Nam Phi sắp thành quốc gia không tiền mặt

Sam Laing – một cư dân Cape Town (Nam Phi) có thể khiến người ta lầm tưởng cô là một đại sứ thương hiệu, khi giới thiệu về ứng dụng thanh toán trên điện thoại ưa thích của mình.Thực ra, cô chỉ là một trong rất nhiều người dân thủ đô đang dùng ứng dụng thanh toán kỹ thuật số thay vì tiền mặt.

“Tôi đang sử dụng SnapScan. Thật tuyệt vời! Nếu thấy ai đó đang sử dụng SnapScan, dù không có nhu cầu, tôi cũng sẽ mua thứ gì đấy từ họ. Tôi cũng khuyên một vài quán cà phê và những người bán hàng rong ở chợ ứng dụng công nghệ này. Thật tiện lợi khi không phải vướng bận với tiền mặt và thẻ tín dụng”, cô cho biết.

Những người như Sam Laing đã góp phần tạo ra sự bùng nổ ứng dụng thanh toán di động tại đây. Ngoài ứng dụng phổ biến nhất là SnapScan, người dân Cape Town còn có nhiều lựa chọn khác như FlickPay, Zapper và GustPay.

nam-phi-1-9734-1419592165.jpg

Những người bán hàng rong cũng nhận thanh toán qua di động. Ảnh: BBC

Những người bán hàng sử dụng SnapScan sẽ được cấp một mã QR đại diện cho tài khoản. Còn người mua sẽ đăng kí sử dụng trên ứng dụng và kết nối với thẻ tín dụng của mình. Sau đó, họ thanh toán bằng cách dùng điện thoại quét mã QR của người bán, rồi xác nhận giao dịch bằng mã PIN hoặc dấu vân tay. Xác nhận này sẽ được gửi tới điện thoại của người bán.

“Mục tiêu của SnapScan là cho phép tất cả mọi người có thể giao dịch điện tử một cách nhanh chóng, thuận tiện và an toàn. Chúng tôi thiết kế sản phẩm này để phù hợp với mọi loại hình kinh doanh, từ chuỗi bán lẻ lớn cho tới những người bán hoa quả rong bên đường”, nhà sáng lập Kobus Ehlers cho biết trên BBC.

SnapScan cũng thỏa thuận với chính quyền thành phố cho phép người lái xe xe máy dùng ứng dụng để trả phí đỗ xe. Những người phụ trách các điểm trông giữ xe cũng sẽ có một mã QR riêng để nhận tiền. Thậm chí, những người bán báo dạo cũng đã bắt đầu chấp nhận trả tiền qua SnapScan.

nam-phi-2-4581-1419592166.jpg

Những người phụ trách bãi đỗ xe cũng dùng cách này để nhận thanh toán. Ánh: SnapScan

Ứng dụng FlickPay lại ngược lại. Người mua sẽ phải trượt thanh gạt trên màn hình, nhập mã PIN để nhận được mã QR. Người bán sau đó sẽ quét mã này để nhận tiền.

“Tính đơn giản và tiện dụng chính là điểm nổi trội của ứng dụng này. Nó giúp cắt giảm các thủ tục, và đang rất được ưa chuộng”, Zac Rusagara – trưởng bộ phận quảng cáo của FlickPay cho biết.

Dĩ nhiên, chi phí cũng là một yếu tố hấp dẫn của các ứng dụng thanh toán điện tử. Ehlers cho biết: “Chúng tôi hướng tới việc hạ thấp chi phí giao dịch điện tử và thay thế tiền mặt ở nhiều nơi. SnapScan không thu bất kì một khoản phí nào từ người mua. Mà người bán sẽ trả một khoản phí giao dịch tương đương hoặc thậm chí nhỏ hơn phí thẻ tín dụng”.

FlickPay cũng miễn phí cho người mua. Rusagara họ thỏa thuận với người bán một khoản phí bằng hoặc thấp hơn phí ngân hàng. Mức này không cố định và rất linh hoạt để phù hợp với cả hai bên.

Phương thức giao dịch tiện lợi với chi phí thấp này thu hút rất nhiều sự quan tâm từ cả người bán lẫn người mua, kéo theo sau là sự phổ biến rộng rãi của SnapScan và FlickPay. Ehlers cho biết anh rất vui trước sự phát triển của SnapScan, với khoảng 14.000 người bán ở Nam Phi tham gia, và hàng nghìn người dùng thanh toán mỗi tuần. Còn Rusagara chỉ tiết lộ FlickPay chiếm thị phần khá lớn trên thị trường.

Người Nam Phi dường như đang rất hào hứng với phương thức thanh toán qua điện thoại này, khi một nửa dân số đất nước này có smartphone. Theo báo cáo của ngân hàng FNB (Nam Phi), mỗi tháng nước này có khoảng 230 triệu giao dịch qua điện thoại.

Tiềm năng tăng trưởng của loại hình thanh toán này đã thu hút sự chú ý của nhiều đại gia công nghệ trên thế giới. Hồi tháng 9, Apple đã cho ra mắt dịch vụ thanh toán di động – Apple Pay, cho phép người dùng iPhone 6 mua bán sử dụng hệ thống nhận diện dấu vân tay.

SnapScan và FlickPay nhận định việc Apple tấn công vào thị trường này sẽ mang lại lợi ích chung. Ehlers cho biết định hướng của SnapScan không đơn thuần là chỉ là một công cụ thanh toán, và hệ thống của Apple sẽ giúp ích cho phần lớn thị trường bán lẻ. “SnapScan sẽ cung cấp phương tiện thanh toán cho những người bán không đủ điều kiện sử dụng thẻ, hoặc ở những nơi máy thanh toán thẻ không dùng được”, anh nói.

Còn Rusagara cho biết: “Đây không phải lần đâu tiên người dân làm quen với việc kết nối thẻ tín dụng với điện thoại. Apple thực sự đã mở đường cho chúng tôi. Giờ đây, người dân đã trở nên khá thoải mái với hình thức giao dịch này”.

Theo Winter – nhà tư vấn độc lập về tài chính doanh nghiệp và công nghệ tài chính cho rằng tầm ảnh hưởng của Apple Pay ở Nam Phi sẽ bị hạn chế. “Apple Pay yêu cầu người bán tích hợp máy cà thẻ, nên sẽ phải mất một thời gian nữa nếu muốn hoạt động ở đây. Anh phải nhớ rằng thị trường Nam Phi hoàn toàn khác với thị trường Mỹ”, ông nhận định.

Tính an toàn cũng là vấn đề được quan tâm. Rahul Jain – đồng sáng lập hãng giải pháp thanh toán an toàn Peach Payments, cho biết dữ liệu tín dụng sẽ gặp nguy hiểu nếu thiết bị di động bị mất hoặc bị đánh cắp. Vì vậy, các hãng cần phải có quy định để đảm bảo cho những sự cố này.

“Quy định, hướng dẫn về thanh toán trên di động và an ninh dữ liệu vẫn chưa phát triển đầy đủ như thanh toán trên website”, ông nhận xét. Tuy nhiên, Winter cảm thấy những ứng dụng như SnapScan và FlickPay đang góp phần tăng cường an ninh tín dụng, vì người bán sẽ không thể tiếp xúc với thẻ tín dụng của người mua, và như thế các dữ liệu sẽ không có nguy cơ bị sao chép.

Rusagara thì khẳng định đây là hệ thống rất an toàn với cả người bán lẫn người mua. Bởi mã QR sẽ bị vô hiệu sau khi sử dụng hoặc sau 90 giây. Ehlers thậm chí còn nhìn thấy được tiềm năng lấn sân sang những lĩnh vực khác, như trong trường hợp thanh toán phí đậu xe ở trên.

“Các nhà thờ đang rất quan tâm tới ứng dụng của chúng tôi, bởi nó cho phép việc quyên góp các khoản tiền lớn được thực hiện nhanh chóng, đồng thời dẹp bỏ những rắc rối trong việc quản lý tiền mặt. Hi vọng trong tương lai chúng tôi có thể cung cấp sản phẩm cho nhiều người dùng hơn, và giúp cuộc sống của họ trở nên thuận tiện hơn”, anhchia sẻ.

Hà Tường

0913.756.339