Lý do vốn ngân hàng tăng vọt cuối năm

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đến ngày 27/11, tín dụng toàn hệ thống tăng 10,22% so với cuối năm ngoái. So với mức tăng 7,85% tính đến 24/10, trong hơn một tháng qua tín dụng đã nhảy 2,37% (hơn 90.000 tỷ đồng) – mạnh nhất kể từ đầu năm. Với đà tăng này, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% trở nên khả thi hơn.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định vốn đang chảy vào các lĩnh vực ưu tiên theo đúng định hướng. Tại địa bàn TP HCM, trong 11 tháng qua, tín dụng ước tăng trên 9,5%, riêng tháng 11 tăng khoảng 3%. Theo Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh, tín dụng bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng… chỉ chiếm khoảng 19%, số vốn còn lại đều tập trung vào sản xuất kinh doanh.

“Dòng vốn chảy vào sản xuất, kinh doanh lớn và chủ yếu với kỳ hạn trung, dài đã góp phần rất lớn cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố”, ông Minh nói.

t1-1746-1418122274.jpg

Tín dụng ngân hàng chủ yếu chảy vào sản xuất kinh doanh. Ảnh: AQ

Riêng chương trình kết nối doanh nghiệp với các ngân hàng tại TP HCM, đến nay đã có hơn 39.000 tỷ đồng được ký kết thành công và dự kiến đến cuối năm sẽ đạt 42.000 tỷ đồng (kế hoạch năm chỉ 30.000 tỷ đồng) cho hơn 1.000 doanh nghiệp.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết thêm càng về những tháng cuối năm, nhu cầu tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp để phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh dịp Tết cũng tăng cao. “Do đó, tín dụng trong tháng vừa qua tăng nhanh là điều dễ hiểu. Dự báo, cả năm nay, tín dụng trên địa bàn khả năng đạt 11%”, ông Minh chia sẻ.

Trao đổi với VnExpress.net, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM Phạm Ngọc Hưng cho biết đây là mùa cao điểm doanh nghiệp phải chuẩn bị hàng hóa để phục vụ mùa Tết nguyên đán sắp tới nên nhu cầu vay vốn cũng cao hơn bình thường. “Dù rất khó dự báo nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết năm nay nhưng các doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo lượng hàng để cung ra thị trường”, ông Hưng nói.

Ngoài ra, ông nhận định 2015 là giai đoạn mà các doanh nghiệp Việt Nam phải tham gia hội nhập sâu rộng. Do đó, hiện nay nhu cầu vốn trung dài hạn để đầu tư mở rộng sản xuất cũng khá cần thiết với các doanh nghiệp.

Vị Phó chủ tịch hiệp hội vẫn băn khoăn khi lãi suất cho vay trung và dài hạn hiện vẫn còn ở mức tương đối cao, nên chưa thực sự kích thích các doanh nghiệp tốt vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu thì không đáp ứng được điều kiện nên khó tiếp cận vốn. “Cần có gói hỗ trợ lãi suất cũng như sự bảo lãnh để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn hơn nữa”, ông Hưng đề xuất.

Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Tài chính trường Đại học Kinh tế TP HCM phân tích thêm, bên cạnh nhu cầu vốn của doanh nghiệp thì nhu cầu mua sắm, chi tiêu cá nhân trong những tháng cuối năm sẽ cao hơn bình thường, cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy tín dụng tăng mạnh.

Một hướng đi khác của tín dụng ngân hàng chính là trái phiếu Chính phủ. Một thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia nhận định, vốn của các nhà băng có thể đã được phân bổ một phần lớn vào kênh trái phiếu Chính phủ dù lợi suất có lúc đã thấp nhất trong nhiều năm.

Theo số liệu từ phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ đầu tháng 12 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, tổng khối lượng gọi thầu 4.000 tỷ đồng với 3 loại kỳ hạn: 3 năm (2.000 tỷ), 5 năm (1.000 tỷ) và 10 năm (1.000 tỷ).

Kết quả, huy động thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu 3 năm với lãi suất trúng thầu 5% mỗi năm; 650 tỷ đồng trái phiếu 5 năm với lãi suất trúng thầu 5,85% một năm, nâng tổng giá trị trái phiếu trúng thầu từ đầu năm lên 192.853 tỷ đồng và thành viên trúng thầu đa phần là các ngân hàng thương mại. 

Lệ Chi

Để lại một bình luận

0913.756.339