Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Công trình 557, ông Thân Quý Phái, cho biết do công ty ông có nhu cầu tìm mua lại dự án bất động sản (BĐS) để phát triển với nguồn vốn khá lớn nên liên tục mấy tuần nay, nhiều nhà môi giới đã tìm đến để giới thiệu hàng chục dự án tại TP HCM.
Tìm hiểu kỹ về pháp lý
“Trong số này, chúng tôi chú ý dự án ở đường Tân Thành (quận 6), dự án ở đường Thi Sách (quận 1). Tuy nhiên, để mua lại các dự án này, chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn các vấn đề về pháp lý cũng như giấy tờ liên quan. Đặc biệt, chúng tôi rất quan tâm những dự án có giấy phép xây dựng nhà diện tích nhỏ và có giá bán phù hợp với gói tín dụng 30.000 tỉ đồng” – ông Phái nói. Theo ông Phái, nếu dự án đã có giấy phép căn hộ diện tích lớn thì phải xin chia nhỏ mà thời điểm này không kịp vì Thông tư 02 của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Cũng có ý định mua lại các dự án, bà Nguyễn Thị Dịu Hòa, Tổng Giám đốc Công ty CP Tổ chức Nhà Quốc gia (N.H.O), cho biết tiêu chí chọn dự án để mua lại của N.H.O là có pháp lý rõ ràng, đặc biệt phải là đất sạch, không vướng các vấn đề về đền bù giải tỏa hoặc tranh chấp. Còn ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corp), cho biết những dự án đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng về vị trí, tiện ích, giao thông thuận lợi, giá phù hợp với phần đông khách hàng…, đồng thời phải có tiềm năng thì Hưng Thịnh mới chọn để đầu tư.
Thâu tóm dự án cầm cố
Bên cạnh các dự án “tươi”, các dự án đã thế chấp ngân hàng (NH) cũng thu hút những doanh nghiệp rủng rỉnh tiền. Giới chuyên môn cho biết có nhiều cách để mua các dự án cầm cố. Theo đó, những nhà đầu tư thông qua các NH để tìm mua các dự án đang bị thế chấp nhưng an toàn về hồ sơ pháp lý hoặc phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán để thâu tóm dự án.
Ông Ph., một người từng hoạt động trong ngành tài chính, cho biết gần một năm nay, ông và nhóm bạn chuyên đi “săn” các dự án bị NH xiết nợ. “Một công ty BĐS tên tuổi đồng ý đã bỏ ra số vốn khoảng 100 tỉ đồng và một NH có quy mô trung bình cam kết đối ứng 400 tỉ đồng nữa để tôi đi “săn” các dự án có giá từ 500 tỉ đồng trở lại” – ông Ph. tiết lộ.
Theo ông Ph., gần đây, từ phía một NH B, ông có được hồ sơ của một dự án thuộc nợ xấu, phải đem xử lý. Đây là dự án 65 căn biệt thự ở quận Bình Tân. “Dự án đã có hồ sơ pháp lý rõ ràng, giá chào bán chỉ khoảng 7 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, điều đáng nói là dự án do 5 cá nhân góp vốn nhưng 3 người muốn bán, trong khi 2 người còn lại vẫn do dự, muốn chờ giá lên nên chưa chốt được” – ông Ph. kể và cho biết công ty của ông chỉ là một điển hình trong số rất nhiều doanh nghiệp đang đi săn các dự án bị thúc nợ.
TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng các NH thường không muốn đưa tài sản nợ xấu ra để phát mại, đấu giá bởi thủ tục rất nhiêu khê, nhất là khâu định giá. Nếu đấu không có người mua thì lần sau chỉ được giảm giá 5%, trong khi nếu bán bên ngoài có thể thỏa thuận giá cả.
Mua qua sàn chứng khoán
Mới đây, một tập đoàn của Nhật là Creed Group đã bỏ ra khoảng 700 tỉ đồng để tham gia mua cổ phiếu, trái phiếu của Công ty CP Năm Bảy Bảy (NBB) đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo đó, NBB sẽ phát hành trái phiếu ngay trên các dự án mà công ty đang kẹt vốn gồm City Gates và sắp tới là NBB2, NBB3.
Bên cạnh đó, Quỹ Đầu tư Global Emerging Markets (GEM) của Mỹ liên tục rót vốn vào các doanh nghiệp lớn, uy tín trên thị trường tài chính, BĐS. Cụ thể, GEM đổ vốn từ vài trăm tỉ đến hàng ngàn tỉ đồng vào Tập đoàn FLC (FLC), Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Một chuyên gia tài chính cho rằng không loại trừ khả năng GEM muốn nhắm vào các dự án BĐS ở Việt Nam nhưng không muốn đầu tư trực tiếp vì phải mất khá nhiều thời gian xin giấy phép và việc triển khai cũng rất khó khăn. Có thể thấy được điều này từ khi GEM rót vốn vào FLC hồi đầu năm, tập đoàn này ồ ạt triển khai các dự án bất động có giá trị lớn từ vài trăm, thậm chí vài ngàn tỉ đồng trải dài từ Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Bình…
Mới đây nhất, GEM cam kết đầu tư 1.700 tỉ đồng vào cổ phiếu HAG và sẽ hoàn tất trong vòng 3 tháng tới. Thời gian qua, nhiều người đã chuyển sang đầu tư mạnh vào nông nghiệp với cao su, bò sữa, bắp… nhưng HAG vốn từng là một nhà đầu tư BĐS lớn tại Việt Nam nên quỹ đất do tập đoàn này sở hữu hẳn không phải nhỏ. Do đó, đây có thể là nguyên nhân chính mà GEM quyết định rót vốn vào tập đoàn này.
Lo về thủ tục Hầu hết các doanh nghiệp đi “săn” dự án trong giai đoạn này đều cho rằng các dự án có giấy phép đa phần là diện tích lớn, thủ tục pháp lý chưa rõ ràng, nợ tiền sử dụng đất hoặc các vấn đề khác còn giải quyết chưa xong, đặc biệt là vướng nợ các NH nên muốn mua bán phải qua một vòng giải quyết. Nhiều trường hợp rối rắm quá nên dù giá có tốt nhưng vẫn không dám “nhào vô”. Gần đây, giới địa ốc thường nhắc nhau về dự án căn hộ nằm ở quận Thủ Đức có giá bán khá tốt, thu hút khách hàng quan tâm vì diện tích nhỏ và phù hợp với gói 30.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi khách hàng mua căn hộ thực hiện khâu ký hợp đồng, công chứng thì bị trục trặc do giấy phép ban đầu là căn hộ diện tích lớn. Chủ đầu tư sau khi mua lại đã điều chỉnh thành căn hộ có diện tích nhỏ hơn nên cơ quan chức năng chưa thống nhất về chủ trương. |
Sơn Nhung (Người lao động)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.