Giấy đăng ký kinh doanh bỏ ghi ngành nghề

Quy định nêu trên được nhiều đại biểu đánh giá cao khi thảo luận về dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi chiều 10/11. “Dự án luật quy định không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận sẽ giảm đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh”, báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định.

Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, theo quy định của dự luật, doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ kê khai ngành, nghề dự kiến kinh doanh trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và thông báo với cơ quan đăng ký khi thay đổi ngành, nghề kinh doanh.

Bên cạnh quan điểm ủng hộ thay đổi, vẫn còn ý kiến đề nghị giữ quy định về ghi cụ thể ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận để phục vụ cho công tác hậu kiểm, thống kê và quản lý Nhà nước nói chung. Song theo cơ quan thường trực Quốc hội,  điều này khiến doanh nghiệp chỉ được quyền kinh doanh những ngành, nghề ghi trong giấy chứng nhận. Khi muốn bổ sung, thay đổi thì ngoài việc phải thực hiện đăng ký, doanh nghiệp còn phải tiến hành thủ tục bổ sung, điều chỉnh.

“Quy định này chỉ mang tính thủ tục hành chính, gây phiên hà không cần thiết và gây rủi ro cho doanh nghiệp”, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận định.

ha-sy-dong-8442-1415633444.jpg

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng cần có cơ chế xử lý vướng mắc khi không có con dấu doanh nghiệp. Ảnh: Báo Đại đoàn kết

Một nội dung khác cũng được cho là cải cách là quy định doanh nghiệp có quyền tự quyết về hình thức, số lượng và nội dung con dấu. Đồng ý cao với nội dung này, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) lưu ý cần đảm bảo con dấu thể hiện tên, mã số doanh nghiệp và có thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp.  

Tương tự, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng doanh nghiệp không chỉ ở một địa bàn mà còn nhiều nơi trong và ngoài nước. Vì vậy, quy định doanh nghiệp được có nhiều con dấu sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Dẫu vậy, ông Sơn vẫn chưa yên tâm với quy định xác định trách nhiệm của người quản lý con dấu.

“Con dấu của doanh nghiệp là vấn đề phức tạp và có nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng”, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) thận trọng. Do đó, theo ông Đồng, dự thảo cần có những quy định cụ thể để giải quyết những vướng mắc, đặc biệt là giá trị pháp lý của hợp đồng khi doanh nghiệp ký kết thông qua người đại diện nhưng không có con dấu, hoặc ngược lại, có con dấu nhưng người ký lại không đúng thẩm quyền.

Về quy định này, báo cáo tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, con dấu của doanh nghiệp được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận. Trường hợp giao dịch với các đối tác không sử dụng dấu thì doanh nghiệp Việt Nam cũng không bắt buộc sử dụng dấu mà các bên giao dịch xác định giá trị pháp lý văn bản, căn cứ vào chữ ký của người có thẩm quyền. 

Chí Hiếu – Hoàng Thùy

Để lại một bình luận

0913.756.339