Chỉ mời vài tháng trước, Tổng thống Nga – Vladimir Putin còn tự tin tuyên bố trước các lãnh đạo doanh nghiệp rằng Nga có thể chống chọi với mọi cơn bão kinh tế. Thậm chí nếu các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rút vốn, Chính phủ vẫn có thể sử dụng dự trữ để trợ giúp các doanh nghiệp.
Giờ đây, những tuyên bố của ông đang được thử thách. Trong bối cảnh giá dầu lao dốc, đồng rouble rơi tự do, Nga đang phải viện đến tất cả các nguồn lực quốc gia, trong đó có gần 400 tỷ USD dự trữ quốc tế. Hôm thứ Tư, nước này tuyên bố sẽ dùng 7 tỷ USD để vực dậy đồng rouble và ổn định thị trường.
Nhưng câu hỏi đặt ra là nguồn lực hiện tại của Nga có thể chống chọi được đến khi nào?
Đồng ruble vẫn không có dấu hiệu ổn định. Trước lệnh trừng phạt của phương Tây, nhiều công ty Nga có nợ lớn đang dần mất đi các nguồn huy động vốn. Hơn nữa, không phải toàn bộ dự trữ của quốc gia có thể mang ra sử dụng một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Thru tướng Medvedev trong cuộc họp hôm thứ Tư với các lãnh đạo doanh nghiệp. Ảnh: NYT |
Christopher Granville – Giám đốc hãng nghiên cứu các thị trường mới nổi Trusted Sources cho biết: “Nga có đủ nguồn lực để thanh toán đến năm 2016, nhưng điều đó không có nghĩa nó không thể cạn kiệt”.
Nga hiện nắm trong tay rất nhiều tiền. Trong 400 tỷ USD dự trữ, khoảng một nửa có thể sử dụng bất cứ lúc nào. Và 90 tỷ USD sẽ được dùng để xoa dịu hậu quả của giá dầu lao dốc. Quỹ an sinh quốc gia của Nga có khoảng 79 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học cho biết một phần số tiền này đã cam kết chi cho các khoản đầu tư dài hạn.
Doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt chiếm đến 50% ngân sách và 60% xuất khẩu của Nga. Nói cách khác, nền kinh tế Nga phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ. Điều này càng khiến cho cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng. Nếu giá dầu cao, lợi nhuận thu về sẽ giúp vực dậy đồng rouble. Nhưng một khi dầu rớt giá, Nga không những không thể tích trữ thêm ngoại tệ, mà số tiền quỹ hiện có còn phải mang ra thay thế kênh huy động vốn từ phương Tây.
New York Times nhận xét các rắc rối đang đồng loạt ập đến với Nga. Các lệnh trừng phạt đang khiến công ty khó tiếp cận thị trường toàn cầu. Và các khoản nợ nước ngoài cũng rất nhanh đến ngày đáo hạn. Các công ty và ngân hàng Nga sẽ phải trả 30 tỷ USD trong tháng này. Năm tới, con số này sẽ lên 130 tỷ USD.
Các công ty lớn, như đại gia khí đốt Gazprom có thể có nguồn thu từ các ngoại tệ khác. Vì vậy, tình trạng của họ tốt hơn nhiều doanh nghiệp khác. Còn những công ty không có lựa chọn khác sẽ phải cần sự trợ giúp từ Chính phủ. Việc này càng gây sức ép lên dự trữ quốc gia.
Nga đã sẵn sàng cứu trợ các doanh nghiệp không thể tiếp cận nguồn vốn từ phương Tây, bằng cách sử dụng một trong 2 quỹ dự phòng quốc gia. “Sẽ có những vụ vỡ nợ doanh nghiệp xảy ra. Làn sóng vỡ nợ sẽ diễn ra vào nửa cuối năm sau và ngày càng trầm trọng”, Lubomir Mitov – kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại Viện Tài chính quốc tế (IIF) cho biết.
Đồng rouble vẫn đang là vấn đề mấu chốt. Hôm thứ Tư, Bộ Tài chính nước này cho biết sẽ bán dự trữ ngoại tệ để cứu đồng rouble đang trượt giá nghiêm trọng. Trả lời phỏng vấn hãng tin Interfax, ông Alexei Moiseev – Thứ trưởng Tài chính Nga cho biết “cần bao nhiêu sẽ bán ra bấy nhiêu”.
Những biện pháp trên dường như đã xoa dịu thị trường phần nào. Hôm đó, nội tệ Nga đã về 64 rouble đổi một USD. Chỉ một ngày trước đó, tỷ giá này là 80 rouble một USD.
Luis Costa – chiến lược gia tại Citigroup cho biết: “Nga đang có những động thái tinh vi và đồng bộ nhằm ngăn chặn sự tụt dốc của đồng rouble. Và điều này đang cho thấy các tín hiệu tích cực”.
Đến nay, Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã rất tích cực bảo vệ nội tệ. Từ đầu năm, cơ quan này đã chi hơn 75 tỷ USD để đẩy giá đồng ruble. Chỉ trong tháng 12, 10 tỷ USD ngoại tệ được bán ra. Trong đó đỉnh điểm là 2 tỷ USD vào thứ Hai tuần này.
Tuy nhiên, Benoit Anne – Giám đốc chiến lược các thị trường mới nổi tại Société Générale cho biết: “Chiến lược giải quyết từng bước này xem ra cũng vô ích. Có nhiều cách sử dụng 10 tỷ USD để mang lại tác động khác nhau. Bán một lúc 5-8 tỷ USD sẽ hiệu quả hơn là 1-2 tỷ USD. Làm lớn như thế sẽ khiến nhà đầu tư dè chừng”.
Trong tuần này, ngân hàng trung ương đã bất ngờ nâng lãi suất từ 10,5% lên 17%, nhằm ngăn chặn sự mất giá của đồng rouble. Nhưng điều này không những không lật ngược được tình thế, mà còn làm tăng hoang mang do thị trường coi đây là hành động tuyệt vọng. Nội tệ mất giá mạnh càng khiến nhà đầu tư e ngại sẽ có thêm nhiều biện pháp cực đoan nữa, như kiểm soát vốn.
Tuy nhiên ông Costa cho biết: “Nga sẽ chưa tính đến việc thắt chặt kiểm soát vốn, bởi giới chức hiểu rằng nếu làm vậy, tín nhiệm của Nga sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”. Biện pháp nào sẽ được áp dụng còn phụ thuộc vào cách các doanh nghiệp và thị trường phản ứng trong những ngày tới.
Hôm thứ Tư, thủ tướng Dmitry Medvedev cũng đã trấn an các doanh nghiệp về nguy cơ kiểm soát vốn bằng tuyên bố: “Chẳng có nghĩa lý gì khi đưa ra những biện pháp cực đoan”. Cuối ngày hôm đó, ông triệu tập một cuôc gặp mặt với giám đốc các công ty xuất khẩu lớn nhất nước, như Rosneft, Gazprom, Lukoil, Surgutneftegaz. Ông lý giải nguyên nhân của việc đồng rouble mất giá chính là lệnh cấm vận của phương Tây và giá dầu tụt dốc. Cả hai điều này đều nằm ngoài tầm kiểm soát của Nga.
Ông cũng khuyến khích họ đổi toàn bộ ngoại tệ thu về từ xuất khẩu sang đồng rouble, nhưng phải tiến hành ổn định và nhịp nhàng để tránh tỷ giá bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định các công ty sẽ thà giữ nguyên ngoại tệ khi rouble đang mất giá, còn hơn là đổi toàn bộ sang nội tệ.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh Chính phủ Nga lúc nào cũng đứng sau hỗ trợ các doanh nghiệp, bằng cả cách trực tiếp hoặc thúc đẩy nhu cầu. “Đất nước ta có đủ tiền tệ giúp công ty quý vị đạt được tất cả mục tiêu sản xuất và kinh tế đặt ra”, ông cho biết.
Thanh Tuyền