Mô hình nào cho chợ và trung tâm thương mại TP HCM?

Với mục đích phát triển các mạng lưới thương mại văn minh và hiện đại, thời gian qua, Hà Nội đã phát triển mô hình chợ – trung tâm thương mại và thực tế mô hình này không hiệu quả.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù chưa có mô hình chợ – trung tâm thương mại, nhưng có trường hợp chợ được lại chuyển 1 phần như trung tâm thương mại và xây dựng sát với trung tâm thương mại. Điều này làm ảnh hưởng đáng kể đến sức mua của chợ truyền thống và trung tâm thương mại.

Trung tâm thương mại và dịch vụ An Đông, quận 5, trước đây là chợ truyền thống. Nó là dãy nhà 5 gian, sau đó xây thành trung tâm thương mại 3 tầng. Cách đây 10 năm, quận lại xây thêm 1 trung tâm thương mại hiện đại An Đông –Plaza, cao tầng 5 sát bên chợ. Cả 2 nơi này khách hàng rất thưa thớt.

Chị Nguyễn Thị Vinh, một tiểu thương ở đây cho biết: “Chợ truyền thống cũ 100% lượng khách từ khi có trung tâm thương mại, lượng khách giảm 40-50%. Khi chưa có trung tâm thương mại, tôi bỏ hàng 1.000 bộ quần áo, bây giờ chỉ bỏ 500 bộ. Hiện nay, khách ở chợ truyền thống và trung tâm thương mại đều giảm”.

Trung tâm thương mại và dịch vụ An Đông (còn gọi là chợ An Đông), vừa bán hàng sỉ và lẻ và mặt hàng đặc trưng nhất là hàng thực phẩm.

Sau khi chợ xây lại, các quầy hàng ăn uống, thực phẩm tiêu dùng vẫn ở tầng trệt, lượng khách giảm, nhưng không đáng kể vì nhiều người vẫn giữ thói quen thích mua các mặt hàng thực phẩm chế biến tại đây. Đây cũng là thói quen tiêu dùng của khách hàng ở tuổi trung niên.

Tuy nhiên, khi mua các mặt hàng như quần áo, giày dép, khách hàng lại sang An Đông Plaza mua. Vì nếu mua vải và quần áo ở chợ An Đông người dân phải lên tầng 2, tầng 3, vừa leo thang bộ vừa nóng bức. Với lại, hàng hóa ở An Đông Plaza nhiều mẫu mã đẹp, giá cả cũng hợp lý và ở đây sạch sẽ, thoáng mát hơn. Vì vậy, lượng khách ở chợ An Đông giảm đáng kể. Nhiều khách hàng, nhất là đối tượng trẻ giờ sang An Đông Plaza mua sắm.

Tiểu thương ở chợ Tân Bình phản đối quyết liệt việc xây dựng chợ mới.

Anh Quách Ri, khách hàng trẻ tuổi đang mua quần áo ở đây cho biết: “Ở Trung tâm thương mại, mẫu mã quần áo được cập nhập thường xuyên, giá cả cũng hợp lý. Ở đây mát mẽ, sạch sẽ nên tâm lý mình đi mua hàng cũng cảm thấy thoải mái và thích hơn”.

Từ mô hình trung tâm thương mại An Đông cho thấy: việc xây dựng trung tâm thương mại sát chợ truyền thống đã làm cho lượng khách hàng bị phân tán, chia tách từ chợ truyền thống sang trung tâm thương mại. Tuy nhiên, tại những trung tâm thương mại hiện đại này cũng không đông khách là bao và sức mua ngày càng giảm sút.

Mãi lực giảm là do tình hình khó khăn chung, nhưng quan trọng hơn chính là sự phân tán khách hàng khiến cho hai bên đều rơi vào cảnh ế ẩm. Đáng nói là khi chợ truyền thống được xây lên cao tầng, lượng khách càng giảm và buôn bán khó khăn. Cụ thể như chợ Văn Thánh, vào năm 1994, Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh cho xây dựng lại chợ cao 4 tầng, từ một chợ truyền thống buôn bán tấp nập, sau khi xây lên nhiều tầng lại buôn bán đìu hiu và ế ẩm. Tiểu thương bỏ chợ hơn phân nửa. Vì vậy, Quận phải chuyển đổi công năng chợ Văn Thánh thành khu phức hợp, căn hộ, trung tâm thương mại văn phòng cho thuê SSG Tower.

Chính vì vậy, có thể hiểu được lý do vì sao gần đây, tiểu thương ở chợ Tân Bình phản đối quyết liệt việc xây dựng chợ mới. Bởi theo thiết kế khi xây dựng mới chợ Tân Bình, phía trước chợ sẽ có một trung tâm thương mại, còn phía sau là chợ truyền thống cao tầng. Mô hình này đã bị tiểu thương phản ứng.

Dư luận cho rằng, chính quyền thành phố nên tham khảo kinh nghiệm của Hà Nội về việc cho dừng xây dựng chợ gắn với trung tâm thương mại bởi mô hình này không mấy hiệu quả. Thực tế tại Trung tâm thương mại An Đông và chợ Văn Thánh là một điển hình.

Về vấn đề này, đại diện Sở Công thương thành phố cũng khẳng định: thành phố sẽ không có mô hình chợ – trung tâm thương mại. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng quản lý thương mại, Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh nói: “Tập quán tiêu dùng và cách thức mua sắm của thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội khác nhau nên TP HCM học Hà Nội là không chính xác. Vì thành phố Hồ Chí Minh không gắn trung tâm thương mại vào chợ và trong quy hoạch, thành phố cũng không có quy hoạch chợ gắn vào trung tâm thương mại”.

Chợ truyền thống không chỉ có chức năng giao thương mà nó còn là một nét văn hóa trong sinh hoạt của người dân. Còn trung tâm thương mại là biểu trưng cho nét sống hiện đại, văn minh và nhiều tiện lợi. Cả 2 loại hình này có những phân khúc khách hàng khách nhau. Tuy nhiên, trong quy hoạch và phát triển mạng lưới thương mại, chúng ta phải làm sao giải quyết được hài hòa lợi ích giữa các trung tâm thương mại và chợ truyền thống là điều mà ngành chức năng thành phố Hồ Chí Minh cần cân nhắc, tính đến.

Để lại một bình luận

0913.756.339