Doanh nghiệp vận tải: Rất chật vật mỗi lần giá xăng giảm

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM cho hay, sau khi giá xăng giảm mạnh, các doanh nghiệp đang tính toán mức giảm giá cước taxi, ở ngưỡng giảm khoảng 500 đồng một km, tương đương với mức mà các doanh nghiệp đã giảm mới đây.

Còn ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh thì khẳng định, Mai Linh sẽ giảm giá cước từ 500 đến 1.000 đồng mỗi km. Tuy nhiên, thời điểm giảm còn phải thống nhất với Hiệp hội taxi TP HCM. Trước đó, hôm 14/11, doanh nghiệp này cũng đã điều chỉnh giảm giá từ 500 đến 2.000 đồng một km với tùy từng khu vực và loại xe.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết mỗi lần xăng giảm giá là họ vô cùng chật vật vì phải tốn rất nhiều chi phí. Cụ thể, toàn bộ taxi trên địa bàn sẽ phải ngưng hoạt động để xếp hàng cho cơ quan chức năng kiểm tra đồng hồ tính tiền xong mới tiến hành lập trình lại. Sau lập trình, nhà chức trách đến kiểm tra lần nữa mới cho vận hành. Với số lượng xe lớn như vậy, mỗi lần kiểm định nhiều hãng phải mất vài trăm triệu đồng.

Ông Hỷ cũng cho biết, đối với Taxi Vinasun, từ đầu năm đến nay đã giảm 2 lần giá cước, nhưng công ty vẫn đang tính toán lại để điều chỉnh lần thứ 3 dù phải tốn thêm chi phí kiểm định.

Taxi-2-final-7764-1419394649.jpg

Nhiều doanh nghiệp taxi cam kết sẽ giảm giá cước. Ảnh: QH

Riêng đối các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, do đặc thù riêng nên việc giảm giá cước sẽ không diễn ra đồng loạt, tùy vào tính toán của từng đơn vị.

Ông Huỳnh Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Phú Mỹ cho biết, từ đầu năm đến nay công ty đã giảm 2 lần. Sau thông tin giá xăng dầu giảm kỷ lục, công ty dự kiến đầu tháng 1/2015 sẽ chính thức điều chỉnh lần thứ ba, giảm khoảng 3%.

“Mặc dù nhiên liệu sử dụng chủ yếu là dầu, giá dầu giảm không nhiều như xăng nhưng tính từ đầu năm đến nay chúng tôi đã giảm 10% giá cước”, ông Thịnh nói.

Đại diện Công ty TNHH hậu cần Thịnh Ánh Dương (TP HCM) thì cho biết công ty sẽ chỉ giảm giá cước trên một số tuyến đường vận chuyển không phát sinh chi phí. Bởi, mặc dù xăng dầu giảm, nhưng các chi phí khác lại tăng nên doanh nghiệp không thể giảm giá cước. Thời điểm giảm cước là sau 5 đến 10 ngày kể từ thời điểm giá xăng dầu giảm.

Trong khi đó, khá nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết do họ vừa mới giảm giá cước đợt trước, nên giá xăng giảm đợt này dù khá cao nhưng tạm thời chưa giảm.

Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM cho rằng, đa phần giá cước vận tải là do các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng thỏa thuận với nhau và doanh nghiệp không báo cáo, nên hiệp hội không nắm được.

“Tuy nhiên, giá cước tăng giảm đều do thị trường điều tiết, nếu xăng giảm nhiều mà doanh nghiệp vận tải không giảm giá cước thì họ sẽ mất khách hàng”, ông Chung nói.

Ở lĩnh vực vận tải hành khách liên tỉnh, một số doanh nghiệp tại TP HCM cho biết sẽ điều chỉnh giá vé cũng như cước hàng hóa về một mức phù hợp để áp dụng luôn cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tránh làm biến động giá nhiều lần vào dịp giáp tết.

Liên quan đến giá cước vận tải, cuối ngày 23/12, một ngày sau quyết định giảm giá xăng kỷ lục, Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải xe ôtô. 

Từ đầu năm tới ngày 22/12, giá xăng đã giảm 6.330 đồng một lít, giá dầu giảm 5.970 đồng. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính đến nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải ôtô chưa thực hiện kê khai giảm cước theo xu hướng giá nhiên liệu.

Do đó, cơ quan này đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Tài chính, các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về kinh doanh vận tải ôtô và kê khai giá cước tại địa phương. Đối với các đơn vị chưa thực hiện, cần có văn bản yêu cầu tính toán lại giá thành và kê khai giảm giá cước phù hợp với biến động của giá nhiên liệu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đối với trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị không thực hiện kê khai giảm giá cước theo xu hưởng giảm giá nhiên liệu, sẽ xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 109/2013. Theo văn bản này, vi phạm về đăng ký, kê khai giá có thể chịu mức phạt từ 5 đến 30 triệu đồng. Đồng thời, số tiền chênh lệch giá do vi phạm sẽ phải nộp vào ngân sách. 

Đây không phải lần đầu tiên ngành tài chính có văn bản đề nghị ngành giao thông vận tải và địa phương phối hợp trong việc quản lý giá cước vận tải. Từ đầu tháng 11, khi giá xăng nhiều lần được điều chỉnh giảm nhưng cước vận tải vẫn đứng yên, Bộ Tài chính đã có một số văn bản có nội dung tương tự. Thậm chí, cơ quan này còn lập ba đoàn thanh tra giá cước để làm việc với 3 địa phương Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng. Sau đó, một số doanh nghiệp đã giảm giá cước từ 2 đến 11%.

Thi Hà

Để lại một bình luận

0913.756.339