Kịch hài khi ParksonLandmark đóng cửa vì thua lỗ

Đó là con sóng cải tạo các chợ truyền thống thành trung tâm thương mại và con sóng các trung tâm thương mại đóng cửa, phá sản vì thua lỗ. Ngay đầu năm 2015, vụ việc Parkson Landmark tại tòa nhà Keangnam đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu các chủ kinh doanh ở trung tâm thương mại này phải di dời khẩn cấp đang trở nên nóng rẫy trong dư luận. Nó phản ánh nhiều bất cập cả trong chính sách, những kẽ hở pháp lý và cả những bài học kinh doanh tối thiểu. Không hề mới, bởi trước đó, những trung tâm thương mại Chợ Hôm, Chợ Cửa Nam và cả Chợ Mơ cũng như những trung tâm thương mại cực lớn như Tràng Tiền Plaza, Robins hay mới đây là Lotte (Liễu Giai – Đào Tấn) hay khu vực bán hàng hiệu của tòa tháp Indochina (Cầu Giấy)… vắng hơn chùa Bà Đanh đẩy các nhà đầu tư cũng như các chủ thuê, chủ thuê lại vào ngõ cụt.

Nhiều nguyên nhân thua lỗ của các trung tâm thương mại được chỉ ra, đó là sự hồi phục chậm của kinh tế, thắt chặt tiêu dùng người dân, sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ mới gia nhập thị trường và cả việc nguồn cung hàng hiệu đang ngày càng đa dạng. Dường như những hy vọng về một sự phát triển mạnh như những năm bất động sản đang là máy in tiền với một tầng lớp trung lưu mới mỗi ngày một đông đã thu hút các đại gia trong nước cũng như các đại gia bán lẻ nước ngoài lao vào lĩnh vực trung tâm thương mại với hướng kinh doanh các mặt hàng đắt tiền, sang trọng, có tên chung là hàng hiệu, hàng của các nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới.

Hàng hiệu không còn hút khách nữa



Cùng với làn sóng tôn thờ thần tượng, những người mẫu, hoa hậu, ca sĩ với những món hàng hiệu trên người có giá trị nhiều tỷ đồng đã tạo ra một cơn sốt, dẫu không nóng rẫy nhưng cũng đủ quảng cáo cho bao nhiêu nhãn hàng nổi tiếng. Có một món hàng hiệu trên người là nỗi ao ước của nhiều người và cùng với nó, những cửa hàng, những trung tâm thương mại đã mọc lên khắp nơi. Thảm cảnh hàng nghìn người Hà Nội chen nhau để mua hàng hiệu Gucci trốn thuế giá rẻ những ngày đầu tháng 8-2014 đã cho thấy tâm lý ấy. Nhưng bất động sản đóng băng, để lại một núi nợ xấu, kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và hàng hiệu siêu sang đang dần bị lãng quên trong ưu tiên mua sắm. Những khoản thưởng trong sản xuất kinh doanh biến mất, những khoản lợi nhuận từ những thương vụ giời ơi nhưng lại có thật cũng đã đi xa đã đẩy những công chức, nhân viên văn phòng, các nhà quản lý trẻ phải cân nhắc trong chi tiêu. Khi các nhà hàng sang trọng vắng khách thì các trung tâm thương mại hạng sang thua lỗ là bình thường. Một chi tiết khá thú vị, chỉ mới gần đây, các ca sĩ, người mẫu liên tục lên internet khoe mới sắm túi này, áo kia hàng nghìn USD, thì bây giờ những chiêu trò ấy vắng hẳn.

Nhưng không chỉ là nhu cầu mua sắm hàng đắt tiền sụt giảm, còn có những nguyên nhân thị trường đẩy các trung tâm thương mại hạng sang xuống vực thẳm. Đó là sự cạnh tranh gay gắt giữa các tên tuổi lớn trong sản xuất và phân phối, đó là sự nở rộ của thương mại điện tử. Thị trường đang có sự cạnh tranh mạnh và có nhiều tên tuổi các nhà phân phối gia nhập thị trường phân phối hàng xa sỉ, đồ hiệu như Tràng Tiền, Robins, Lotte… khiến cho sự cạnh tranh đang ngày càng quyết liệt và toàn diện, đòi hỏi các nhà phân phối phải tính toán lại các phương pháp cạnh tranh, cả kể sự cạnh tranh về giá. Nếu không tính đến cạnh tranh và hạ giá bán sản phẩm so với thu nhập bình quân của người Việt Nam thì không chỉ có Parkson thua lỗ mà sẽ còn rất nhiều nhà bán lẻ hạng sang khác có mặt tại Việt Nam đối mặt với viễn cảnh này. Ngoài việc thích mua hàng hiệu qua đường xách tay, nhiều người đang chọn cách thức đi du lịch nước ngoài kết hợp mua sắm. Nếu lựa chọn mua xách tay, mua qua đường du lịch, giá có thể rẻ hơn so với mức giá bán trung bình tại các cửa hàng đồ hiệu từ vài triệu đồng. Chưa kể, trên các trang mạng thương mại điện tử, hàng hiệu được rao bán với giá rẻ hơn các trung tâm thương mại, với những chế độ khuyến mãi, hậu mãi tốt hơn rất nhiều.

Tất cả những khó khăn ấy đổ lên đầu các chủ thuê lại cửa hàng trong các trung tâm thương mại. Dù giá thuê mặt bằng nói chung có giảm nhưng ở những vị trí đắc địa, có khả năng quảng bá thương hiệu tốt thì giá vẫn cao ngất ngưởng. Theo một điều tra, giá thuê mặt bằng thương mại ở một số vị trí tòa buiding hay tower lớn hiện quá đắt đỏ, dao động từ 100 – 160 USD/m2. Với giá thuê đắt cộng với lượng khách giảm, ngay những cửa hàng có vốn lớn, trường vốn cũng khó tồn tại được. Vậy thì thua lỗ, phá sản là điều dễ hiểu.

Đầu tiên, trung tâm Thương mại Hàng Da Galleria (chợ Hàng Da cũ) chính thức đóng cửa vì vắng khách thuê với lời thông báo “tái cấu trúc để nâng cấp, sửa chữa mới trung tâm thương mại theo mô hình mới”. Ngoài ra, 3 siêu thị điện máy tại Ba Đình, Hà Đông và Đống Đa phải đóng cửa. Trung tâm thương mại Grand Plaza (Trần Duy Hưng, Hà Nội) từng được ví như thiên đường mua sắm của Hà Nội, sau 2 năm hoạt động, Grand Plaza phải đóng cửa vì ế ẩm. Chủ đầu tư và khách thuê không thống nhất được giá và các loại phí dịch vụ. Trung tâm thương mại Mipec Mall cũng vừa tái cơ cấu lần 2 khi cho nhà bán lẻ Lotte Mart (Hàn Quốc) thuê toàn bộ diện tích 4 sàn thương mại (khoảng 20.000m2) của trung tâm thương mại Mipec Mall (Pico Mall trước đây). Không chỉ các trung tâm thương mại đã đi vào hoạt động đóng cửa mà ngay cả những dự án chỉ mới trong giai đoạn “thai nghén” cũng đã bị chết yểu như dự án Ciputra Hanoi Mall trong khuôn viên Dự án Ciputra Hanoi (quận Tây Hồ). Khởi công từ cuối năm 2010, sau khi hoàn thành phần hầm móng, Dự án đã bỏ hoang cho đến nay. Đây là khu Trung tâm Thương mại có diện tích thiết kế lớn nhất Hà Nội (130.000 m2), do Tập đoàn Ciputra

(Indonesia) làm chủ đầu tư…

Trong thông báo đóng cửa gửi chủ các cửa hàng thuê lại của Cty TNHH Parkson Hà Nội, lãnh đạo Công ty này khẳng định: “Kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu theo như kế hoạch đề ra của chúng tôi và chúng tôi cũng nhận thấy các quầy hàng của Quý đối tác cũng đang phải chịu những khoản lỗ lớn cho đến nay”. Và vì vậy, trung tâm thương mại đóng cửa, không phải từ từ mà là ngay lập tức. Vừa hài, vừa đau.

Những hậu quả tài chính và pháp lý còn lại



Phía Parkson ngày 2-1-2015 chỉ ra một thông báo với nội dung: “Chúng tôi rất tiếc khi phải thông báo đến quý đối tác rằng toàn bộ Trung tâm thương mại Parkson Landmark sẽ ngừng hoạt động kinh doanh ngay lập tức kể từ ngày ban hành thông báo này và ngày kinh doanh cuối cùng của Trung tâm thương mại Parkson Landmark là ngày 02 tháng 01 năm 2015”. Và thông báo cũng yêu cầu tất cả các chủ cửa hàng phải ngay lập tức chuyển hàng hóa, trang thiết bị ra khỏi trung tâm thương mại… ngay lập tức, hạn cuối cùng là trong ngày 4-1!

Chuyện hơn đùa. Nhưng lại không như đùa khi các thông báo đóng cửa trung tâm thương mại được giao tận tay cho các chủ cửa hàng vào lúc 14h ngày 2-1 thì vào 15h ngày 2-1 tất cả các cửa cuốn ra vào của trung tâm thương mại này đóng sập xuống, nhốt tất cả khách hàng lẫn chủ các cửa hàng trong trung tâm thương mại lại. Hốt hoảng, sợ hãi, nhiều người nghĩ là có sự cố, nháo nhác tìm cách dọn hàng. Chỉ sau khi phía các chủ cho thuê xuất hiện giải thích, các cửa cuốn được mở ra giải thoát cho khách hàng, mọi việc mới trở nên rõ ràng. Khách được giải thoát, để lại sự tranh cãi, kiện cáo sẽ còn giữa các chủ cho thuê và người thuê. Trong khi trung tâm thương mại yêu cầu các chủ cửa hàng phải khẩn cấp đưa thiết bị, hàng hóa ra khỏi trung tâm thì nhiều chủ cửa hàng lại không thể dọn ra được. Đơn giản vì các khoản tài chính từ tiền thuê cửa hàng, tiền đặt cọc giữa các pháp nhân còn chưa giải quyết được. Cơ chế cho thuê cửa hàng tại trung tâm thương mại khá phức tạp. Parkson Landmark thuê mặt bằng của Tập đoàn Kengnam, sau đó cho các chủ khác thuê lại từng gian hàng. Các chủ thuê các gian hàng lại chia nhỏ, cho các chủ cửa hàng khác thuê lại… Nhưng ngay lập tức đóng cửa, thanh lý tất cả trong vòng 2 ngày thì không có nơi nào trên thế giới làm ăn như vậy cả.

Ngày 5-1, đại diện của Parkson đã làm việc với một số doanh nghiệp thuê gian hàng và Tập đoàn Keangnam. Theo đại diện truyền thông của Keangnam thì họ không biết về việc Parkson tạm dừng hoạt động và không có bất cứ một tác động nào đến việc Parkson ngừng hoạt động. Việc yêu cầu các tiểu thương chuyển hàng hóa ra khỏi trung tâm thương mại ngay trong ngày 3 và 4-1 là hoàn toàn từ phía Parkson. Cuộc họp kết thúc nhưng các bên vẫn chưa giải quyết được các vấn đề nảy sinh từ việc Parkson đột ngột yêu cầu các chủ gian hàng phải dọn hàng ngay lập tức ra khỏi trung tâm thương mại. Theo nhiều chủ cửa hàng, vụ việc tranh chấp này sẽ được đưa ra tòa án phân xử. Nhưng đột ngột hơn, chỉ 1 ngày sau hạn cuối quyết liệt yêu cầu tất cả các chủ cửa hàng dọn ra khỏi Trung tâm thương mại Parkson Landmark, ngày 5-1, một thông báo mới, rất trang trọng lại được dán lên trước cửa Parkson Landmark. Nội dung rõ ràng: Parkson Landmark sẽ mở cửa trở lại vào ngày… 7-1. Còn hơn một vở hài kịch.

Câu chuyện của Trung tâm thương mại Parkson Landmark đã chỉ rõ sự khốc liệt của kinh doanh bán lẻ và cũng chỉ rõ sự thiếu trật tự, thiếu vắng sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như một hành lang pháp lý an toàn cho các hoạt động kinh doanh nhưng chỉ điều chỉnh bằng các điều luật của Bộ Luật Dân sự, những giao kết đầy kẽ hở và rất nhiều khi không được tôn trọng.

Với những diễn biến còn trì trệ của nền kinh tế, bài học Trung tâm thương mại Parkson Landmark không biết có được các nhà kinh doanh bán lẻ học thuộc không?

Phan Đức (ANTĐ)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339