Hiện người dân vẫn coi gửi tiền tiết kiệm là một kênh đầu tư
Về lý thuyết, giảm lãi suất sẽ khuyến khích đầu tư tăng, kích cầu nền kinh tế, đẩy GDP tiếp tục tăng… Mặt tích cực là vậy. Nhưng còn những tác động khác cũng cần tính tới. Nhiều chuyên gia cho rằng để giảm lãi suất cho vay thì phải giảm mạnh lãi suất huy động chứ không thể ép các NHTM giảm tiếp chi phí hoạt động
Lãi suất 1%/năm: có thể chứ!
Cũng như mọi năm, NHNN đã sớm công bố kế hoạch năm 2015. Năm nay, vì là năm cuối cùng trong thực hiện kế hoạch tái cơ cấu của ngành nên chủ trương của Thống đốc Nguyễn Văn Bình là những gì cần làm thì phải làm ngay. Bằng chỉ thị 01 rồi chỉ thị 02/CT – NHNN, Thống đốc đưa ra đến hơn 70 đề mục cho tất cả các vụ, cục, cơ quan chức năng trong hệ thống ngân hàng. Với người ngoài ngành, vấn đề đáng quan tâm nhất là lãi suất. NHNN đưa ra kế hoạch giảm tiếp mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 1 – 1,5%/năm. Rồi việc Hiệp hội Nhà đầu tư tài chính (VAFI) đề xuất có thể áp dụng mức lãi suất 1%/năm khiến thị trường thêm… nức lòng. Người nói được, kẻ bảo không tưởng. Cả hai luồng ý kiến đều có lý!
Ở phía được, trước hết mức giảm lãi suất cho vay 1,5%/năm là hoàn toàn có cơ sở. Vì tuyên ngôn về vấn đề lãi suất của NHNN là “điều chỉnh theo diễn biến CPI”. Mà thực tế hiện CPI vẫn đang theo xu hướng giảm. Tất nhiên với một, hai tháng đầu năm thì còn quá sớm để nói về CPI cả năm. Nhưng nếu trong tháng thường có sức cầu mạnh nhất, giá cả hay leo thang nhất (giáp Tết Nguyên đán) mà CPI thấp thì cũng là dấu hiệu cảnh báo sớm. Mặt khác, những con số tổng kết năm 2014 cho thấy hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đang rất dư thừa vốn. Cụ thể, trong khi tiền gửi tăng 16,31% thì cho vay ra chỉ tăng trên 14%. Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động năm 2014 đã giảm 1,5 – 2%/năm so với năm 2013, nhưng không chỉ ở các thành phố lớn mới có mức tăng trưởng huy động cao mà ở các địa phương, tỉnh thành xa thường phải nhận vốn điều hòa từ Trung ương thì nay cũng thừa vốn. Không những thế, vì mặt bằng lãi suất những năm gần đây theo xu hướng giảm nên người gửi tiền cũng chọn kỳ hạn gửi dài hơn. Đây là yếu tố quan trọng để NHNN quyết định yêu cầu các NHTM giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn. Hơn nữa, ngành ngân hàng còn phải gánh trọng trách hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng GDP 6,2% trong năm nay. Do đó, dù đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 13-15%, nhưng Thống đốc cũng để ngỏ khả năng tín dụng sẽ tăng đến 17%. Mà nếu không hạ lãi suất thì khó có thể đẩy tín dụng ra.
Còn về mức lãi suất huy động 1%/năm mà VAFI đề xuất, con số này khiến người gửi tiền Việt Nam sốc. Vì lâu nay người ta đã quen với yêu cầu lãi suất tiền gửi tiết kiệm phải thực dương. Nhưng với thế giới thì khác. Họ coi ngân hàng chỉ là nơi giữ hộ tiền. Thậm chí người gửi tiền còn lấy làm mừng vì vẫn còn được hưởng lãi, dù chỉ 0,5%/năm. Vì nếu không, họ sẽ phải mất tiền thuê két ở ngân hàng (điều này cũng giải thích tại sao ở Việt Nam, dịch vụ cho thuê két đã có từ lâu, nhưng chỉ một vài ngân hàng triển khai với số lượng két rất khiêm tốn).
…nhưng phải tính chuyện lâu dài
Tuy nhiên, với sự mở cửa của nền kinh tế, với sàn chứng khoán, sàn bất động sản và tới đây là các kênh đầu tư mạo hiểm… thì có lẽ người dân Việt Nam cũng dần dần phải làm quen với nhiều kênh đầu tư chứ không phải coi gửi tiền tiết kiệm là kênh đầu tư như hiện nay. Do đó đề xuất mức lãi suất huy động 1%/năm của VAFI là có cơ sở. Có điều, việc này chắc chắn chưa thể diễn ra trong năm nay, vì thay đổi tư duy, nếp nghĩ của người dân không thể chỉ trong ngày một, ngày hai. Thực tế lâu nay lãi suất vẫn là giải pháp được sử dụng nhiều nhất. Nếu trước năm 2011, các NHTM sử dụng việc tăng lãi suất huy động làm công cụ cạnh tranh chính, thì nay họ chuyển sang giảm lãi suất cho vay. Thậm chí có trường hợp lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất huy động, dù chỉ một số rất ít khách hàng được hưởng mức này.
Trở về vấn đề giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm 1,5-2% của NHNN. Như trên đã phân tích, về mặt lý thuyết, đây là điều hoàn toàn có thể. Nhưng để giảm lãi suất cho vay thì phải giảm mạnh lãi suất huy động chứ không thể ép các NHTM giảm tiếp chi phí hoạt động. Vì thực tế, sau vài năm nỗ lực giảm lãi suất cho vay từ trên 20%/năm xuống dưới 10%/năm như hiện nay, các NHTM đã khá mệt mỏi. Giờ yêu cầu NHTM giảm thêm, tất nhiên họ vẫn phải làm, nhưng liệu lãi suất cho vay có giảm thực sự hay không? Hay cùng với mức lãi suất ưu đãi thì khách hàng buộc phải sử dụng thêm các dịch vụ ngân hàng khác hoặc trả thêm các loại phí liên quan? Không cần Thống đốc yêu cầu, các NHTM cũng biết tín dụng sẽ sớm không còn là mảnh đất màu mỡ, nhưng họ cũng cần thời gian để chuyển đổi, để có nguồn thu từ dịch vụ bù đắp khoản hụt thu từ tín dụng.
Mặt khác, yêu cầu giảm tiếp lãi suất cho vay trung và dài hạn trước mắt rất phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng lại đi ngược với xu thế chung của kinh tế các nước. Với tỷ lệ cho vay trung dài hạn khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng, các ngân hàng Việt Nam đang được coi là “làm thay nhiệm vụ của đầu tư Chính phủ và đầu tư tư nhân”. Trong khi các nước đang nỗ lực giảm tỷ lệ cho vay trung, dài hạn thì với xu hướng giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn, Việt Nam đang làm ngược lại. Ở các nước, đầu tư cho những lĩnh vực hạ tầng như điện, đường, trường, trạm… thường là từ nguồn vốn Chính phủ hay đầu tư tư nhân theo hình thức hợp tác công tư, thì ở Việt Nam, một tỷ trọng rất lớn là từ các NHTM. Trước đây là điện, giờ là đường. Vay vốn NHTM tất nhiên là nhanh, nhưng lãi suất thì khó có thể thấp. Vậy là phí đường bộ lại tăng! Mà phí tăng sẽ dẫn đến hàng loạt hệ lụy khác cho nền kinh tế.
Tóm lại, người vay luôn muốn lãi suất cho vay thấp hơn với thời hạn cho vay dài hơn. Nhưng thời hạn cho vay càng dài thì rủi ro càng lớn, ngân hàng cần được dự phòng rủi ro bằng lãi suất cho vay cao hơn. Đó là thực tế mà bản thân nhà điều hành biết rất rõ. Chính vì vậy, nếu lãi suất trung, dài hạn giảm, cũng đừng vội mừng!
Thái Thanh (DĐDN)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.