Kinh tế lệ thuộc Trung Quốc khiến đại biểu bức xúc

Bên cạnh chủ đề nợ công, trong một ngày rưỡi thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế – xã hội năm 2014-2015, nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao những biện pháp bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, sau khi Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan 981 vào lãnh hải hồi tháng 5. Tuy nhiên, dù giải quyết được vấn đề này, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra bức xúc khi nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế còn lệ thuộc vào Trung Quốc.

“Lệ thuộc ở đây theo nghĩa muốn dứt ra mà không dứt được, biết không tốt, không hay mà vẫn phải tiếp tục. Điều này diễn ra trên nhiều lĩnh vực như xuất nhập khẩu, nguyên vật liệu, phụ liệu, khai thác khoang sản, nhân công, hàng tiêu dùng, đấu thầu…”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) phát biểu.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa bức xúc khi kinh tế Việt Nam vẫn lệ thuộc vào Trung Quốc

Không chỉ vậy, phụ thuộc vốn – tài chính cũng là mối lo lớn. Ở kỳ họp thứ 7, ông Nghĩa cho biết đã chất vấn Chính phủ về việc liệu Việt Nam có phụ thuộc vào tài chính của Trung Quốc không. Câu trả lời khi đó là không đáng kể. Song, ông cho hay một số cử tri không đồng tình và sự lệ thuộc còn ẩn dấu. Bản thân ông không tiện dẫn ra con số tại hội trường.

Đặc biệt, vị đại biểu này cũng đặt câu hỏi tại Việt Nam có nhiều thế mạnh nhưng kinh tế vẫn phải lệ thuộc bấy lâu nay. “Một nước có tiềm năng nông nghiệp nhưng lại phải nhập khẩu nông sản của Trung Quốc. Chúng ta có toàn quyền tổ chức đấu thầu, chấm thầu nhưng lại để lọt những dự án kém chất lượng? Tại sao thương lái Trung Quốc có thể sang tận Việt Nam thu mua nông sản?”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bức xúc.

Ông cũng đưa ra so sánh về việc nhà máy Samsung của Hàn Quốc xuất khẩu 23 tỷ USD mỗi năm, song chỉ sử dụng 70 lao động người nước này. Trong khi đó, tại Việt Nam hiện có 23.000 lao động Trung Quốc nhưng không rõ giá trị tạo được là bao nhiêu. 

Trước vấn đề này, đại biểu đoàn TP HCM cho rằng Việt Nam cần xem lại mình, có đối sách khôn khéo trong xử lý mối quan hệ thương mại với Trung Quốc, đồng thời đa dạng hóa, đa phương hóa các đối tác và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do.

Là người cuối cùng phát biểu trong số 68 đại biểu, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định niềm tin của doanh nghiệp đã được cải thiện và sẽ còn tiếp tục trong năm 2015. Tuy nhiên, các khó khăn, thách thức ở trước mắt vẫn còn nhiều nên Việt Nam không thể lơ là nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Chai sẻ quan điểm này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng kinh tế 2015 – 2016 chưa thể chuyển biến mạnh mẽ vì Việt Nam chưa thoát được mô hình và phương thức tăng trưởng cũ. “Chúng ta vẫn đang chạy trên đường ray cũ, về hướng cũ. Vậy thì làm sao nhìn thấy chân chơi trời mới”, ông nhận định. Do đó, nền kinh tế cần khắc phục căn bệnh đã tồn tại hai thập kỷ qua, đó là hao vốn, hao ngoại tệ và hao tài nguyên môi trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận về tình hình kinh tế – xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết về cơ bản Quốc hội tán thành báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình năm 2014, kế hoạch năm 2015. Bà cũng tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu tổng quát đã đề ra, đó là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 6%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, lãi suất ngân hàng hợp lý, dự trữ ngoại tệ lên cao, khắc phục dàn trải trong đầu tư công…

Song, vị này cũng chỉ ra một số yếu kém cần khắc phục, đó là kinh tế vĩ mô tăng trưởng chưa vững chắc, năng suất thấp, tái cơ cấu chưa thu được nhiều kết quả, tín dụng tăng chậm, nợ xấu có xu hướng tăng, xử lý chưa nhanh lý chậm, nợ công ở sát ngưỡng cho phép…

Phương Linh – Quang Dũng

Để lại một bình luận

0913.756.339