Racine là một nhà hàng từng kinh doanh thành công ở tây London: được đánh giá tốt, đồ ăn ngon, và nằm ở vị trí “đắc địa” trên đường Brompton. Suốt 12 năm qua, cửa hàng này phục vụ thực khách sành điệu theo tiêu chuẩn ẩm thực của Pháp.
Tại hai khu vực Kensington và Chelsea, số lượng người nước ngoài là chủ sở hữu nhà ở chiếm tới 20% trong vòng 4 năm qua
Nhưng cách đây hai tuần, chủ nhà hàng Henry Harris đã thông báo cửa hàng chuẩn bị đóng cửa. Chuyện gì đã xảy ra?
Ông Harris cho biết: “Đây là điều không thể tránh khỏi. Hiện tại việc kinh doanh tại khu vực này không còn ổn định. Một phần nguyên nhân chúng tôi đóng của nhà hàng là muốn thuê một mặt bằng mới, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do dân cư sinh sống tại đây ngày càng thưa thớt”.
Ông cũng bổ sung thêm: “Ban đầu, khi tôi mới mở nhà hàng, lượng thực khách chủ yếu là những người trung niên, khoảng 50 đến 60 tuổi. Tuy nhiên, hiện giờ, họ đã già hơn, nhiều người trong số họ không còn đủ khả năng thường xuyên ra ngoài ăn tiệm khi nền kinh tế bị suy thoái. Những người còn lại nhận ra giá trị căn nhà của họ, nên đã quyết định bán lại cho người nước ngoài, những người mua nhà tuy nhiên lại không sinh sống tại đây”.
“Thậm chí, tại một số tòa nhà, số lượng căn hộ trống lên đến 20% – chiếm đến 1/5 số lượng khách hàng tiềm năng của tôi. Điều này tạo ra một sự khác biệt lớn. Ở tòa nhà phía sau nhà hàng của tôi, rất dễ dàng tìm được một chỗ đậu xe. Điều này là không tưởng ở Knightsbridge”.
Racine là “nạn nhân” mới nhất của một hiện tượng được gọi là “tắt đèn ở London”, ám chỉ những khu vực chủ sở hữu vắng mặt đẩy giá bất động sản lên cao. Khi nhà hàng này mở cửa vào năm 2002, giá nhà ở trung bình ở Knightsbridge là hơn 1 triệu USD; hiện giờ, giá nhà ở đã bị đẩy lên hơn 5 triệu USD. Ước tính có khoảng 22.000 ngôi nhà ở tại London bị bỏ hoang.
Theo một cuộc khảo sát do Cơ quan giám sát nhà ở vắng nhân khẩu cư trú tiến hành vào năm ngoái, Kensington và Chelsea là hai khu vực có số lượng nhà ở vắng người cư trú tăng 40%.
Việc ngày càng có nhiều ngôi nhà với giá cả đắt đỏ lại không có người cư trú là chủ đề gây tranh cãi tại thành phố này, nơi mà quyền quyền sở hữu bất động sản ngày càng vượt ngoài tầm với của người dân. Các chính trị gia cũng bất đầu có động thái trước vấn đề đó.
Viết trên tờ Independent, bà Tessa Jowell, người được coi là ứng cử viên đảng Lao động trong danh sách bầu cử thị trưởng thành phố London năm tới, gọi hiện tượng nhà vắng người cư trú là một “scandal” và hứa nếu đắc cử, bà sẽ áp dụng biện pháp áp thuế trừng phạt đối với chủ sở hữu vắng mặt.
Bà lên tiếng: “Hiện nay, tại London có hàng trăm nghìn người phải sống trong khu tạm trú, xếp hàng trong danh sách mua nhà ở xã hội, hoặc phải tiết kiệm tối đa để mua nhà. Trong khi đó, người giàu London lại coi nhà ở như vàng miếng, là tài sản để định giá thay vì để sinh sống … Chủ sở hữu của những ngôi nhà này phải sống trong ngôi nhà của họ, hoặc bán chúng đi. Nếu họ để tình trạng này tiếp tục diễn ra, họ sẽ bị phạt”.
Neal Hudson, một nhà phân tích của trung tâm môi giới bất động sản Savills cho hay: “Đối với nhiều người, việc ngày càng nhiều ngôi nhà không có người cư trú là một vấn đề đáng lo ngại, nhưng rất khó để đưa ra những nguyên do cụ thể về việc này. Hiện tại, hầu hết dân cư trong khu vực là khách du lịch”.
Tuy nhiên, đã có sự thay đổi về nhu cầu của khách du lịch tùy theo mùa. Tibor Ivanics, một người quản lý tại Robert Frew, một tiệm sách và đồ cổ chỉ cách Racine vài bước chân, nhận định: “Vào mùa hè, khi khí hậu ở đây khá ôn hòa, thời tiết không quá nóng, khu vực này trở nên nhộn nhịp, với những người khách du lịch Ả Rập. Dẫu vậy, khách du lịch người Pháp vẫn chiếm số lượng đông nhất”.
Ngoài ra, ông Harris cho hay, thay đổi “khẩu vị” cũng có thể là một yếu tố gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của Racine. Khu vực của Racine đã bị Caffe Concerto, một chuỗi các nhà hàng nhỏ hơn chiếm giữ, với phong cách hoàn toàn khác biệt. Do vậy, ông Harris đã quyết định lựa chọn một khu vực khác để kinh doanh.
Phương Lâm (Infonet)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.