Một triệu tỷ đồng vốn Nhà nước cần mô hình quản lý mới

Dù chưa được quy định trong dự thảo Luật, thế nhưng nội dung cần một cơ quan thống nhất, tập trung quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lại được nhiều đại biểu nhấn mạnh khi thảo luận về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh sáng 11/11.

Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc có khoảng 80 cơ quan quản lý vốn Nhà nước dẫn đến nguồn lực này bị phân tán, khó phát huy hiệu quả. “Chúng ta có một triệu tỷ đồng, nhưng có nguồn được gửi ngân hàng để lấy lãi suất thấp, trong khi nhiều nơi doanh nghiệp lại đi vay lãi suất cao”, đại biểu đoàn TP HCM dẫn chứng và nhấn mạnh phải có một cơ quan chuyên môn quản lý chung, chịu trách nhiệm trước 90 triệu cổ đông – là nhân dân và chịu sự giám sát của Quốc hội.

Ông Ngân đề xuất, có thể học tập kinh nghiệm mô hình Tổng cục Quản lý vốn doanh nghiệp của Singapore, và trước mắt cần quy về một đầu mối là Bộ Tài chính hoặc Bộ Kế hoạch đầu tư để cân đối, điều tiết cho hợp lý.

“Tôi đề nghị Quốc hội ngay khóa này phải thành lập Tổng cục Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trên cơ sở từ Tổng công ty Quản lý kinh doanh vốn SCIC”, đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) kiến nghị. Theo ông Hùng, luật này cũng không nên thiết kế để Bộ chuyên ngành được thực hiện chức năng đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc lĩnh vực do Bộ quản lý.

PVN-f2d44-7798-1415682057.jpg

Các đại biểu cho rằng Bộ, ngành nên từ bỏ chức năng chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nêu ví dụ cụ thể tại điều 10 của dự thảo về quy định đầu tư vốn ra nước ngoài phải phù hợp chiến lược, kế hoạch, đồng thời báo cáo chủ sở hữu quyết định, đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) cho rằng như vậy chưa có cơ chế ràng buộc về pháp luật. “Hiện nay ta vẫn đang phân vân mô hình chủ sở hữu, nên trong 4-5 năm tới chắc vẫn thuộc về các Bộ, trong khi đây là khoản chi ngân sách thì phải là Quốc hội quyết định mới đúng”, ông Nhã phân tích.

Dù ủng hộ dự luật nên thông qua sớm tại kỳ họp này, nhưng chuyên gia Trần Du Lịch vẫn băn khoăn: “Chúng ta làm luật mà chưa thể định hình mô hình quản lý. Dự thảo giao hết cho Chính phủ trong khi tôi chưa thể hình dung Chính phủ sẽ đại diện chủ sở hữu kiểu gì, còn Quốc hội lại đứng ngoài”. Theo ông Lịch, Luật cần thiết kế một điều mở để tương lai cả nước sẽ có 5-6 tập đoàn kinh tế trực thuộc Quốc hội. Khi ấy, Quốc hội quyết các chủ trương kế hoạch kinh tế xã hội đồng thời với quyết định rót ngân sách đầu tư vào tập đoàn nào để hiện thực hóa các mục tiêu ấy một cách có hiệu quả nhất.

Trước đó, báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thừa nhận có một số ý kiến đề nghị xác định rõ hơn mô hình đại diện chủ sở hữu, xóa bỏ cơ chế Bộ, ngành chủ quản; nghiên cứu thực hiện mô hình tập trung, có thể giao cho một cơ quan thực hiện quản lý và giám sát toàn bộ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm tách bạch với cơ quan quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, cơ quan này nhận định việc thay đổi sẽ tác động đến mô hình, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Chính phủ cũng như thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Luật không quy định cụ thể đại diện chủ sở hữu là các Bộ, Ủy ban nhân dân…, mà vẫn giao quyền cho Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu mô hình để từ đó có những đề xuất phù hợp, sát thực tiễn và góp phần thiết thực vào việc nâng cao hiệu quả quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Chí Hiếu

Để lại một bình luận

0913.756.339