Đìu hiu “làng công nhân”

Công nhân mất việc
Khu vực bao quanh khu công nghiệp Canon có Thôn Bầu, thôn Hậu Dưỡng, Thôn Nhuế (xã Kim Chung); thôn Cổ Điển (xã Hải Bối); thôn Đại Độ, Võng La (xã Đại Mạch)… thuộc huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Trái với sự đông đúc nhộn nhịp của 4 – 5 năm về trước, giờ đìu hiu thưa vắng vì lượng công nhân mất việc mỗi tháng, mỗi năm lại nhiều hơn. Các dãy phòng trọ cứ trống dần, người thuê mướn. Bà Lê Thị Hoài, ở Thôn Bầu, nơi từng có mấy chục nghìn công nhân thuê trọ lúc cao điểm cho biết: “Cách đây vài bốn năm, cả thôn “sống” bằng “nghề” cho thuê phòng trọ, nay thì ế ẩm lắm. Ngay như nhà tôi đây có cả thảy 16 phòng thì năm kia lúc nào cũng trống 1 – 2 phòng, năm ngoái là 3 – 4 phòng, sang năm nay thì nhiều tháng trống tới cả gần chục phòng. Chẳng riêng nhà tôi, mà nhà trọ nào cũng trong tình trạng tương tự”.
Cách đây 5 năm, tôi từng đến Thôn Bầu, chứng kiến cảnh tượng công nhân sau giờ tan ca, hay những lúc họ đi chợ mua sắm đồ đông đúc chật kín cả đường thôn, ngõ xóm… Phòng trọ luôn ở trong tình trạng “cháy”, nhiều công nhân chậm chân phải dạt sang thuê phòng ở các làng quê cách xa khu công nghiệp cả 3 – 4 cây số. Vậy mà nay, đường làng thưa vắng người qua lại, các phòng trọ đóng cửa im lìm vì không có người thuê. Hỏi thăm một chủ tiệm bán tạp hóa ở ngay cầu chui số 2, thuộc địa phận Đội 6, chị thở dài: “Ế ẩm lắm, công nhân phải nghỉ việc nên hàng hóa có bán được đâu, gom vài trăm nghìn một ngày cũng khó”. Khoát tay một vòng, chị cho biết: “Phòng trọ ở đây thừa nhiều lắm. Nhà tôi xây 8 phòng thì trống 4. Nhiều nhà có chục phòng thì gần như trống hết. Các khu vực gần sát khu công nghiệp như Đội 7, Đội 6 hay mạn đầu thôn Hậu Dưỡng còn đỡ vì hầu hết công nhân muốn ở gần vì không có phương tiện đi lại”.
Thôn Nhuế, cũng thuộc xã Kim Chung, nhưng xa khu công nghiệp nên không thấy công nhân nào thuê nhà ở đây. Một chị bán rau ở đầu ngõ cho hay, những gian phòng cho thuê trọ ngày trước nay được chủ nhà chuyển đổi sang để nuôi gà, nuôi lợn; chợ búa vắng teo, ít người qua lại…
Chỉ có lác đác các phòng có khách thuê do công nhân mất việc.
Chiêu “kích cầu” để thu hút khách thuê
Công nhân mất việc bỏ đi, làng quê đìu hiu thưa vắng, các gian phòng trọ không có người thuê… Với những người “dài vốn” và kinh doanh phòng trọ ngay những ngày đầu thì chí ít cũng hòa vốn hoặc có điều kiện chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác. Thế nhưng, không ít gia đình lâm vào tình cảnh khó khăn khi mà đồng vốn bỏ ra xây phòng trọ không phải ít, chưa thu đủ vốn liếng… Anh Lê Văn Tâm, chủ một dãy 15 phòng trọ ở thôn Cổ Điển, xã Hải Bối ngao ngán: “Thấy mấy nhà xung quanh xây nhà trọ có thu nhập ổn định nên năm 2010 tôi bàn với vợ vay ngân hàng và phá khu vườn cây ăn quả sau nhà để xây hơn chục phòng cho công nhân thuê. Số tiền đầu tư thời điểm đó khoảng gần 200 triệu đồng, giờ nợ vẫn còn phòng không cho thuê được. Tình trạng này khéo tôi phải cải tạo các gian phòng thành chuồng nuôi gà công nghiệp”.
Chuyện “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” không chỉ của riêng nhà anh Tâm mà là tình trạng chung của rất nhiều nông dân sống quanh các khu công nghiệp. Để bớt phần nào khó khăn, một số ít hộ dân chuyển đổi các gian phòng trọ sang phục vụ chăn nuôi, còn đại đa số vẫn cố nán với hi vọng kinh tế rồi sẽ phục hồi, các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, biết đâu việc kinh doanh phòng trọ sẽ trở lại thời huy hoàng…
Để tồn tại, các chủ nhà trọ có chiêu kích cầu khá nhạy bén đó là giảm giá phòng. Chị Nguyễn Thị Lan, ở Đội 4, Thôn Bầu bảo: “Mới năm ngoái các phòng trọ cho thuê là 500.000 đồng/phòng, dịp này tôi giảm đồng loạt 100.000 đồng/phòng để thu hút người thuê. Ngoài công nhân thì một bộ phận sinh viên trong nội thành thấy phòng bên này rẻ nên chuyển về thuê”. Những hộ có phòng trọ cấp 4 xập xệ giảm giá đã đành, không ít phòng đẹp, khép kín trước kia giá thuê 600 -700.000 đồng/phòng cũng theo trào lưu giảm giá để tận thu”.
Thế nhưng, theo các chủ trọ nơi đây thì việc kích cầu giảm giá phòng thu hút sinh viên chỉ là “chiêu” trước mắt, chứ về lâu dài họ vẫn hi vọng khu công nghiệp ăn nên làm ra để họ tiếp tục “sống khỏe” bằng cách cho công nhân thuê phòng trọ.

Nguyễn Văn Tuấn (NCT)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339