Được mua nhiều nhà sở hữu nhà nước

Phóng viên: Thưa ông, những điểm mới của Nghị định 34 so với Nghị định 61 của Chính phủ là gì?

– Ông Đỗ Phi Hùng: Một trong những điểm mới của Nghị định 34 (ban hành ngày 22-4-2013) so với Nghị định 61 (ban hành ngày 5-7-1994) là không hạn chế số nhà ở, căn hộ thuộc sở hữu nhà nước (SHNN) được giải quyết mua. Nghĩa là một người được nhà nước bố trí sử dụng nhiều nhà ở, nhiều căn hộ thì được giải quyết mua hết nếu người đó có đề nghị. Tuy nhiên, người xin mua nhà SHNN phải mua theo cơ chế của Nghị định 34 (giá bán là giá đất hằng năm tại thời điểm bán) mà không phải theo cơ chế giá thị trường nhưng lưu ý người mua nhà chỉ được hưởng chính sách (gia đình thuộc diện thương binh, liệt sĩ…) miễn giảm một lần cho một căn nhà hay căn hộ. Thứ hai, người được xét mua nhà SHNN theo Nghị định 34 không cần phải có hộ khẩu thường trú tại TP HCM. Thứ ba, nhà ở thuộc SHNN nằm trong lộ giới mở rộng mà chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan chức năng thì vẫn được giải quyết bán.

Ông có thể nói rõ quy định về giá bán nhà SHNN theo Nghị định 34?

– Có 3 thời điểm tương ứng với giá bán nhà SHNN mà Nghị định 34 nêu rõ:

+ Nếu nhà ở được bố trí sử dụng từ sau ngày 27-11-1992 (ngày Chính phủ ban hành Quyết định 118 bãi bỏ chế độ phân phối nhà ở và đưa nhà ở vào lương) đến ngày 5-7-1994 (ngày ban hành Nghị định 61) thì giá bán bằng 40% giá đất hằng năm đối với phần diện tích trong định mức.

+ Nếu nhà ở được bố trí sử dụng sau ngày 5-7-1994 đến trước ngày 19-1-2007 (ngày Chính phủ ban hành Quyết định 09 về sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc SHNN) thì giá bán là 100% giá đất hằng năm

+ Riêng nhà ở được bố trí sử dụng từ ngày 19-1-2007 trở về sau, Nghị định 34 chưa có quy định cụ thể giá bán nên chúng tôi đang xin ý kiến của Bộ Xây dựng.

Nhìn chung, giá bán theo Nghị định 34 cao hơn giá bán nhà SHNN theo Nghị định 61.

Vậy những trường hợp xin mua nhà SHNN nộp hồ sơ trước thời điểm có hiệu lực của Nghị định 34 sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?

– Những người đã nộp đơn mua nhà SHNN trước ngày 6-6-2013, ngày Nghị định 34 có hiệu lực và được bố trí nhà ở trước ngày 27-11-1992 nhưng chưa được giải quyết mua nhà thì tiếp tục được giải quyết mua nhà từ nay đến cuối năm theo tinh thần của Nghị định 34. Qua thống kê số lượng nhà ở diện này còn không nhiều. Để tránh trường hợp “chạy” Nghị định 61, Sở Xây dựng đã yêu cầu tất cả UBND quận – huyện báo cáo những hồ sơ nộp xin mua nhà SHNN trước ngày 6-6-2013.

Qua thống kê quỹ nhà ở, căn hộ SHNN còn lại của TP HCM là 1.770 căn (bao gồm những trường hợp chưa bán theo Nghị định 61, nhà biệt thự thuộc diện bán, nhà ở chưa giải quyết bán). Do đó, các công ty quản lý vận hành sẽ tiếp tục trình hồ sơ những trường hợp này cho hội đồng xác định giá bán nhà ở thuộc SHNN bán theo cơ chế của Nghị định 34.

Công tác quản lý nhà SHNN không khỏi quá tải khi quy về đầu mối là Sở Xây dựng và những vướng mắc gặp phải khi thực hiện Nghị định 34 là gì?

– Trường hợp nhà ở được bố trí sử dụng từ ngày 19-1-2007 trở về sau, Nghị định 34 chưa có quy định cụ thể giá bán; đồng thời cũng chưa có quy định cho thuê ra sao nên Sở Xây dựng đang xin ý kiến của Bộ Xây dựng để có hướng giải quyết. Chúng tôi cũng gặp vướng mắc về xác định thời điểm bố trí sử dụng đối với trường hợp chuyển quyền sang thuê bởi đây là yếu tố quan trọng để xác định giá bán. Nghị định 34 cũng không quy định rõ thuế GTGT trong biểu giá cho thuê nhà thuộc SHNN nên Sở Xây dựng kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn cụ thể.

Ngoài ra, Nghị định 34 không quy định kinh phí bán nhà được để lại cho các công ty công ích trong khi Nghị định 61 trước đây quy định là 2%. Do đó, Sở Xây dựng sẽ kiến nghị UBND TP xem xét cho các công ty dịch vụ công ích được báo cáo kinh phí phục vụ hoạt động bán nhà để TP chi trả lại.

Theo Nghị định 34, cơ quan quản lý nhà ở thuộc SHNN là Sở Xây dựng. Do đó, chúng tôi sẽ làm công việc mà trước đây UBND các quận – huyện làm nên sẽ kiến nghị UBND TP cho tăng cường nhân sự, biên chế Phòng Quản lý nhà ở và Công sản; đồng thời thành lập Trung tâm Quản lý nhà ở thuộc SHNN.

Để lại một bình luận

0913.756.339