Nhiều ngân hàng đang lâm tình cảnh “sống dở chết dở” khi mà nợ xấu của những dự án bất động sản không thể xử lý nổi, toàn người bán nhưng bán không ai mua.
Giá bất động sản cũng khó hy vọng xuống hơn được nữa vì có nhiều chi phí không tính được, không thể công khai được và người tiêu dùng vẫn phải gánh chịu.
Đồng quan điểm trên, một số chuyên gia khuyến nghị, để khôi phục thị trường bất động sản cần phải giải quyết vấn đề nợ xấu bằng cách tăng quyền lực cho Công ty quản lý tài sản (VAMC), tăng “tiền tươi” để mua dứt điểm nợ xấu; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đất đai, đồng thời cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nhà ở tại Việt Nam.
Nhận định về tình hình chung của thị trường, thạc sỹ Hồ Bá Tình, chuyên gia kinh tế độc lập của Công ty cổ phần Tài Việt phân tích, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển qua ba giai đoạn với những diễn biến thăng trầm khác nhau nhưng có điểm chung là tăng trưởng nóng, tạo cơn sốt để rồi sau đó suy giảm dần và đóng băng.
Cụ thể, thị trường tạo cơn sốt năm 1993-1994 nhưng đóng băng từ năm 1995-1999; bùng nổ năm 2001-2002 và “nguội lạnh” từ cuối năm 2002 đến năm 2006.
Từ năm 2007-2008, thị trường nhà đất lại “sốt” nhưng nhanh chóng suy giảm sau đó, đến nay mới có dấu hiệu hồi phục.
Theo bà Dương Thùy Dung, Phó Giám đốc kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu và Tư vấn, Công ty CBRE Việt Nam, các chủ đầu tư đã có niềm tin hơn để tung ra thị trường các sản phẩm bất động sản vì sức tiêu thụ đã đạt mức 58% đặc biệt là phân khúc bình dân đạt 60%.
Trong chín tháng qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có gần 8.400 căn chào bán, vượt cả năm 2013 và 2012, trong số đó gần 50% đã được tiêu thụ.
Một số dự án chậm triển khai, bị “ngâm” trong thời gian dài nay đang được khẩn trương triển khai như dự án Metropolis Thảo Điền (quận 2) với quy mô gần 3.000 căn, Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh) với 10.000 căn…
“Hoạt động mở bán vẫn còn nhộn nhịp, nhiều khuyến mãi hơn, chính sách trả chậm được áp dụng phổ biến; lòng tin người tiêu dùng về thị trường bất động sản đang dần hồi phục; lãi suất cho vay của ngân hàng giảm dần; trong khi một số công trình giao thông trọng điểm đang triển khai khiến thị trường bất động sản trở nên hấp dẫn hơn” – bà Dương Thùy Dung cho biết thêm.
Dưới góc độ nhà quản lý, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để thị trường bất động sản phục hồi cần thiết phải có sự nỗ lực của nhiều phía, trong đó có nhà đầu tư, khách hàng và cơ quan quản lý. Đồng thời, có các giải pháp lâu dài cũng như trước mắt từ công cụ tài chính, cơ chế của Nhà nước và nhà đầu tư.
Đối với nhà đầu tư, khi thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi phải nắm bắt cơ hội, đưa ra chiến lược phù hợp dựa trên chính sách chăm sóc khách hàng và các quy định của Nhà nước.
Về tình hình các dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tuấn cho biết hiện thành phố có hơn 1.400 dự án phát triển nhà ở, trong đó dự án hoàn thành chỉ chiếm 3,36%, gần 49% dự án đang gặp khó khăn.
Từ đầu năm 2014 đến nay có khoảng 5.700 căn hộ đã được bán, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2013, chủ yếu là căn hộ dưới 70m2./.
Trần Xuân Tình (TTXVN)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.