Hơn 7 năm mòn mỏi chờ đợi

Lý do, nhiều hộ dân trong thôn có đất ở, đất vườn nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) cầu Văn Phương. Tuy nhiên, dự án này kéo dài hơn 7 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, khiến nhiều hộ dân thôn Văn La không được an cư.

Nhà dột nát vẫn… phải ở!

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, bà Vũ Thị Liên nói như khóc: “Từ năm 2011 đến nay, 3 gian nhà chính – nơi sinh sống của vợ chồng tôi và các con, cháu bắt đầu xuống cấp, dột nặng nhưng không được sửa chữa. Gia đình tôi đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của huyện Chương Mỹ đẩy nhanh tiến độ GPMB, sớm giao đất tái định cư (TĐC) để ổn định cuộc sống… nhưng chờ mãi vẫn chưa được giải quyết”. Nhìn ngôi nhà cấp 4 của hộ bà Liên, không ai có thể nghĩ đây là ngôi nhà đang có người ở bên trong vì xuống cấp quá nghiêm trọng. Hiện tại, đòn tay, rui, mè, câu đầu… của dãy nhà chính cơ bản bị gãy khiến mái ngói bị võng xuống, nhiều đoạn đã trụt. Một số đoạn tường nhà, nhất là các cửa ra vào, cửa sổ bị nứt toác, rất nguy hiểm. “Mặc dù đã phải mua cột về chống tại các điểm có nguy cơ sập; căng bạt để hạn chế dột và bụi… nhưng mỗi khi trời mưa, trong nhà vẫn ướt như ngoài sân, nguy cơ sập mái ngói, đổ tường có thể xảy ra bất cứ lúc nào” – bà Vũ Thị Liên cho biết thêm.

Cùng hoàn cảnh, gia đình bà Lê Thị Sa cũng bị thu hồi gần 200m2 đất ở. Nhưng do công tác bồi thường, hỗ trợ (BT, HT) GPMB, TĐC kéo dài từ năm 2007 đến nay vẫn chưa hoàn thành đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của gia đình bà, vì nhiều năm nay phải sử dụng một căn nhà bếp tạm, nhà vệ sinh chưa có. Gia đình ông Nguyễn Tuấn Lợi cũng đã mua gạch, sắt thép về định xây nhà từ năm 2007 – 2008 nhưng do nhà nằm trong diện giải tỏa nên không thể xây được nhà. Toàn bộ số gạch nay đã bị rêu mốc, sắt thép thì hoen gỉ hết. Hiện 12 thành viên trong gia đình ông phải sống trong 8 gian nhà cấp 4 chật chội, xuống cấp…


Được biết, trong số 19 hộ chưa được BT, HT và TĐC thực hiện dự án ĐTXD cầu Văn Phương có nhiều hộ bị thu hồi hết đất ở, như hộ ông Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Thị Doanh, Nguyễn Văn Sơn… Nguyên nhân chính khiến nhiều hộ dân thôn Văn La phải sống khổ sở trong những căn nhà xuống cấp, chật chội cũng là do việc BT, HT GPMB dự án ĐTXD cầu Văn Phương bị “tắc” nhiều năm nay. Trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Khánh, Phó Trưởng ban Bồi thường GPMB huyện Chương Mỹ về vấn đề này được biết, thực hiện dự án ĐTXD cầu Văn Phương, trên địa bàn xã Văn Võ có 80 hộ có đất bị thu hồi. Tính đến hết năm 2008, UBND huyện Chương Mỹ đã hoàn thành chi trả cho 61 hộ có đất nông nghiệp, nghĩa địa… với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Còn lại 19 hộ có đất ở, đất vườn chưa đồng tình với phương án BT, HT GPMB nên công tác GPMB phục vụ dự án bị “tắc” lại.

Bao giờ mới được an cư?



Dự án ĐTXD cầu Văn Phương nối hai huyện Thanh Oai và Chương Mỹ được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt từ ngày 30-10-2004 tại Quyết định số 1172/QĐ-UBND. Dự án do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí được phê duyệt lần 1 gần 29 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, từ ngày 14-12-2006, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ban hành Quyết định số 2208/QĐ-UBND thu hồi 10.098,6m2 đất thuộc địa bàn xã Văn Võ. Tuy nhiên, công tác GPMB trên địa bàn huyện Chương Mỹ kéo dài quá lâu, nên ngày 21-7-2014, Sở GTVT Hà Nội đã phải ban hành Quyết định số 988/QĐ-SGTVT về việc phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời gian thi công dự án lên gần 56 tỷ đồng.



Ngôi nhà của hộ bà Vũ Thị Liên xuống cấp nghiêm trọng nhưng không dám cải tạo.

Theo ông Nguyễn Ngọc Khánh, nguyên nhân chính khiến công tác GPMB bị “tắc”, các hộ không đồng tình là do giá và cơ chế BT giữa huyện Thanh Oai và Chương Mỹ khác nhau; huyện Thanh Oai có bố trí đất TĐC theo phương án giãn dân (có thu tiền sử dụng đất) nhưng huyện Chương Mỹ thì không… Tại thời điểm đó, UBND huyện Chương Mỹ có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hà Tây (cũ) xem xét tháo gỡ vướng mắc theo hướng điều chỉnh BT bằng tiền sang BT bằng đất và được UBND tỉnh chấp thuận, song do Hà Tây hợp nhất với Hà Nội, cơ chế, chính sách liên quan đến BT, HT GPMB có nhiều thay đổi nên việc GPMB tiếp tục phải dừng lại. Hơn nữa, trong quá trình triển khai người dân có đơn khiếu nại quyết định phê duyệt đồ án thiết kế dự án ĐTXD cầu Văn Phương không đúng với quyết định thu hồi đất cũng khiến công tác GPMB chưa thể hoàn thành.

Để thực hiện công tác GPMB phục vụ dự án, năm 2010 huyện Chương Mỹ có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội về việc xin cơ chế giải quyết vướng mắc trong công tác GPMB dự án này. Theo đó, ngày 14-6-2010, UBND thành phố đã có Văn bản số 4310/UBND-TNMT chấp thuận cho UBND huyện Chương Mỹ căn cứ Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29-9-2009 của UBND thành phố để lập, phê chuẩn phương án BT, HT và TĐC; tổ chức thực hiện công tác GPMB đối với 19 hộ còn lại.

Được biết, cùng với việc giải quyết đơn thư của công dân, sau khi có văn bản chỉ đạo của thành phố, huyện Chương Mỹ đã làm lại phương án BT, HT GPMB; lập dự án TĐC phục vụ dự án ĐTXD cầu Văn Phương. Tuy nhiên, theo thông tin người dân cung cấp, sau ba năm rưỡi kể từ ngày UBND thành phố ban hành Văn bản số 4310, đến nay công tác BT, HT GPMB và TĐC dự án ĐTXD cầu Văn Phương trên địa bàn huyện Chương Mỹ vẫn chưa hoàn thành, khiến người dân bức xúc. Dư luận đặt câu hỏi, nếu việc GPMB tiếp tục chậm tiến độ thì đến bao giờ người dân mới được an cư? Cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm khi công tác GPMB kéo dài quá lâu như vậy?

Thu Hằng (Hà Nội mới)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339