Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF, kinh tế toàn cầu năm nay có thể chỉ tăng trưởng 3,3%, giảm so với 3,4% hồi tháng 7. Năm 2015, tốc độ này cũng bị hạ từ 4% xuống 3,8%. Động thái trên nhằm phản ánh triển vọng không mấy sáng sủa tại eurozone, Nga, Trung Đông và Nhật Bản.
“Con số này ẩn chứa các bức tranh rất khác nhau. Một số quốc gia đã hồi phục hoặc gần hồi phục. Trong khi số khác vẫn còn vật lộn với khó khăn”, Olivier Blanchard – kinh tế trưởng tại IMF cho biết.
Tăng trưởng của Mỹ được nâng lên đáng kể trong năm nay. Ảnh: Bloomberg |
IMF nhận xét châu Âu đang trải qua quá trình “phục hồi đa tốc độ”. Tại Anh, cơ quan này dự đoán GDP sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và giữ nguyên dự báo cho hai năm tới tại 3,2% và 2,7%. Đó là nhờ hoạt động kinh tế tại đây “đang dần cân bằng”, được thúc đẩy bởi cả đầu tư và tiêu dùng.
Trong khi đó, các nước như Pháp, Đức và Italy lại có tốc độ tăng trưởng “chậm chạp và không ổn định”. “Tăng trưởng tại khu vực đồng euro đang chững lại, kể cả với các nước vùng lõi”, Blanchard nhận xét.
Với Mỹ, IMF cho rằng sự yếu kém hồi đầu năm chỉ là do các yếu tố tạm thời. Cơ quan này đã nâng dự báo lên đáng kể, từ 0,5% lên 2,2% năm nay.
Nhật Bản là nước bị hạ mạnh nhất, với tăng trưởng năm nay chỉ vào khoảng 0,9%. IMF cho biết đây sự phản ánh tác động của việc nâng thuế tiêu dùng, từ 5% lên 8%, hồi tháng 4.
Các quốc gia mới nổi cũng chịu chung số phận. Tồi tệ nhất là Nga với tăng trưởng năm nay được dự đoán 0,2% và năm sau là 0,5%, do “căng thẳng địa chính trị leo thang giữa Nga và Ukraine”. “Kể cả không có việc này, bất ổn kéo dài cũng có thể làm giảm niềm tin, đẩy nhanh tốc độ rút vốn, gây sức ép lên tỷ giá và làm yếu đầu tư tại Nga”, cơ quan này cảnh báo.
Khu vực ASEAN-5, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam được nâng dự báo năm nay thêm 0,1%, lên 4,7%. Tuy nhiên, tốc độ năm sau lại giảm từ 5,6% xuống 5,4%.
Hà Thu