Hãng hàng không than khó tuyển nhân viên

Những tồn tại này được các doanh nghiệp chia sẻ tại Hội nghị đánh giá chất lượng đào tạo nguồn cán bộ và nhân viên trong ngành, được Cục Hàng không tổ chức sáng 23/1. Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Lại Xuân Thanh nhận định chất lượng nguồn nhân lực hiện chưa đáp ứng yêu cầu, một phần do hệ thống đào tạo còn bất cập về cả con người lẫn thiết bị.

nhan-vien-hang-khong-9494-1422007841.jpg

Đội ngũ tiếp viên của các hãng hiện nay chủ yếu do hãng tự đào tạo.

Hiện nay, cả nước có 13 cơ sở được Cục Hàng không Việt Nam cấp chứng nhận đủ điều kiện đào tạo huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không. Trong đó, Vietnam Airlines có 5 cơ sở, Tổng công ty Cảng và Tổng công ty quản lý bay có 7 cơ sở (chủ yếu đào tạo nghề cho doanh nghiệp), cùng với Công ty cổ phần Bay Việt. Ngoài ra, có 4 cơ sở được Cục phê duyệt khóa đào tạo là Học viện Hàng không, Vietjet, Jetstar Pacific và Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex. Bên cạnh đó, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và TP HCM cũng khoa đào tạo kỹ sư hàng không, mỗi năm cung cấp một lượng khá lớn nhân lực cho ngành.

Trong danh sách trên, Học viện Hàng không hiện là trường đào tạo lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, một đánh giá tại Hội nghị cho rằng chất lượng đào tạo của trường chưa đáp ứng được yêu cầu. “Các doanh nghiệp khi nhận học viên vào làm đều phải đào tạo lại, do đào tạo tại Học viện chỉ mang tính lý thuyết”, đại diện Cục Hàng không nhận định. 

Nói rộng ra về các cơ sở khác, Cục cũng chỉ ra nhiều bất cập như 90% giáo viên là kiêm nhiệm, với công việc chính là làm nhân viên hàng không và sắp xếp thêm thời gian để đi dạy, truyền đạt kinh nghiệm thực tế. Ngoài ra, vì nhiều lý do, nhất là vì lợi nhuận, một số cơ sở còn giảm bớt nội dung, thời lượng đào tạo so với khung chương trình được phê duyệt. Hiện nay, các cơ sở đào tạo bên ngoài hãng hàng không chưa đào tạo được tiếp viên, do đó các hãng đều phải tự tuyển dụng và huấn luyện.

Đứng trước tình trạng trên, các hãng hàng không đều cho biết không dễ để tìm được nhân viên, nhất là ở những vị trí đòi hỏi tay nghề cao. Kể cả khi hãng tuyển xong cũng có thể bị cạnh tranh nhân sự. Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Tâm, Phó tổng giám đốc Vietjet Air cho biết “con đường tuyển dụng nhân lực của hãng vô cùng khó khăn”. Ông đánh giá các vị trí phi công, kỹ sư trong nước mà họ tuyển vào chưa đáp ứng được nhu cầu. Ngoài kỹ năng nghề, các nhân sự này còn yếu những kỹ năng quan trọng khác như tiếng Anh, giải quyết vấn đề, phối hợp công việc.

Đại diện Vietjet còn cho biết vì nhân lực ngành yếu nhưng vẫn thiếu, họ luôn đứng trước rủi ro mất mát lực lượng lao động nếu có hãng hàng không mới ra đời. Đây cũng là nỗi lo của Jetstar Pacific. Đại diện doanh nghiệp này cho biết họ liên tục phải tuyển nhiều nhân viên mới do sự dịch chuyển nhân lực sang các hãng khác. Còn đại diện của Vietnam Airlines cho biết để ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám, Tổng công ty này cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng nhằm bảo đảm ổn định nguồn nhân lực.

Thanh Bình

0913.756.339