Chủ thương hiệu áo cưới lamnhistudio Vũ Thị Mai Anh. Ảnh: NVCC.
Trước đây, trong quá trình ôn thi ba năm, tôi đã trải qua nhiều công việc như bán hàng, chạy bàn quán cafe, vẽ ký họa chợ đêm, vẽ tranh tường… Nói chung là cái gì làm cũng được vì bản tính tôi không ngại việc.
Bố mẹ tôi là tiểu thương buôn bán ở chợ Đồng Xuân, công việc khá vất vả phải dậy từ sớm và kết thúc một ngày khá muộn. Dù bản tính nghệ sỹ bay bổng nhưng tôi vẫn nghe lời khi mẹ đề nghị ra chợ bán hàng cùng. Khi va chạm với cuộc sống buôn bán kinh doanh, tôi hiểu thế nào là “thương trường như chiến trường”.
Sau cú sốc liên tiếp thi trượt đại học , rồi lại lao vào làm một công việc nặng nhọc với cường độ cao trong môi trường khắc nghiệt khiến tôi bị trầm cảm, lúc nào mặt cũng buồn rười rượi, không muốn nói chuyện với ai và rất hay tủi thân, khóc một mình. Đã có nhiều lúc tôi xuất hiện ý nghĩ tiêu cực muốn ngủ một giấc và không tỉnh dậy nữa.
Nhưng rồi sau một thời gian, nhìn thấy và trải qua sự vất vả tôi càng thương bố mẹ đã làm lụng bươn chải để cho con cái có điều kiện ăn học tốt nhất, nhưng cuối cùng lại chẳng ra gì. Lúc đó tôi bắt đầu tỉnh tâm dần và quyết chí phải vươn lên.
Đặc biệt là một chiều tối mùa đông lạnh, sau một ngày vất vả làm việc, tôi chở 2 bao hàng cồng kềnh về nhà. Trên đường đi, bỗng nhiên trời mưa như trút dù rất nhanh chóng nhưng 2 bao hàng quá cồng kềnh khiến tôi rất khó khăn trong việc dừng lại để mặc áo mưa. Và khi chiếc áo được mặc vào thì người cũng ướt nhẹp. Sau đó, xe máy của tôi lại còn chết máy khiến tôi phải dắt bộ suốt một đoạn dài trong cái đói, cái mệt và cái lạnh.
Bạn khởi nghiệp thành công hoặc gặp khó khăn trong kinh doanh, hãy chia sẻ kinh nghiệm của mình tại đây hoặc email về kinhdoanh@vnexpress.net.
Hình ảnh con bé gầy đen, mặc áo mưa mà người vẫn ướt nhẹp đẩy chiếc xe máy hỏng đang đèo hai bao hàng to, cứ khóc thút thít vì tủi thân khiến tôi càng thương thân tủi phận. Tôi tự nhủ với bản thân mình phải vươn lên và không cho phép tiếp tục cuộc sống như thế này thêm nữa.
Tôi bắt đầu xin đi học thiết kế đồ họa vào buổi tối với mong muốn được làm một công việc có tính chuyên môn cao hơn và đúng sở trường. Trong quá trình học, tôi phát hiện được khả năng chỉnh sửa ảnh của mình khá tốt và tự mày mò đi xin làm tại các ảnh viện. Nhưng tính chất công nghiệp tại nơi này làm tôi không thấy hứng thú với công việc. Sau đó, tôi được giới thiệu vào một nơi khác có tính nghệ thuật cao hơn, có thể tạo điều kiện cho tôi làm ra những sản phẩm chất lượng đúng như mình mong muốn. Từ chỗ được công nhận, tôi làm việc hăng say không mệt mỏi.
Công việc hiệu quả, sản phẩm được đón nhận, tôi được bạn bè, hàng xóm nhờ chụp ảnh rất nhiều. Do đó, từ một thợ photoshop chỉnh sửa ảnh, tôi đầu tư mua máy ảnh và trở thành thợ chụp hình cho đám cưới, sinh nhật, đầy tháng, ảnh trẻ em…
Với những người nhờ chụp ảnh cưới, tôi phải đi thuê váy lẻ bên ngoài và trong quá trình này bất chợt nhận thấy thị trường váy cưới tuy nhiều thương hiệu nhưng dịch vụ và sản phẩm lại chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Tôi quyết đầu tư nhập váy cưới về làm trọn gói. Số vốn ban đầu tôi vay mẹ là 100 triệu đồng để nhập váy cưới và các trang thiết bị liên quan.
Vốn hạn hẹp nên không có tiền thuê cửa hàng và tôi quyết định làm tại nhà – trong căn phòng riêng hơn 10m2 của mình. Tôi trang trí, thiết kế, chụp ảnh sản phẩm…đều tự tay làm hết để tiết kiệm đồng thời chọn kênh online để quảng quá thương hiệu. Dù trong ngõ ngách nhưng nhờ sản phẩm chất lượng, giá mềm nên tôi vẫn có khách đều. Sau vài tháng, tôi đã lấy lại được vốn.
Sau một thời gian, những chiếc váy nhập sẵn đã không còn làm tôi hài lòng nên bắt đầu tự sản xuất. Tôi chọn thợ tay nghề phổ thông và cùng ngồi làm với họ để ra được sản phẩm sát ý mình nhất. Mê mẩn váy cưới, tôi bỏ luôn chụp ảnh vì không đủ sức làm quá nhiều việc.
Sau 2 năm, sản phẩm ngày càng nhiều nên tôi phải tìm thuê địa điểm mới. Tuy nhiên, để tiết kiệm tiền tôi thuê căn phòng 40m2 trên tầng 4 của một ngôi nhà nhiều tầng mặt phố. Quãng thời gian này khá đông khách vì sản phẩm được tôi may theo thiết kế và nhu cầu của họ, lại với giá cạnh tranh.
Thế nhưng, chỉ được một năm thì chủ nhà không cho thuê nữa. Năm 2013, tôi phải chạy đi tìm chỗ mới, trong lúc thời gian quá gấp cộng với việc nghĩ rằng đang phát triển tốt nên tôi đánh bạo thuê mặt bằng lớn hơn với diện tích 100m2 trong một tòa nhà văn phòng.
Và rồi, khó khăn bắt đầu ập đến khi địa điểm mới quá xa nơi cũ khiến tôi bị mất khá nhiều khách, cộng với chi phí mặt bằng cao nên thu không đủ chi. Sau 5 tháng, tôi lại chuyển địa điểm mới gần trung tâm hơn. Và như vậy, chỉ trong một năm, tôi chuyển văn phòng đến hai lần nên tốn khá nhiều tiền thuê nhà, chi phí vận chuyển, trang trí thiết kế… khiến số tiền tiết kiệm được bấy lâu nay đã hết sạch.
Ngồi lại và suy nghĩ, nếu cứ làm theo cách cũ thì sẽ không có được kết quả, tôi định hướng sẽ không cạnh tranh về giá nữa và quyết định đầu tư sản phẩm chất lượng khác biệt và mới lạ để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tôi cầu kỳ trong từng đường nét, làm việc bất kỳ lúc nào ngay cả đêm khuya bất chợt có ý tưởng và tỉnh dậy có thể ngồi làm đến sáng sớm. Nhiều lúc tôi cảm thấy mỗi lần làm xong một chiếc váy là giảm thọ đến vài năm tuổi vì tập trung cao độ trong nhiều giờ không nghỉ.
Trời không phụ lòng người, sau khoảng hai năm không mệt mỏi, tôi đã cho ra mắt những sản phẩm làm hài lòng những cô dâu khó tính nhất. Trước đây, một sản phẩm của tôi cho thuê chỉ được một hoặc hai triệu đồng, cao nhất là bốn triệu đồng, còn bán thì có giá gấp đôi. Trong khi đó, với dòng váy cưới mới này giá trị đã lên đến con số chục triệu một lần thuê và giá bán thì 20-30 triệu đồng một chiếc giúp doanh thu mỗi tháng lên tới hàng trăm triệu đồng.
Điều không ngờ là những cô dâu Việt kiều ở nước ngoài về cũng biết và tìm đến đặt may. Không những vậy, họ còn mở ra cho tôi một hướng đi mới là bán sản phẩm ra thế giới. Vì theo những người này, váy cưới nơi họ sinh sống giá tầm 1.000 – 2.000 USD nhưng rất xấu, chỉ những váy từ 4.000- 5.000 USD trở lên mới đẹp. Do vậy, những chiếc váy của tôi rất có tiềm năng phát triển ở môi trường đó. Hiện tại tôi đang tìm hiểu thị trường và lên phương án để đưa sản phẩm của mình ra nước ngoài.
Qua câu chuyện của mình, tôi muốn gửi một lời chia sẻ rằng, để thành công trong kinh doanh thì thứ duy nhất mà bạn cần quan tâm là tạo ra sản phẩm chất lượng và khác biệt. Còn làm cách nào để tạo ra được sản phẩm khác biệt, mới lạ và được yêu thích thì còn tùy thuộc vào kỹ năng, gu thẩm mỹ, trực giác và độ tinh nhạy của mỗi người. Những điều này thì bạn cần có nhiều thời gian trui rèn và phải làm việc không mệt mỏi.
Vũ Thị Mai Anh