Không có chuyện luật cởi mở, nghị định thắt

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng

Dư luận đang rất trông đợi 2 luật mới được Quốc hội thông qua là Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 sẽ kiến tạo không gian phát triển mới cho thị trường bất động sản. Bộ trưởng có thể cho biết một số điểm đột phá của 2 luật này?

Luật Nhà ở (sửa đổi) có các nội dung mới, lần đầu tiên được đề cập là bổ sung các quy định để phát triển đa dạng và hài hóa các loại hình nhà ở, phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của từng nhóm dân cư trong xã hội; mở rộng đối tượng và nới lỏng điều kiện cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam để thu hút nhân lực, tài lực, kinh nghiệm cho đầu tư, phát triển đất nước.

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng mở rộng phạm vi kinh doanh bất động snar cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam nhằm huy động các nguồn lực về vốn, công nghệ, kinh nghiệm… phục vụ cho phát triển thị trường trong nước.

Có ý kiến lo ngại rằng, nhìn chung, tinh thần của luật rất cởi mở, nhưng các nghị định, thông tư hướng dẫn bên dưới lại thường có hướng thắt chặt. Các dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành có tính đến vấn đề này, thưa Bộ trưởng?

Về nguyên tắc, nghị định, thông tư không thể làm trái luật, mà phải đúng theo luật. Chỉ có điểm nào luật không điều chỉnh hết, giao cho các văn bản dưới luật thực hiện, thì Ban soạn thảo phải tùy theo yêu cầu, tình hình cụ thể và theo quy định của luật để đưa ra những điều khoản phù hợp, vừa đảm bảo huy động nguồn lực, nhưng cũng phải vừa đảm bảo các vấn đề quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội… Một lần nữa, tôi xin nhắc lại, về nguyên tắc, nghị định, thông tư phải làm đúng theo luật.

Thưa Bộ trưởng, việc triển khai các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành hai luật này hiện đến đâu?

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tập trung quyết liệt cho việc xây dựng các nghị định này. Đến nay, các dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đã cơ bản hoàn thành. Công việc còn lại là chuẩn bị lộ trình để trình Chính phủ phê duyệt theo từng giai đoạn. Bộ Xây dựng sẽ cố gắng hết sức để đến đúng thời điểm các luật mới có hiệu lực, thì nghị định cũng sẽ được ban hành.

Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm lên. Song cũng đã xuất hiện tình trạng một số chủ dự án kết hợp với giới đầu cơ tăng giá bán, tạo sự khan hiếm nguồn cung để trục lợi. Quan điểm của Bộ Xây dựng về vấn đề này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 do Bộ Xây dựng đề xuất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ quan điểm: các sản phẩm bất động sản phải phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của đại đa số người dân. Việc thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên thời gian gần đây xuất phát từ những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường của cơ quan quản lý nhà nước, khắc phục sự lệch pha cung – cầu, chú trọng đến phân khúc hàng nhà ở xã hội, phục vụ nhu cầu ở thực của người có thu nhập trung bình và thấp ở đô thị.

Tôi xin nhấn mạnh, việc doanh nghiệp tạo nhu cầu “ảo” hiện có muốn cũng không được, vì trên thực tế, thị trường bất động sản còn tồn kho một lượng lớn hàng hóa, chủ yếu là bất động sản cao cấp. Nhà ở xã hội, nhà giá rẻ hiện cũng không thiếu. Đến nay, trên địa bàn cả nước, đã có 60 dự án (với quy mô xây dựng gần 40.000 căn hộ) đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; có 74 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ (giảm diện tích) cho phù hợp với nhu cầu thị trường…

Nhiều dự án nhà ở xã hội có mức giá thấp đã hoàn thành và mở bán rộng rãi, nên rất khó có khả năng xảy ra tình trạng “khan hàng, sốt giá”.

Quang Hưng (Đầu tư)

Để lại một bình luận

0913.756.339