Mô hình kinh doanh của Uber hội đủ các yếu tố thành công trong thời đại Internet: tận dụng nguồn lực sẵn có, tiện ích kết nối của điện thoại di động, cắt bỏ các lớp chi phí trung gian…, và điều quan trọng nhất là với số tiền đầu tư có được, Uber dư sức giữ giá cước thấp hơn các đối thủ truyền thống 20-35% trên bất cứ thị trường nào. Chỉ trong một thời gian ngắn, Uber đã trở thành đối thủ cạnh tranh đầy tiềm lực, có tất cả các giá trị mơ ước như nhãn hiệu, tài chính, công nghệ, xu hướng thị trường…
Chất lượng dịch vụ Uber hiện nay đang tỏ ra vượt trội so với taxi truyền thống nhờ công cụ đánh giá chất lượng trực tiếp trên điện thoại di động và cách thức thưởng phạt lái xe dựa trên kết quả đánh giá của khách hàng.
Uber chưa tung ra hết các con bài chủ lực và thị trường cũng có thể chưa đánh giá hết tiềm năng của mô hình này. Tại một số thị trường, Uber đã giới thiệu sản phẩm “X Car” giá cạnh tranh hơn, với các tài xế là những người không chuyên như sinh viên, công nhân và nhân viên văn phòng đi làm thêm bằng việc sử dụng “xe nhà”. Tại Washington D.C, Uber đã triển khai giao nhận cho khoảng 60 loại hàng hoá thông dụng. Một số chuyên gia cũng dự đoán Uber sẽ tấn công thị trường vận tải hàng hoá và mở rộng loại phương tiện đến xe tải, xe gắn máy, xe đạp…
Uber đang có tất cả các giá trị mơ ước như nhãn hiệu, tài chính, công nghệ, xu hướng thị trường… |
Karun Arya – Giám đốc truyền thông khu vực Nam Á giải thích với truyền thông rằng tại Việt Nam, Uber chỉ là một công ty công nghệ, còn theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Hồng Trường thì đây là sơ khai của sàn giao dịch vận tải.
Những lời giải thích này chưa thể hiện đúng bản chất của mô hình Uber hiện tại. Người tiêu dùng chỉ biết Uber là nhà cung cấp dịch vụ chứ không phải các đối tác. Ứng dụng này không cung cấp bất cứ thông tin nào về đối tác để khách hàng chọn lựa như khi đặt phòng khách sạn hoặc mua vé máy bay. Ngoài ra, tất cả các lái xe khi trao đổi thông tin với khách hàng đều giới thiệu họ là lái xe của Uber chứ không hề giới thiệu họ đang lái xe hoặc đại diện cho một đối tác nào khác. Hơn nữa, đối tác cung cấp dịch vụ chỉ phục vụ cho Uber chứ không thể cùng lúc cung cấp dịch vụ cho một bên thứ ba khác như các trang web giữ chỗ khách sạn, hàng không và một sản phẩm tương tự như Grabtaxi.
Trong khi đó, nhãn quan của các nhà đầu tư mới phản ánh chính xác bản chất và tiềm năng của Uber. Mặc dù có nhiều đối thủ cạnh tranh vì công nghệ tương đối đơn giản, nhưng chiến lược tiếp cận thị trường và khả năng độc chiếm thị trường (tương tự như Facebook) mới chính là yếu tố quan trọng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà đầu tư. Trong tuần qua, Uber đã có được khoản đầu tư mới 1,2 tỷ USD, nâng tổng giá trị đầu tư lên 2,7 tỷ USD với giá trị thị trường lên đến 40 tỷ đô la Mỹ (Expedia, nhãn hiệu giữ chỗ trực tuyến ra đời 15 năm, hiện chỉ có giá trị vốn hoá khoảng 11,5 tỷ USD). Với số tiền này, Uber trở thành công ty “khởi nghiệp” nhận được số tiền đầu tư mạo hiểm lớn nhất trong lịch sử thung lũng Silicon. Khó mà tin rằng số tiền này chỉ phục vụ cho phát triển công nghệ để mở rộng thị trường. Chỉ cần 10% số tiền này là Uber có thể làm đòn bẩy để phát triển mạng lưới 100.000 chiếc taxi Uber tại Ấn Độ hoặc 1% là dư sức trợ giá để tiêu diệt các nhà cung cấp dịch vụ taxi tại Việt Nam.
Như vậy, Uber không đơn giản là một công ty công nghệ mà là một gã khổng lồ có thực và không sớm thì muộn cũng sẽ là công ty vận tải lớn nhất thế giới. Uber có những chiến lược phát triển khác nhau cho từng thị trường cụ thể, từ kỹ thuật trợ giá đơn giản đến sở hữu luôn phương tiện vận chuyển để tận dụng cơ hội độc chiếm thị trường.
Trước đây vài năm các doanh nghiệp công nghệ trong nước từng đề nghị ứng dụng tương tự như Uber, nhưng các hãng taxi không mặn mà vì họ cho rằng việc ứng dụng công nghệ sẽ tốn thêm chi phí thiết bị đầu cuối cho lái xe, hệ thống phần cứng cho trung tâm và phải huấn luyện cho nhân viên… Ngay cả khi các công ty công nghệ đồng ý đầu tư toàn bộ thì cũng không thắng được suy nghĩ của các hãng taxi rằng cũng chẳng thay đổi được cục diện thị trường của “ao làng”, vì họ đang chiếm lĩnh thị trường. Như vậy, không thể nói là doanh nghiệp trong nước không có khả năng tài chính và nguồn lực để ứng dụng công nghệ. Vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp vận tải là trình độ quản lý và tầm nhìn.
Để cạnh tranh, các doanh nghiệp địa phương cần phải tập trung đánh giá lại thị trường và xác định điểm mạnh điểm yếu của mình để đưa ra một chiến lược cạnh tranh thích hợp. Trước mắt, cần nâng cấp công nghệ kiểu như Uber. Đây là một trong những phần mềm đơn giản, dễ phát triển và tương đối rẻ tiền. Nếu tập trung nguồn lực khoảng 3 tháng thì có thể hoàn thành việc phát triển, xây dựng hệ thống và hoàn thành thử nghiệm.
Tiếp đó cần củng cố mạng lưới taxi hiện có. Hiện các doanh nghiệp taxi vẫn còn nhiều thế mạnh đó là mạng lưới rộng khắp, chiếm hữu vật lý những bến đỗ chiến lược và thị trường tiền mặt. Trong hoàn cảnh hiện tại và ít nhất trong 5 năm nữa, Uber khó có thể cạnh tranh trong phân khúc này nếu các doanh nghiệp địa phương nâng cao chất lượng dịch vụ và cắt giảm giá thành.
Cần xây dựng phân khúc hạng sang với việc đầu tư một số lượng xe sedan cỡ trung sẽ tạm thời phân tán sự chọn lựa của khách hàng, làm chậm sự phát triển của Uber và có thể nhanh chóng giành lại thị trường trong trường hợp Uber không thể vượt qua được rào cản pháp lý và kỹ thuật trong khoảng thời gian trước mắt. Chấp nhận giá cạnh tranh như là một phần của chương trình khuyến mãi và xây dựng nhãn hiệu cạnh tranh trong chính phân khúc “Black Car” (xe sang) của Uber. Đây cũng là hình mẫu để các công ty taxi nâng cấp chất lượng dịch vụ khách hàng và nhân rộng ra toàn hệ thống.
Tiếp tục cắt giảm giá vốn. Về cấu trúc giá vốn thì ngoài các chi phí gần tương đương nhau như lương tài xế, nhiên liệu…, dễ dàng nhận thấy Uber sẽ cao hơn ở giá vốn phương tiện vận chuyển vì đang sử dụng nhiều mẫu xe khác nhau , cộng với không mua được số lượng lớn như các hãng taxi. Hơn nữa, với hơn 200 đối tác và nhiều chủng loại xe thì chắc chắn chi phí bảo dưỡng của Uber cũng sẽ cao hơn.
Tiếp tục đấu tranh pháp lý. Đây là một phần quan trọng trong điều hành doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp chịu sự điều tiết của các điều luật địa phương. Có một điều chắc chắn là Uber và các đối tác đang vận hành không có giấy phép taxi, và như vậy là phạm luật. Do đó, để có thể làm chậm lại sự phát triển của Uber, nên xem kỹ hợp đồng giữa Uber với các đối tác địa phương. Nếu hợp đồng mua bán dịch vụ thì Uber đang hoạt động không đúng với đăng ký là công ty công nghệ và chắc chắn Uber đang bán dưới giá vốn, như vậy có vi phạm luật cạnh tranh hay không? Chứng minh với cơ quan quản lý rằng Uber không phải là một công ty công nghệ đơn thuần. Từ đó ràng buộc Uber phải được thành lập và tuân theo những quy định như một công ty vận tải công cộng trước khi cung cấp dịch vụ ra thị trường.
Ngoài ra hàng loạt các rào cản kỹ thuật khác cũng góp phần đáng kể làm chậm tiến trình phát triển của Uber như phải có đồng hồ tính cước đã được kiểm định, cung cấp đầy đủ hoá đơn VAT, điều kiện hành nghề của lái xe, bảng hiệu của nhà cung cấp dịch vụ…
Chính phủ cần có câu trả lời dứt khoát với Uber rằng họ phải tuân thủ pháp luật khi bước vào thị trường chứ không có chuyện “tiền trảm hậu tấu”. Phải phạt thật nặng hoặc cấm vào thị trường nếu tiếp tục vi phạm. Chắc chắn Uber sẽ vẫn tiếp tục tiếp cận thị trường bằng mọi giá. Chúng ta không lo họ bỏ đi làm thị trường sẽ mất tính cạnh tranh, vì ngay lập tức sẽ có các doanh nghiệp địa phương thay thế được mô hình dịch vụ này.
Đối với các doanh nghiệp taxi nhỏ, nên tập hợp lại để một mặt làm tăng sức mạnh rào cản pháp lý, một mặt thương lượng bán lại cho Uber. Uber phải trả một giá nhất định sòng phẳng để bước vào thị trường một cách chính danh.
Phạm Khắc Tân
Chuyên gia thương hiệu