Mỹ – đầu tàu cô đơn của kinh tế thế giới 2014

Không ai nói rằng hồi phục sau khủng hoảng tài chính là công việc dễ dàng. Và diễn biến năm nay chính là minh chứng cho điều đó. Trừ Mỹ, các nền kinh tế còn lại đều ít nhiều gặp rắc rối.

Sau 6 năm nới lỏng tiền tệ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã chính thức chấm dứt chương trình QE vào cuối tháng 10 và tỏ ra tin tưởng vào đà tăng trưởng của quốc gia. Cơ quan này cũng nhiều lần ra tín hiệu sẽ tăng lãi suất vào năm tới, từ mức gần 0% hiện tại. Tuy nhiên, FED cho biết sẽ tiến hành thận trọng, sớm nhất có lẽ phải tới tháng 4/2015.Tăng trưởng của Mỹ cũng liên tục đi lên trong năm nay. Quý III vừa qua, GDP nước này tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh nhất kể từ 2003, do người tiêu dùng và doanh nghiệp chi tiêu mạnh hơn dự kiến. Những thông tin vĩ mô tích cực, cùng giá dầu giảm, đã khiến chứng khoán Mỹ liên tiếp lập kỷ lục. USD tuần này còn lập đỉnh 9 năm so với rổ tiền tệ lớn trên thế giới.

  >>> Toàn cảnh kinh tế thế giới 2014 
anh-1-fin-set-4668-1419668996.jpg

Chi tiết

Trái với Mỹ, nền kinh tế lớn nhì thế giới – Trung Quốc vẫn còn khiến người ta lo ngại. Nhật Bản thì rơi vào suy thoái trong quý III. Còn ở châu Âu, tăng trưởng chậm chạp có vẻ đang là xu hướng, dù đợt suy thoái kéo dài 6 năm tại Hy Lạp đã chấm dứt.

Tốc độ tăng GDP 2 chữ số suốt ba thập kỷ qua đã đưa Trung Quốc vào top nền kinh tế lớn nhất thế giới và tầng lớp trung lưu gia tăng chóng mặt. Nhưng hiện tại, tốc độ này đang giảm dần. Trung bình 2 năm qua, Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7,7%, thấp hơn nhiều so với 10,5% năm 2010.

Trong quý III, GDP nước này chỉ tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm nhất từ sau khủng hoảng kinh tế. Bất động sản đang được cho là rủi ro lớn nhất với nền kinh tế này, khi nguồn cung dư thừa và giá cả lao dốc. Nợ doanh nghiệp cũng đang ở mức báo động. Theo giới phân tích, Trung Quốc không thể tháo gỡ các vấn đề hiện tại bằng tăng kích thích tài khóa hay tiền tệ, mà phải bằng cải tổ.

Còn tại Nhật Bản, sau quý I tăng trưởng mạnh nhất 3 năm, việc tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 4 đã khiến GDP nước này co lại 2 quý liên tiếp sau đó. Nhật Bản đã phải tổ chức bầu cử trước thời hạn và hoãn đợt tăng thuế tiếp, dự kiến vào năm sau. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử ngày 24/12, Thủ tướng Nhật Bản – Shinzo Abe đã tái đắc cử nhiệm kỳ 2, cho thấy người dân vẫn kỳ vọng nhóm chính sách kinh tế Abenomics của ông.

Trên thực tế, các biện pháp của ông Abe đã giúp lạm phát Nhật Bản liên tục lập đỉnh trong năm nay, tiến gần mục tiêu 2% đặt ra 2 năm trước. Hồi tháng 6, ông Abe tuyên bố Nhật Bản đã thoát khỏi thời kỳ giảm phát kéo dài hơn 15 năm qua. Đồng yen yếu do các chính sách nới lỏng cũng giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đạt lợi nhuận kỷ lục.

Một số nơi còn tàn dư của cuộc khủng hoảng tài chính vài năm trước, như châu Âu, cũng đang lo ngại giảm phát và tăng trưởng chậm. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang cân nhắc tung gói kích thích như FED, nhưng với quy mô lớn hơn, để hỗ trợ khối kinh tế 18 nước của eurozone. Cả tăng trưởng và lạm phát khu vực này đều gần 0% suốt năm qua.

Nga là nền kinh tế châu Âu có sự thụt lùi rõ rệt nhất trong năm nay. Tác động cộng hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu giảm đã đẩy Nga đến bờ vực suy thoái. Đồng rouble mất giá gần 50% so với USD, lạm phát lên trên 10%, hệ thống ngân hàng mong manh và GDP Nga có thể không tăng trưởng năm nay.

Xu hướng trong 6 tháng tới được dự đoán còn tệ hơn nhiều, khi niềm tin với ngân hàng trung ương, tiền tệ và chiều hướng tăng trưởng đều bị lung lay. Dù tình hình của Nga hiện khá hơn rất nhiều so với khủng hoảng tài chính 1998, giới phân tích vẫn cảm thấy e ngại trước tình hình phức tạp và hiệu quả hạn chế của các biện pháp cứu vãn Nga đang áp dụng.

Dù vậy, giá dầu giảm một nửa trong 6 tháng cuối, xuống đáy 5 năm vẫn được coi là gói kích thích với nhiều nền kinh tế. Người tiêu dùng bắt đầu cảm nhận được lợi ích khi giá nhiên liệu đi xuống. Còn các doanh nghiệp cũng rủng rỉnh hơn khi có thêm tiền đầu tư. Thị trường chứng khoán Ấn Độ đã tăng mạnh nửa cuối năm, nhờ chiến thắng của tân Thủ tướng Narendra Modi, thâm hụt vãng lai co lại và giá dầu giảm.

Có rất nhiều nguyên nhân đằng sau sự sụt giảm của giá dầu, trong đó có nhu cầu đi xuống, đặc biệt tại Trung Quốc. Một lý do khác là nguồn cung tăng vọt, do Mỹ và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ganh đua sản xuất để giành thị phần. Cuối năm tới, giá dầu thô được dự đoán ổn định quanh 70-80 USD một thùng.

Tuy nhiên, với một số nước mới nổi khác, giá dầu đi xuống cũng không thể giúp họ tránh được một năm đầy biến động. Sau tuyên bố rút kích thích của FED năm ngoái, tài sản các nước mới nổi đã bị bán tháo. Dòng tiền từ gói nới lỏng của Mỹ đã được nhà đầu tư đổ vào các nước đang phát triển suốt nhiều năm qua, do lãi suất tại đây cao hơn.

Hậu quả của làn sóng rút vốn với các nước mới nổi, và dầu giảm giá với các nước xuất khẩu là nội tệ lao dốc so với USD. Mạnh nhất năm qua là rouble Nga và hryvnia Ukraine. Biến động tại các nền kinh tế này được dự báo còn kéo dài đến năm sau.

Theo giới phân tích, kinh tế toàn cầu hiện tại gợi nhớ đến thời kỳ khủng hoảng thập niên 90, và năm 2015 được dự báo còn nhiều sóng gió. Nếu thế giới tiếp tục chao đảo, khả năng hồi phục sẽ khó khăn hơn trước đây. Hồi tháng 10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay xuống 3,3% và năm tới còn 3,8% với triển vọng không mấy sáng sủa tại eurozone, Nga, Trung Đông và Nhật Bản.

Hà Thu

Để lại một bình luận

0913.756.339