Từ ngày 8-10/10, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20) đã tới Washington (Mỹ) để tham gia các phiên họp thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank). Theo ông Siluanov, vấn đề khủng hoảng Ukraine không nằm trong chương trình nghị sự chính thức.
“Trong các phiên họp bên lề, các nước đều nói về mong muốn giải quyết tình trạng tại miền đông Ukraine càng sớm càng tốt, đồng thời gỡ bỏ các lệnh trừng phạt rõ ràng đang cản đường doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả hai bên”, ông cho biết trên Ria Novosti.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov. Ảnh: G20 Russia |
Theo ông Siluanov, tất cả các nước tham gia đều tỏ rõ sự mất kiên nhẫn về việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt đã áp lên Nga nhiều tháng qua. Phương Tây muốn đánh vào kinh tế Nga để buộc nước này chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, Moscow cũng nhiều lần cảnh báo phương Tây cũng sẽ bị gậy ông đập lưng ông vì các biện pháp này.
“Chẳng ai cần các lệnh trừng phạt này cả. Nó đi ngược lại mục tiêu phát triển kinh tế của tất cả chúng ta”, ông cho biết.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea, nước này đã phải hứng chịu hàng loạt đòn trừng phạt từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản lên ngành tài chính, năng lượng và quốc phòng nước này. Nga cũng đáp trả bằng việc cấm nhập khẩu thực phẩm từ phương Tây.
Hậu quả của những động thái này là Nga bị rút vốn ào ạt, đồng rouble mất giá 18% từ đầu năm và lạm phát cũng lên cao nhất từ 2011. Các doanh nghiệp phương Tây đang hoạt động tại Nga cũng chẳng khá hơn, nhưMcDonald’s đã phải tạm đóng nhiều cửa hàng để điều tra an toàn thực phẩm, hay doanh thu đại gia hàng tiêu dùng Unilever tại Nga chỉ tăng trưởng một chữ số, thay vì 2 như trước đây.
Hà Thu