Từ ngày 7 – 8/2, Bộ GTVT sẽ tổ chức khởi công, khánh thành nhiều dự án giao thông quan trọng khu vực phía Nam bao gồm: Lễ khánh thành cầu Năm Căn và thông xe kỹ thuật đoạn đường từ thị trấn Năm Căn đến cầu Năm Căn; Lễ động thổ dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km2118+600 – Km2127+320,75 và xây dựng tuyến tránh Thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng theo hình thức BOT.
Bộ GTVT cũng tổ chức Lễ thông xe cầu An Hữu (Km2023+180 QL1A, tỉnh Tiền Giang) thuộc Dự án tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường Quốc gia; Lễ khởi động lại dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận theo hình thức BOT; Lễ thông xe và đưa vào khai thác Đường cao tốc TP HCM -Long Thành – Dầu Giây.
Cụ thể, ngày 7/2, Bộ GTVT sẽ tổ chức Lễ khánh thành cầu Năm Căn, cầu Kênh Cái Tắt, cầu Sáu Nạn, cầu Trại Lưới và thông xe kỹ thuật đoạn từ thị trấn Năm Căn đến cầu Năm Căn, tỉnh Cà Mau, thuộc dự án đường Hồ Chí Minh.
Cầu Năm Căn có chiều dài khoảng 817m, bề rộng 12m với tổng mức đầu tư 649 tỷ đồng, được thi công trong thời gian 18 tháng. Cầu Kênh Cái Tắt có chiều dài khoảng 440m, rộng12m. Cầu Sáu Nạn có chiều dài khoảng 175m, rộng 12m và cầu Trại Lưới với chiều dài khoảng 240m rộng 12m. Đoạn tuyến từ thị trấn Năm Căn đến cầu Năm Căn có chiều dài 8,1Km, rộng 12 m.
Việc đưa vào khai thác các dự án góp phần phát triển kinh tế – xã hội của 2 huyện Năm Căn, Ngọc Hiển và toàn tỉnh Cà Mau, đồng thời là một điểm nhấn đưa đường Hồ Chí Minh – tuyến đường bộ đầu tiên về đến trung tâm huyện Ngọc Hiển và không xa nữa, phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ thông xe ra đến Đất Mũi, mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc.
Ngày 7/2, Bộ GTVT sẽ chính thức khởi công xây dựng Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km2118+600 – Km2127+320,75 và xây dựng tuyến tránh thành phố Sóc Trăng của Quốc Lộ 1, tỉnh Sóc Trăng theo hình thức BOT có tổng mức đầu tư 1.419,24 tỷ đồng. Dự án này sẽ được thực hiện trong thời gian 18 tháng và dự kiến hoàn thành năm 2016.
Cũng trong ngày 7/2, Bộ GTVT chính thức khởi động lại Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức đầu tư BOT. Đây là dự án nằm trong quy hoạch của tuyến cao tốc từ TP HCM đến Cần Thơ.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 51,1km tuyến cao tốc và 4,5km tuyến nối với tổng mức đầu tư khoảng 14.678 tỷ đồng theo hình thức Hợp đồng BOT. Dự kiến, đường cao tốc sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018 và hoàn vốn bằng thu phí đường bộ.
Cũng trong dịp này, ngày 8/2, Bộ GTVT chính thức thông xe và đưa vào khai thác Đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ TP HC nối quốc lộ 51, sân bay quốc tế Long Thành và quốc lộ 1A.
Dự án Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây có tổng chiều dài toàn tuyến là 55 km và được chia làm hai dự án thành phần với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 20.630 tỷ đồng từ vốn vay thương mại (OCR) của ADB (276,8 triệu USD), vốn vay ODA của JICA (640,3 triệu USD) và vốn đối ứng của Việt Nam.
Việc đưa vào khai thác toàn tuyến cao tốc dài 55 Km sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi các vùng lân cận TP HCM. Từ TP HCM đi Ngã ba Dầu Giây (giao Quốc lộ 1A và hướng đi Liên Khương) theo lộ trình cũ hiện nay dài khoảng 70 km, mất 3 giờ đồng do thường xuyên ùn tắc trong khi đi theo đường cao tốc sẽ rút ngắn được 20Km và thời gian lưu thông chỉ còn 1 giờ.
Từ TP HCM đi huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai hiện nay dài khoảng 45 km, mất khoảng 60 phút nay rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 22 km với thời gian lưu thông chỉ còn khoảng 20 phút và đi Vũng Tàu hiện nay dài khoảng 120 km, thời gian lưu thông hơn 2,5 giờ trong khi đi đường cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 95km với thời gian lưu thông chỉ còn khoảng 1 giờ 20 phút do rút ngắn được quãng đường và chất lượng lưu thông được đảm bảo không ùn tắc./.