Hạ lãi suất cho vay, câu chuyện tại từng ngân hàng

Vietcombank: “phất cờ” hạ lãi suất cho vay 7%/năm

Từ ngày 18/11, Vietcombank giảm trần lãi suất cho vay bằng VND từ 8%/năm xuống 7%/năm, áp dụng đối với các đối tượng: hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, DN phát triển sản xuất chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm, nuôi và chế biến cá tra, tôm xuất khẩu theo quy định tại Công văn số 6082/NHNN-TD ngày 31/10/2014 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Đồng thời, Vietcombank điều chỉnh lãi suất cho vay bằng VND từ 8%/năm xuống 7%/năm đối với các đối tượng: cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo quy định tại Quyết định số 68/2013/QD-TTG ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 13/2014/TT-NHNN ngày 18/4/2014 của NHNN.

Trước đó, hưởng ứng lời “hiệu triệu” của NHNN, kể từ ngày 29/10, Vietcombank giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND áp dụng đối với 5 đối tượng (tam nông, DN vừa và nhỏ, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao) từ 8%/năm xuống 7%/năm.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh các tháng cuối năm 2014 hồi đầu tháng 10 vừa qua, ông Nghiêm Xuân Thành, khi đó là Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, đến tháng 9/2014, dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên chiếm khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính quý III/2014 của Vietcombank công bố trên HOSE, từng lĩnh vực cho vay chi tiết không thấy công bố.

Liên quan đến việc một số NHTM lớn hạ lãi suất huy động và hạ lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB nhận định, không ai có thể nắm được chi tiết danh mục cho vay của từng ngân hàng, trong đó bao nhiêu phần vốn cho vay dành cho nông nghiệp, nông thôn, nhưng cá nhân ông cho rằng, trừ Agribank hiện nay là NHTM nhà nước có chiến lược phục vụ trọng tâm các đối tượng này, với hệ thống chi nhánh đi tới các huyện, xã nông thôn, thì các ngân hàng khác có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn không cao.

“Điều chính yếu là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có nhu cầu vay các khoản nhỏ. Cho vay sản xuất công nghiệp, tài trợ xuất nhập khẩu, tài trợ dự án… mới có các khoản lớn”, ông Quang nói.

Agribank: Hạ lãi suất cho vay tiếp là “chết”

Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo Agribank cho biết, bằng Quyết định số 53/QĐ-NHNN ngày 15/11/2013, Thống đốc NHNN đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu Agribank giai đoạn 2013 – 2015. Theo đó, Ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, trong đó tái cấu trúc đối tượng đầu tư và thu hẹp hoạt động tại thành phố, thu hẹp một số đối tượng cho vay như bất động sản. Đặc biệt, một trong những nội dung chính của Đề án là tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp chế biến, DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

“Phấn đấu đến năm 2015, đạt tỷ lệ cho vay lĩnh vực này khoảng 80% dư nợ. Riêng dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân khoảng 70% dư nợ của Agribank”, vị lãnh đạo trên cho biết.

Tuy nhiên, vị này chia sẻ, vốn điều lệ không đủ để Ngân hàng đảm bảo an toàn hoạt động, cũng như mở rộng cho vay nông nghiệp, nông thôn. Agribank là NHTM 100% vốn Nhà nước duy nhất chưa có kế hoạch cổ phần hóa, tuy được Nhà nước quan tâm chỉ đạo chặt chẽ và cụ thể, nhưng vẫn khó tăng vốn điều lệ, thường xuyên “mấp mé” ranh giới vi phạm tỷ lệ an toàn, mặc dù thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng vẫn bị Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN “tuýt còi”… Được sự hỗ trợ của các bộ, ngành như Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài chính…, NHNN nhất trí cho Agribank được vận dụng linh hoạt, nhưng đâu phải địa phương nào cũng thông suốt, hơn nữa “linh hoạt” mãi là điều không thể…

“Nếu thiếu vốn, Agribank sẽ được NHNN cho vay tái cấp vốn với lãi suất thấp. Tuy nhiên, Ngân hàng thừa vốn nên không được vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi, trong khi vẫn phải huy động vốn để giữ chân khách hàng và song song với đó là giảm lãi suất cho vay. Hiện Agribank cho vay với lãi suất bình quân 9%/năm, nhưng thu lãi chỉ đạt 51,5% nên lãi suất cho vay thực tế rất thấp, khoảng 5,1%/năm, chênh lệch lãi suất là 0,08%/năm. Mức chênh lệch lãi suất quá ít, trong khi chi phí cao, huy động cao, cho vay nhóm nhỏ, món nhỏ… khiến nhiều cán bộ, nhân viên “oải”. Nếu kéo lãi suất cho vay xuống thấp nữa, Ngân hàng chỉ còn đi đến chỗ “chết”, vị lãnh đạo trên nói.

Lãi suất cho vay 9%/năm mới có lãi

Ông Đinh Đức Quang phân tích, cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng quốc doanh hoặc có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối rất khác so với các ngân hàng khác. Cụ thể, chi phí giá vốn tại các NHTMCP vừa và nhỏ là trên 6%/năm, phải cho vay với lãi suất 8 – 9%/năm mới có lãi. Ngoài ra, mỗi ngân hàng có những chiến lược kinh doanh, phân khúc khách hàng khác nhau, do vậy, việc quyết định huy động ở mức giá nào, cho vay với mức lãi suất nào sẽ khác nhau.

“Ví dụ, một ngân hàng đang có cơ cấu cho vay/huy động khá cân bằng, chủ yếu cho vay phân khúc khách hàng vừa và nhỏ, cho vay cá nhân và hộ kinh doanh nhỏ…, không tập trung đầu tư kinh doanh cho vay chứng khoán, bất động sản, thì không cần thiết phải hạ lãi suất huy động theo các ngân hàng lớn, có nguồn tiền gửi thanh toán không kỳ hạn dồi dào từ các tổ chức kinh tế”, ông Quang nói.

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng TMCP cho rằng, cơ cấu cho vay lãi suất thấp chủ yếu tại ngân hàng quốc doanh hoặc có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối do những ngân hàng này có nhiệm vụ chính trị cùng với lợi thế nguồn vốn. Còn các ngân hàng TMCP, với chi phí vốn hiện nay xấp xỉ 6%/năm, lãi suất cho vay khoảng 9%/năm là hợp lý.

Cần hỗ trợ từ cơ quan quản lý

Muốn giảm lãi suất cho vay, cần phải hạ giá vốn huy động, nhưng thực tế, các ngân hàng TMCP không còn dư địa để hạ. Các chuyên gia kinh tế gợi ý, NHNN có thể hỗ trợ hạ lãi suất cho vay thông qua việc sử dụng các công cụ kinh tế khác như dự trữ bắt buộc hiện đang ở mức 8%, có thể giảm xuống thấp hơn.

Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho biết, dự trữ bắt buộc thể hiện 3 điểm: an toàn hệ thống; công cụ tạo tiền của nền kinh tế và lợi ích kinh tế trực tiếp đối với các tổ chức tín dụng khi dự trữ bắt buộc càng nhiều, chi phí vốn càng cao. Do vậy, nếu NHNN muốn tiếp tục hạ lãi suất cho vay thì cũng nên cân nhắc việc hạ dự trữ bắt buộc, hài hòa với các chính sách tiền tệ khác.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, dự trữ bắt buộc giúp tăng thanh khoản, nhưng hiện thanh khoản trong hệ thống đang dồi dào, nên không cần hạ dự trữ bắt buộc trong toàn hệ thống. “Tuy nhiên, đối với một số ngân hàng nhỏ, mức dự trữ bắt buộc 8% là hơi cao, có thể hạ xuống 3% cho từng trường hợp đặc biệt”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Nhuệ Mẫn (ĐTCK)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339