Ngân hàng Trung ương Nga hôm qua cho biết, cơ quan này vừa bán ra thêm 420 triệu USD ngoại tệ trong ngày 6/10, đợt can thiệp thứ 3 trong tháng này để làm chậm lại đà trượt giá của đồng rúp, đồng tiền mất giá nhiều nhất trên thế giới, tính từ tháng 6 đến nay.
Chính phủ Nga cũng đã tăng gần gấp rưỡi lượng chào bán trái phiếu, được cho là để tìm kiếm một khoản vay USD lách qua các biện pháp trừng phạt. Nguồn thu từ bán dầu, chiếm một nửa ngân sách của Nga, đã bị ảnh hưởng khi giá sản phẩm này giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 27 tháng qua.
“Đồng rúp đang ở tâm bão”, Vladimir Osakovskiy, nhà kinh tế trưởng về Nga của Bank of America Merrill Lynch nói với Bloomberg qua điện thoại từ Moscow. “Rủi ro chính trị tăng vọt, ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt cũng như tính chu kỳ và việc giá dầu giảm, tất cả đang cuốn đồng rúp vào vòng xoáy đi xuống”.
Lượng ngoại tệ mà Ngân hàng Trung ương Nga bán ra, nhằm can thiệp thị trường ngoại hối, có thể sẽ đạt đến 2 tỷ USD. Ngân hàng dự kiến sẽ móc từ dự trữ ngoại hối ra thểm 456,8 triệu USD để cứu đồng rúp, vừa trượt qua ngưỡng 40 RBS/USD. Cơ quan quản lý tiền tệ này đã bán ra hơn 1,4 tỷ USD để bảo về đồng tiền trong nước trong tháng này, chưa kể con số trong hai ngày vừa qua.
Việc đồng rúp rơi xuống dưới 40 RBS/USD “là một ngưỡng tâm lý quan trọng với người Nga, bởi vậy Ngân hàng Trung ương buộc phải can thiệp ở mức này”, Anvar Gilyazitdinov, người quản lý 10 triệu USD của Rye, Man & Gor ở Moscow cho biết.
Các động tác can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nga vào thị trường tiền tệ được thực hiện mỗi khi đồng rúp được giao dịch ở mức cao hơn giới hạn trên của biên độ giao dịch, vốn xảy ra tại tất cả các ngày trong tuần này.
Hôm qua, đồng tiền Nga đã giảm 0,5% so với đồng USD xuống còn 40,1472 lúc 2h41 trên thị trường New York.
Theo Ngân hàng Trung ương Nga, cơ quan này đã bán ra 350 triệu USD khi đồng rúp cắt qua giới hạn trên của biên độ giao dịch, trước khi nới rộng biện độ này thêm 5 cô-pếch hôm thứ Ba.
Quang Huy (Đầu tư chứng khoán)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.