaba. Dịch vụ này đã thu hút 535 tỷ NDT từ 149 triệu khách hàng chỉ trong 15 tháng đầu hoạt động. Người dùng chỉ cần nhấn vài phím trên điện thoại là đã có khoản tiền gửi với lãi suất hàng năm lên tới 6,8%. Nhưng gần đây, lãi này đã giảm xuống còn 4%.
Người dân nước này cũng đã đổ 12.900 tỷ NDT vào các công cụ quản lý tài sản lãi suất cao, tính đến hết 30/9, khiến quy mô ngân hàng ngầm tại Trung Quốc ngày một phình to. Các công cụ này cho phép cá nhân đầu tư vào bất động sản và nhiều dự án khác với lợi nhuận trên 10%.
Chỉ số Shanghai Composite tăng hơn 40% trong 6 tháng qua cũng khiến người gửi chuyển tiền sang chứng khoán. Tuần đầu tháng 12, nhà đầu tư Trung Quốc đã mở thêm gần 600.000 tài khoản giao dịch, tăng 62% so với tuần trước đó.
Để kích thích nền kinh tế, tháng trước, PBOC đã giảm lãi suất lần đầu trong hơn 2 năm. Cùng lúc đó, lãi suất huy động tối đa tại các ngân hàng cũng được nới lên 20% lãi cơ bản, so với chỉ 10% trước đây. Việc này đã cho phép các ngân hàng thoải mái đặt lãi suất riêng.
Thống đốc Trung Quốc – Zhou Xiaochuan hồi tháng 3 đã cam kết sẽ thả nổi lãi suất hoàn toàn trong 1-2 năm tới. Việc này sẽ ăn mòn lượng tiền gửi giá rẻ đã nâng đỡ các ngân hàng nhiều thập kỷ qua.
“Bất lợi chính của cải tổ lãi suất là sức ép lên các ngân hàng. Nhưng hy vọng việc này sẽ giúp họ cải thiện chất lượng và cách phân phối tín dụng để duy trì lợi nhuận. Điểm tích cực trong dài hạn sẽ lấn át tất cả khó khăn trước mắt”, Julian Evans-Pritchard – nhà phân tích tại Capital Economics cho biết trên Bloomberg.
Các ngân hàng cỡ trung và ngân hàng địa phương sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. Do không giống các nhà băng quốc doanh, họ không có mạng lưới dày đặc để thu hút khách hàng cá nhân. Họ phải dựa vào nguồn vốn đắt đỏ và biến động lớn từ các sản phẩm quản lý tài sản, tiền gửi và vay liên ngân hàng, Liao Qiang – Giám đốc Standard & Poor’s Bắc Kinh cho biết. “Cuộc chiến tiền gửi sẽ trầm trọng hơn khi Trung Quốc tự do hóa lãi suất, vì nó sẽ khiến chi phí tăng vọt và lợi nhuận giảm sút”, Liao cho biết.
Tăng trưởng lợi nhuận tại các ngân hàng Trung Quốc được dự đoán giảm 10% năm tới, xuống 0% hoặc thậm chí âm. Đây là tốc độ thấp nhất hơn một thập kỷ qua. “Dù vậy, so với nhiều nước khác, các nhà băng Trung Quốc đã lãi lớn trong thời gian khá dài rồi. Kể cả khi chênh lệch lãi vay và gửi giảm xuống một nửa, bầu trời vẫn chưa sụp đổ đâu. Họ chỉ phải thay đổi mô hình tăng trưởng thôi”, Liao nói.
Hà Thu