Kiến nghị bảo tồn một phần thương xá Tax

Người dân mua sắm tại sảnh chính thương xá Tax trước ngày đóng cửa – Ảnh: Hữu Khoa

Kiến nghị này do Tổng lãnh sự danh dự Phần Lan Phùng Anh Tuấn soạn thảo.

Hai phương án bảo tồn

Ông Tuấn cho hay ông Dominique Casier, tổng lãnh sự danh dự Vương quốc Bỉ, và Claudio Schuftan – tổng lãnh sự danh dự Chile – đã ký tên vào thư kiến nghị.

Hiện ông Tuấn đang chờ phản hồi chính thức về việc đồng tình và ký tên vào bức thư từ phía trưởng lãnh sự đoàn tại TP.HCM, tổng lãnh sự CHLB Nga, tổng lãnh sự CHLB Đức và tổng lãnh sự Pháp cùng nhiều đại diện các cơ quan ngoại giao khác ở TP.HCM.

Theo ông Tuấn, việc soạn thảo bức thư “xuất phát từ chính cá nhân ông, đại diện cho một nhóm công dân Việt Nam và quốc tế quan tâm, yêu mến thương xá Tax, chứ không phải quan điểm của Chính phủ Cộng hòa Phần Lan”. Ông Tuấn cho biết thêm ông hoàn thành bức thư vào ngày 29-9-2014, sau đó gửi ngay UBND TP.HCM và Bộ VH-TT&DL.

Trong một diễn biến khác, Bộ VH-TT&DL cũng vừa có một văn bản gửi UBND TP.HCM về việc đề nghị bảo tồn một số hạng mục của thương xá Tax, do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký ngày 3-10-2014. Có hai phương án bảo tồn được Bộ VH-TT&DL trình bày trong văn bản, đây cũng là hai phương án được ông Phùng Anh Tuấn đề nghị trong bức thư của mình.

Phương án thứ nhất là giữ nguyên trạng phần sảnh chính, sàn lót gạch mosaic, cầu thang chính để tại đúng vị trí cũ, rồi được tích hợp vào phần thiết kế của tòa nhà mới sẽ được xây dựng thay thế thương xá Tax.

Phương án thứ hai là tháo dỡ và giữ lại các phần bao gồm sàn lót gạch mosaic, lan can và tay vịn, các đầu cầu thang chạm trổ họa tiết của cầu thang và sảnh chính, chuyển các phần này đi nguyên trạng. Trong trường hợp chỉ phương án thứ hai được chấp thuận, ông Tuấn cũng đề nghị tự mình đứng ra thu xếp nhân công và chi phí.

Theo ông Tuấn, trên thế giới còn có rất nhiều ví dụ về việc duy trì và tôn tạo các trung tâm mua sắm cổ có giá trị kiến trúc thành những “di tích sống” thông qua sự kết hợp hài hòa giữa nét đẹp – tính lịch sử của truyền thống và công năng hiện đại như thương xá Whiteleys ở London (Anh), Marshall Field’s Wholesale Store và Sullivan Center ở Chicago (Hoa Kỳ) hay khu Chinatown của Singapore.

“Theo đánh giá bước đầu, TP.HCM là thành phố duy nhất ở khu vực Đông Nam Á có một di sản kiến trúc lâu đời như thương xá Tax, có thể nói các hạng mục được đề nghị tháo dỡ nguyên trạng và bảo tồn còn có giá trị văn hóa và lịch sử lớn, đáng lưu giữ không kém gì khu Siam Center của Thái Lan hay Chinatown của Singapore, nếu không nói là hơn.

Công trình Siam Center, dù ra đời sau thương xá Tax đến 50 năm, vẫn được chính quyền Bangkok nâng niu và gìn giữ” – theo ông Phùng Anh Tuấn nói.

Đừng để di sản rơi vào “sự đã rồi”

Đây là mong muốn của kiến trúc sư Trần Hữu Khoa (25 tuổi), người lập ra trang ký tên kêu gọi bảo tồn thương xá Tax (Q.1, TP.HCM) tại địa chỉ http://goo.gl/8fLbS6. Dù chỉ mới được lập ra vào 21g ngày 6-10, nhưng đến 19g tối 7-10 đã có hơn 1.400 người ký tên ủng hộ. Trong đó có rất nhiều người trong giới kiến trúc sư, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử và các bạn trẻ đã tham gia ký tên.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, kiến trúc sư Trần Hữu Khoa cho biết: “Việc kêu gọi nhằm bảo tồn thương xá Tax, nhưng thực tế chúng tôi biết việc giữ lại vẹn nguyên thương xá này là điều đã nằm ngoài tầm với, quá trễ khi tất cả đã an bài và khó thể thay đổi”.

* Vậy việc kêu gọi ký tên nhằm mục đích gì?

– Mục đích là để không một di sản nào lại rơi vào sự đã rồi như thương xá Tax nữa. Từ câu chuyện thương xá Tax, chúng tôi muốn đánh động mọi người hãy để tâm và kịp cứu những di sản khác, thay vì đánh đổi tất cả để phát triển. Mỗi di sản kiến trúc, văn hóa… là giá trị của cả một đất nước chứ không phải của riêng một thành phố hay của một nhóm người nào.

Tất nhiên còn nước còn tát, không giữ lại được toàn bộ thương xá Tax nhưng chúng tôi cũng mong muốn phần cầu thang và một số chi tiết kiến trúc của thương xá Tax sẽ được giữ lại và kết nối vào công trình sắp xây dựng. Hoặc ít nhất thì những chi tiết có giá trị về kiến trúc đó cũng sẽ được đưa vào bảo tàng sau khi phá bỏ thương xá Tax.

* Việc tiếp theo sau khi tập hợp được các chữ ký sẽ là gì?

– Chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ danh sách những người tham gia ký tên cho tổng lãnh sự danh dự Phần Lan tại TP.HCM để kèm theo bản kiến nghị (dự kiến chuyển đến UBND TP.HCM vào ngày 8-10). Sau đó, danh sách các cá nhân ủng hộ việc bảo tồn thương xá Tax vẫn sẽ tiếp tục được tập hợp và chuyển đến UBND TP.HCM.

Trong danh sách những người ký tên đầu tiên có TS Nguyễn Thị Hậu, phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, chủ nhiệm bộ môn khảo cổ học, giám đốc Bảo tàng nhân học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội; Tim Doling, nhà nghiên cứu lịch sử Sài Gòn, quốc tịch Anh…

Quốc Thoại – Viễn Sự (Tuổi trẻ)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339